Oct 24, 2018

GIẾNG HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC CHO CÔ KIM DUNG




Các bạn thân mến,

 Giếng nhóm Trưng Vương 6370 chúng mình làm để hồi hướng công đức cho cô Lưu Thị Kim Dung vừa hoàn thành. Tâm xin gửi hình giếng đến cho các bạn và gia đình Cô. 

 Ngoài số tiền chúng mình trích ra từ ngân quỹ Tương Tế Xã Hội của nhóm, Tâm nghĩ Thanh Huyền sẽ gửi cùng với số tiền đã quyên góp được thêm cho Hội Cựu Nữ Sinh Nam California để đóng góp vào Quỹ Học Bổng của cô Kim Dung.

 Bạn Minh Phương tình nguyện thay mặt nhóm in hình giếng của Cô ra để hôm này Minh Phương và các bạn ở dưới Santa Ana đem hình giếng đến trao cho gia đình Cô nhân lúc nhóm 6370 chúng mình đến tiễn viếng Cô. 

 Nguyện đem công đức này hướng về hương linh cô Diệu Hoà Lưu Thị Kim Dung. Một lần nữa, mình cùng nhau góp lời cầu xin cho hương linh Cô được sớm vãng sinh cực lạc quốc.

 Xin cám ơn Minh Phương và tất cả các bạn. 

 Thân mến,

Minh Tâm 



Oct 17, 2018

Chia buồn cùng Đoàn Dung và tang quyến

Được tin thân mẫu bạn Đoàn Dung 



Cụ bà Nguyễn thị Hoa
Pháp danh Đồng Anh

mất ngày 15 tháng 10 năm 2018
tại Việt Nam
thọ 95 tuổi 






Các bạn đồng niên cùng ĐSTV 6370 xin thành kính chia buồn cùng Dung và tang quyến. Nguyện xin cho hương linh Bác được an nghỉ  nơi cõi Vĩnh Hằng.


THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

*****************

Viếng tang lễ mẹ của Đoàn Dung


Trưa nay,18 |12 ,Thanh,Thư và Phương Dung cùng đến viếng tang Mẹ của Đoàn Dung,gặp Thanh Mặt Trời .Cụ Bà được 95 tuổi, mà hay nhất là từ nhỏ đến lúc về già chẳng hề đau bệnh gì cả !!! Phước quá... 

Cầu mong Bác được sớm về miền Cực Lạc !!!

Tối hôm qua Kim Hoa cỏ đến viếng tang, nhưng đi vội ,chưa mở mail nên hôm nay nhờ Thanh mua vòng hoa tươi viếng Bác. 
Ngồi nói chuyện qua lại mới biết tin tức của những bạn tuy lạ nhưng lại quen...ở nơi này, nơi khác....
Bác ở chung với người gia đình con trai út (em của Dung , Dung thì đến đây mỗi ngày để làm nha nên thường xuyên được gặp Mẹ.

Mong gia đình Dung và gia đình các anh em Dung giữ gìn sức khỏe, lo cho đám tang lễ được tốt lành...






***************************

Thơ cám ơn

Chân thành cám ơn các bạn ,,,, đang lúc đau buồn này mình không biết nói gì hơn ,,, hẹn lúc nào rảnh tâm sự với các bạn nhiều nhe

Đoàn Dung

19-10-2018

Hôm nay đưa cốt mẹ mình vào chùa Vĩnh Nghiêm, chân thành cảm ơn những lời thăm hỏi ,chia sẻ ,động viên của các bạn xa gần . Một lần nữa xin cám ơn những ưu ái mà các bạn dành cho mình và gia đình mình,
Các bạn Minh Quang , Chị Thúy Vân, Kim Trang, Phạm thi Liên, Sang Bùi, Mỹ Trang,Thanh Huyền, Minh Lan, Kim Diệp, Chinh, Kim Đoan, Phương Hà, Minh Tâm ơi  xin ghi nhận tấm lòng thơm thảo của các bạn dành cho mình và gia đình... một lần nữa xin cám ơn,,mấy hôm nay mất ngủ , tinh thần chao đảo ,,, có điều gì sơ xuất ,,, mong các bạn bỏ qua nhe.

Đoàn Dung

Oct 15, 2018

HỌP CHỢ MÙA XUÂN TÂY ÚC

HỌP CHỢ MÙA XUÂN TÂY ÚC - Mừng sinh nhật Mai Đoàn

                                     

Sau ba lần 2 em Vịt P.Hà và Mỹ Điệp họp chợ vào thăm Mai Đoàn, thì lần họp chợ này mới thật sự đúng ý nghĩa của buổi họp chợ với không khí ồn ào vui vẻ vì có thêm tiếng nói rộn ràng của Mai Đoàn. Sau gần 4 tháng chống lại cơn bệnh, Mai đã dần dần hồi phục nên mấy em Vịt Tây Úc cùng với con gái của Mai là cháu Tiểu Linh hẹn nhau họp mặt để mừng Mai đã khỏe lại hơn nhiều và đang trên giai đoạn hồi phục, cùng là mừng sinh nhật của Mai.

Sáng sớm, Mỹ Điệp đã khệ nệ mang bánh đến nhà Hà rồi hai đứa đến chỗ hẹn để cháu Tiểu Linh đến đón 2 cô vào bệnh viện hồi phục thăm Mai. Mùa Xuân đến  cây cỏ hoa lá nở tươi đẹp đẽ mà  P.Hà bị dị ứng với phấn hoa nên Mỹ Điệp đã làm bánh mừng sinh nhật Mai, P.Hà chỉ đem theo những bông hoa bằng đường để trang trí lên bánh. Cháu Tiểu Linh cũng đặt một chiếc bánh thật to để mừng sinh nhật mẹ. 
 Tiệc mừng sinh nhật Mai trong bệnh viện mà không khác như ở nhà hàng đó các bạn . Nào là có bong bóng bay, có hoa, có bánh sinh nhật, có soup măng cua , rồi  có cả những món dim sum nữa. Phương Hà và Mỹ Điệp còn được ăn thử đồ ăn của bệnh viện nấu cho bệnh nhân nữa chứ ! hi hi....

Rất vui vì thấy Mai đã nói chuyện lại và ăn uống bình thường như trước .  Các bác sĩ cho biết hy vọng từ 6 tới 8 tuần nữa Mai có thể sẽ đứng và đi lại được. 
Cùng cầu chúc cho Mai cố gắng tập luyện và mau đi lại được các bạn nhé.
Có vài hình ảnh gửi các bạn cùng xem.

P.Hà 


 Cháu Tiểu Linh và Mai Đoàn


                                                              Mai cắt bánh sinh nhật



Trong bệnh viện giống như shopping mall 



Bánh sinh nhật Mỹ Điệp và Hà tặng Mai


Oct 6, 2018

Mỹ đã nghiên cứu, bào chế thành công vaccine chống ung thư

 Mỹ đã nghiên cứu, bào chế thành công vaccine chống ung thư

Ung Thư ! Căn bệnh thế kỷ mà hiện nay trên thế giới có nhiều người mắc phải. Đây là nỗi băn khoăn của các nhà khoa học. Sau một thời gian nghiên cứu thử nghiệm, mới đây các nhà khoa học ở Đại học Stanford Mỹ đã nghiên cứu, sản xuất thành công “Vaccine Ung Thư”, khiến nhân loại đứng trước tương lai tươi sáng triệt để chiến thắng căn bệnh nan y này.

                                                          

Các nhà nghiên cứu đã giành được thành quả tuyệt vời gây bất ngờ khi thử nghiệm đối với chuột: sau khi tiêm vaccine, các tế bào ung thư trong cơ thể nó hoàn toàn biến mất, không những thế loại vaccine này còn có tác dụng đối với nhiều loại ung thư khác nhau. Các tài liệu liên quan đến công trình nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí “Science Translational Medicine”.

Theo tạp chí này thì nhóm nghiên cứu của Giáo sư Ronald Levy của Học viện Y khoa, Đại học Stanford đã nghiên cứu chế tạo ra loại vaccine này trên cơ sở kết hợp 2 dung dịch kích thích miễn dịch.

Khi thí nghiệm, các nhân viên nghiên cứu đã cấy 2 khối u limpo ung thư vào 2 vị trí trên cơ thể chuột, sau đó họ tiêm một lượng nhỏ vaccine vào 1 trong 2 khối u kích thích tế bào trong khối u. Kết quả cho thấy, sau khi được tiêm vaccine, không những khối u được tiêm vào bị tiêu diệt mà khối u kia cũng biến mất.


                                                          
                                                Thông tin về loại vaccine này trên báo Anh.

Trong hạng mục nghiên cứu này, trong số 90 con chuột được dùng thí nghiệm, có 87 con tế nào ung thư hoàn toàn biến mất, tỷ lệ thành công đạt 97%, chỉ có 3 con tế bào ung thư tái phát, nhưng khi tiêm lần thứ 2 thì các khối ung thư đều biến mất.

Loại vaccine kháng ung thư kiểu mới này có hiệu quả đối với nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm cả loại ung thư tự nhiên phát sinh. Các nhân viên nghiên cứu đã giành được kết quả giống nhau khi thử nghiệm đối với các loại ung thư vú, đại tràng và ung thư da.

Ngoài ra, họ còn phát hiện loại vaccine này còn có thể phòng ngừa tái phát ung thư, kéo dài được tuổi thọ của chuột. Khác với các phương pháp trị liệu nung thư khác, loại vaccine này đã tránh phương thức tìm đặc trưng miễn dịch của từng loại ung thư để tiến hành phong tỏa, cũng không cần phải kích hoạt toàn bộ hệ thống miễn dịch hoặc xử lý riêng tế bào miễn dịch của từng bệnh nhân.

Tiêm vaccine vào một khối u hay vào chỗ khác trong cơ thể thì các protein tương đồng với loại của khối u ác tính cũng đều bị tiêu diệt. Điều này có nghĩa là, các tế bào ung thư dù khuếch tán, di căn đến bộ phận nào trong cơ thể cũng đều bị tiêu diệt chỉ bằng một loại vaccine.

                                                          
                              Thử nghiệm vaccine đối với chuột tỷ lệ thành công tới 97%.

Các nhân viên nghiên cứu cho biết, chỉ cần một lượng rất nhỏ vaccine sẽ gây được hiệu quả rất nhanh, đặc biệt không dễ gây ra các tác dụng phụ như phương pháp hóa trị hay xạ trị, thời gian trị liệu rất ngắn, giá lại khá rẻ.

Trong hai loại thuốc tạo nên loại vaccine này. Một đã được phép sử dụng cho con người, loại kia đang được thử nghiệm lâm sàng cho một loại bệnh khác không liên quan đến phương pháp trị liệu này.

Hiện nay, việc nghiên cứu loại vaccine chống ung thư mới này đã bước sang giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người. Nếu thành công, sẽ là đột phá trọng đại trong lịch sử đấu tranh với căn bệnh ung thư của nhân loại.

Minh Nguyễn- T.Anh sưu tầm

Oct 4, 2018

Chia buồn cùng gia đình GS KIM DUNG

Được tin 





Bà Quả Phụ Nguyễn Ngọc Quỳnh

khuê danh Lưu Thị Kim Dung

Pháp Danh Diệu Hòa




 Cựu Giáo Sư Trường Nữ Trung Học Trưng Vương, Sài Gòn

đã mệnh chung ngày 1 tháng 10 năm 2018
tại thành phố Las Vegas, Nevada

Hưởng Thọ 80 Tuổi






TOÀN THỂ CỰU NỮ SINH TRƯNG VƯƠNG THUỘC NIÊN KHÓA 63-70 XIN THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG  TANG QUYẾN CÙNG CẦU CHÚC HƯƠNG LINH GS KIM DUNG ĐƯỢC YÊN NGHỈ NƠI MIỀN TỊNH ĐỘ.


ĐỒNG THÀNH KÍNH PHÂN ƯU



*****************************


Oct 2, 2018

Cách cấp cứu bằng bấm huyệt của Đông y

Để cứu người đột quỵ ngất xỉu, bạn chỉ có vài phút, thậm chí là vài giây.
Thời gian càng lâu, tổn thất càng lớn.
Hãy xem phương pháp đơn giản này của bác sỹ Đông y số một Đài Loan.
Phương pháp hồi sức tim phổi trong Tây y (Cardiopulmonary resuscitation – CPR) thường được dùng đến khi nạn nhân bị ngưng thở hoặc tim ngừng đập vì bị nhồi máu cơ tim hoặc sắp chết đuối…
Tuy nhiên đây không chỉ là quy trình độc quyền của Tây y, Đông y cũng có “Kỹ thuật cấp cứu CPR”.
Bác sỹ Đông y nổi tiếng Đài Loan Đổng Diên Linh đã dùng nó để cấp cứu nhiều bệnh nhân.
Dưới đây là bí quyết cấp cứu bằng phương pháp Đông y trong thời gian ngắn được ông truyền lại.


Đông y cũng có phương pháp cấp cứu CPR, vừa thuận tiện, an toàn lại rất hiệu quả (Ảnh: ntdtv.com.tw)

Bác sỹ Đổng chia sẻ, mấy năm trước có lần trên đường bay từ Mỹ về Đài Loan sau một buổi diễn thuyết, khi đang bay qua biển Thái Bình Dương thì thấy thông báo trên loa phát thanh: “Chúng tôi đang cần nhân viên y tế, trên máy bay có một cô gái bị ngất xỉu, yêu cầu trợ giúp khẩn cấp”, nhận được thông báo tôi vội vàng tới hỗ trợ.
Đến nơi thấy cô gái đang bất tỉnh nhân sự nằm dưới sàn, cũng có hai bác sỹ người da trắng đang ở đó, một người trẻ tuổi đang luống cuống không biết xử trí ra sao, một người khác đang tìm tai nghe và những đồ sơ cứu.
Tôi tiến tới và nói muốn hỗ trợ cứu giúp bệnh nhân đó.
bac sỹ Đổng chia sẻ phương pháp cấp cứu đơn giản dễ thực hiện của Đông y (Ảnh:health.businessweekly.com.tw)


Sau khi bắt mạch và thăm khám tôi thấy mạch bệnh nhân rất chìm, cũng rất yếu, chẩn đoán cô ấy bị suy tim.
Tôi lập tức dùng phương pháp bấm huyệt cấp cứu, ấn mạnh vào cơ của vùng ngực và ở nách trái 3 lần. Không đầy 5 giây sau bệnh nhân lập tức tỉnh lại.
Hai vị bác sỹ, cơ trưởng và phi hành đoàn đứng bên đều ngạc nhiên tới không nói được lời nào.

Nhiều năm qua tôi vẫn hy vọng phổ biến phương pháp cấp cứu này của Đông y tới thế giới.
Tại sao lại như vậy?
Thông thường khi gặp người bị ngất xỉu, việc đầu tiên mọi người nghĩ tới là lập tức đưa tới bệnh viện.
Khi tới nơi đều phải thực hiện hàng loạt xét nghiệm kiểm tra cho tới khi tìm được nguyên nhân bệnh mới được điều trị.
Có những người đã bị mất mạng một cách đáng tiếc trong quá trình đợi đó như bạn của bác sỹ Đổng.
Nếu khi đó người nhà bạn ông biết dùng phương pháp cấp cứu đơn giản này có lẽ bạn ông sẽ không có kết cục đáng buồn như vậy.

Ngược dòng lịch sử 2000 năm tìm hiểu phương pháp cấp cứu của Đông y

Câu chuyện nổi tiếng xảy ra vào thời Xuân Thu chiến quốc cách đây hơn 2000 năm ở Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Một ngày nọ khi danh y Biển Thước đi tới nước Quắc thì hay tin thái tử Đan vừa qua đời. Ông bèn hỏi thăm thì được biết thái tử vừa qua đời cách đó 2 tiếng, Thái tử ban đầu hô hấp khó khăn, khí huyết không thuận, nội tạng bị hại, sau đó đột nhiên tắt thở. Biển Thước hỏi lại kỹ càng và phán đoán thái tử chưa chết thật, bây giờ khẳng định một nửa cơ thể máu còn nóng… Bệnh của thái tử gọi là “Thi quyết”, là do mất thăng bằng âm dương nên đột nhiên bị hôn mê bất tỉnh. Ông dùng kim châm cứu châm một kim vào huyệt Bách Hội trên đỉnh đầu và thái tử có thể tỉnh lại. Phương pháp bấm huyệt cấp cứu của Đông y có lịch sử từ rất xa xưa tuy nhiên vì không được biết tới rộng rãi nên khi bệnh nhân bị ngất đa phần mọi người chỉ nhớ và biết tới các biện pháp cấp cứu của Tây y.



Chỉ một kim châm vào huyệt Bách Hội, danh y Biển Thước đã cứu sống thái tử nước Quắc (Ảnh: tinhhoa.net)


Làm thế nào để bấm huyệt cấp cứu theo cách của Đông y

Theo bác sỹ Đổng, muốn học được cách cấp cứu bạn cần hiểu về châm cứu. Đông y có ” Hồi dương cửu châm”thực sự có công hiệu cải tử hoàn sinh. Theo Đông y, có 9 (Cửu) huyệt có tác dụng làm phục hồi dương khí (hồi dương), vì vậy gọi là Hồi Dương Cửu Châm. Chín huyệt đó là: Á Môn, Dũng Tuyền, Hoàn Khiêu, Hợp Cốc, Tam Âm Giao, Thái Khê, Trung Quản, Túc Tam Lý.

Người thường không biết châm cứu, khi gặp người đột nhiên bị choáng cũng có thể dùng cách bấm huyệt cấp cứu, vừa đơn giản, an toàn lại linh nghiệm.

Cách cấp cứu bằng bấm huyệt của Đông y
Khi bệnh nhân bị ngất thường ở tư thế nằm, người thực hiện thao tác cấp cứu nên đứng bên trái bệnh nhân. Dùng tay phải nắm vào cổ tay trái của bệnh nhân, dơ cánh tay trái trên tới góc độ tựa như thẳng mà không phải phải thẳng. Khi dơ cao sẽ xuất hiện vùng cơ ngực bé, đặt 4 đầu ngón tay vào vùng đó, ngón cái đặt vào chính giữa nách và tập chung lực vào năm đầu ngón tay bóp chặt và kéo thật mạnh hướng ra ngoài thân của bệnh nhân. Dùng lực bóp chặt và tiếp tục động tác kéo này 2 hoặc 3 lần, người bệnh sẽ dần dần hồi tỉnh. Khi thực hiện thao tác cũng cần chú ý điều chỉnh lực kéo, căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân mà thay đổi, nếu là trẻ con, người già, người gầy yếu không nên dùng lực quá mạnh.

Thao tác thực hiện phương pháp cấp cứu CPR của Đông y (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

Bác sỹ Đổng chia sẻ, ông đã dùng phương pháp này cấp cứu được 17, 18 người, thậm chí có những bệnh nhân đã ngừng thở cũng cứu sống lại. Khi gặp bệnh nhân bất tỉnh nhân sự, trước tiên cần gọi cấp cứu, trong thời gian đợi xe tới có thể thực hiện phương pháp cấp cứu này của Đông y. Tôi có một người bạn, ngày nọ mẹ anh ta đột nhiên bị ngất xỉu, anh ta lập tức gọi xe cấp cứu sau đó dùng phương pháp này của tôi. Khi làm tới lần thứ ba mẹ anh ta đột nhiên nói: “Đừng có mạnh tay như thế, đau lắm”. Xe cấp cứu tới thấy mẹ anh ấy không sao liền đánh xe không quay về.

Tại sao phương pháp bấm huyệt cấp cứu có thể cứu được người?

Theo Hoàng đế nội kinh, Phế chủ khí, chủ trì tất cả nguồn khí trong cơ thể. Hai huyệt đạo Vân Môn và Trung Phù ở bên ngoài cơ ngực bé, đây cũng là điểm khởi đầu hai huyệt đạo của Phế kinh, hai huyệt đạo này nối liền với nhau, cũng tương tự như một sợi dây điện trực tiếp thông tới phổi.

Thông thường khi bị ngất, cũng có nghĩa sắp ngừng thở, Phế không có năng lượng, không có khí. Sau khi hai huyệt đạo này nối liền với nhau, cũng giống như đang dùng khí quản để hít khí vào trong nên vừa bấm vào lập tức bệnh nhân sẽ có thể tỉnh lại.

Ngón tay cái bóp vào giữa nách cũng chính là huyệt Cực Tuyền, nó là một huyệt đạo của Tâm kinh trực tiếp đối với tạng Tâm. Khi bị ngất tim cũng gần như bị ngừng, ấn vào huyệt Cực Tuyền có thể giúp nó hoạt động trở lại. Bởi vậy, ấn vào những huyệt vị ở Phế Kinh và Tâm kinh sẽ giúp Tim Phổi hồi phục năng lượng và bệnh nhân có thể hồi tỉnh. Đây chính là phương pháp hồi phục lại chức năng tim phổi của Đông y.



Phương pháp cấp cứu CPR của Đông y là sử dụng huyệt Vân Môn và Trung Phù thuộc Phế kinh, cùng với Cực Tuyền của Tâm kinh

Ngoài phương pháp Hồi dương cửu châm và bấm huyệt cấp cứu nêu trên, Đông y còn nhiều phương pháp cấp cứu ví dụ bấm huyệt Nhân Trung. Có lần bác sỹ Đổng đã áp dụng phương pháp này với người bạn ông. Trong tình huống khẩn cấp khi bạn bị ngất, ngoài dùng kim châm cứu, ông còn lấy máu ở huyệt Bách Hội. Châm cứu, bấm huyệt, lấy máu ông áp dụng cả ba cách này và đã cứu được bạn mình.

Thục sưu tầm

Oct 1, 2018

NGUỒN GỐC CỜ LỜ MỜ - Bài viết của Giáo Sư Đoàn Văn Phi Long

NGUỒN GỐC CỜ LỜ VỜ
GS Đoàn Văn Phi Long

1. Thủ Tướng Cờ lờ vờ

** Kể từ ngày ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ê a đánh vần bảy chữ CLMV-CLV, cộng đồng mạng bỗng dưng dậy sóng. Phần lớn bà con đều kinh hoàng với cách phát âm khôi hài này. Báo chí chính thống thì ngậm hột thị, có lẽ họ cũng thấy cái gì đấy không chỉnh cho lắm, nhưng không dám lên tiếng.

“Cái gì đấy không chỉnh” có lẽ mọi người bây giờ đã biết. Nó đến từ sự lầm lẫn giữa cách dùng tên của chữ cái và cách phát âm của nó. Trong một video quay trực tiếp, anh Nguyễn Chí Tuyến đã trình bày rõ về vấn đề này. Tôi xin được tóm lại như sau: Trong tiếng Việt, mỗi chữ cái gồm có một cái TÊN và một cách PHIÊN ÂM. Chẳng hạn chữ B có tên là BÊ và phiên âm là BỜ, chữ C có tên là XÊ và phiên âm là CỜ. Khi nói tắt (chứ không phải viết tắt) ngày xưa người ta dùng TÊN, chẳng hạn a, bê, xê (A,B,C) và bây giờ người ta dùng phiên âm a, bờ, cờ.

Cờ lờ mờ vờ: Viết tắt từ các chữ: "Campuchia, Lào, Mianma, Việt Nam" Cờ lờ vờ: Campuchia, Lào, Việt Nam. ACMECS: ông Phúc đọc nghe như "ạpméc" ACMECS viết tắt từ các chữ: Ayeyarwady Chao Phraya Mekong Economic Cooporation Stratedy (Tổ chức chiến lược hợp tác kinh tế, do thủ tướng Thái Lan Thaksin lập ra vào năm 2004) (TK 1)

Ghi chú: Lời bàn trong hai ngoặc kép “ “ là của ĐVPL. Phần còn khởi đầu bởi dấu (**) lại là trích dẫn các bài viết ở Tham khảo.

Lời bàn:

“Viết tắt không nên đọc thành tiếng mà phải nói từng chữ. Vào tiệm Úc hỏi mua LED television thì người bán hàng Úc sẽ không hiểu, muốn họ hiểu phải nói L-E-D television”

2. Bảng mẫu tự made in VN, không phải là bảng phát âm hay phiên âm

Lời bàn:

“-Theo phần trên, đọc c theo chữ là xê còn theo phát âm cờ.

Nhưng phụ âm còn được gọi là tử âm, nghĩa là không có phát âm.

Thực vậy trong tiếng Latin cōnsonāns là "âm thanh cùng nhau", Dionysius Thrax gọi phụ âm sýmphōna "phát âm với" bởi vì chúng chỉ có thể được phát âm với nguyên âm.

m là phụ âm sao lại phát ra thành mờ.

Nếu là thế đánh vần “i mờ-i “ tức là mời chớ không phải là mì. Lạ thật.

Thực sự đây là bảng mẫu tự VN, một sáng chế của ta để người bình dân dễ học dễ nhớ, thay thế bảng mẫu tự a, bê, xê, đê, ka, e, el của Pháp hay bảng mẫu tự ê, bi, xi, đi, kê, i,el của Anh.

- Trước đó, một video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/, đánh vần chữ "qua" là "cờ-ua-coa"...(theo Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại) gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy chính thức cho học sinh lâu nay.

Cô giáo chỉ chữ D và đọc là chữ Dờ. Như vậy tất cả các phụ âm khác đều là chữ chớ không phải là phát âm: chữ bờ, chữ cờ, chữ gờ. (TK 2)

-Học giả Hoàng Xuân Hãn viết

Khi dạy chữ cái, thì dạy lẫn lộn chữ vần bằng (phụ âm) và chữ vần trắc (nguyên âm), vì nếu dạy như vậy, thì khi mới học một chữ vần bằng và một chữ vần trắc, học trò đã có thể ghép lại thành vần, và phân tích để hiểu cơ cấu và cơ động của vần.

Gọi các chữ cái vần bằng (phụ âm) B, C, D … là Bờ, Cờ, Dờ… thay Bê, Xê, Dê… theo xưa. Làm như vậy thì đánh vần mới hợp lý cho các chữ C, G, H, X; kẻo ví dụ đánh vần « XÊ A là CA» là không thuận, vì nó phải là « XA » Gọi thẳng các vần bằng kép : Gi là Giờ, KH là Khờ, NG là Ngờ, NH là Nhờ, PH là Phờ, GU là Quờ, TH là Thờ, TR là Trờ” (TK3)

** Vấn đề sử dụng phiên âm thực ra đã được nêu lên từ rất lâu, và bởi những người có thẩm quyền nhưng cho đến nay cũng chưa thống nhất. Trên tờ Tuổi Trẻ tháng 5/2010, ông Lê Tiến Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết: (xin trích) “Trường hợp sử dụng cách gọi a, bê, xê hay a, bờ, cờ cũng phải xem xét từ thực tiễn dạy học. Việc sử dụng việc dạy ghép vần cho học sinh lớp 1, để trẻ dễ hiểu, dễ học, các nhà giáo dục đã lựa chọn cách gọi tên “a, bờ, cờ”. Chẳng hạn trẻ ghép “bờ e be sắc bé” sẽ đơn giản hơn nhiều so với “bê e be sắc bé”, hay sẽ ghép vần “cờ o co huyền cò” chứ không thể “xê o co huyền cò”…

Cá nhân tôi ủng hộ vì đó là con đường nhanh nhất giúp trẻ ghép vần. Cách phát âm a, bờ, cờ chỉ sử dụng khi ghép vần để trẻ biết đọc tiếng Việt. Còn trong những trường hợp khác, kể cả ở lớp 1, vẫn sử dụng cách đọc a, bê, xê để đọc bảng chữ cái” (hết trích) (TK4)

Lời bàn:

“-Theo qui ước tiếng Pháp hay Anh, C có hai cách đọc tùy trường hợp: cat /kat, cell/xel

Tương tự cho chữ g: game, gene (gien di truyền học)

-Người học i tờ không đọc được phụ âm bê xê giê.

Tuy dễ dàng lúc ban đầu nhưng về sau lại gây rắc rối và nhầm lẫn tai hại”

-Vụ trưởng Vụ Giáo dục không biết đếm vì tổng số từ của hai thí dụ trên đều là 5, sao gọi là đơn giản hơn?”

3. Học hai năm học hai cách đánh vần

** Vậy thì đã rõ, cách phát âm a, bờ, cờ chỉ được dùng trong lớp 1, nghĩa là khi các em học đánh vần. Xong giai đoạn này, các em sẽ dùng a bê xê. Thí dụ là cho tam giác a bê xê chứ không phải a bờ cờ, Nước Việt Nam đọc tắt là “vê en” chứ không phải vờ nờ. Không có gì phải lăn tăn. Vậy mà ông thủ tướng lại văng ra cờ lờ mờ vờ ! Nghe nó kỳ kỳ thế nào ấy. Xấu miệng thì nói ông chưa xong lớp 1, tốt miệng thì đổ lỗi cho thằng đánh máy (lại thằng đánh máy !) (TK1)

Lời bàn:

“-Tại sao phải dạy cách đọc khác nhau cho hai lớp 1 và 2, các nước trên thế giới đâu có theo cách phức tạp này. Như thế hoặc là Thủ Tướng Phúc

-Chỉ học hết lớp 2. Điều này khó có thể xãy ra

-Hoặc là thời Ông Phúc chỉ dạy một cách đánh vần duy nhất i tờ. Điều này đã được kiểm chứng là đúng ở mục 2.

Vậy không phải Ông Phúc dốt mà cách đánh vần I Tờ sai”

4. Nguyên do phải dùng cờ lờ vờ

Lời bàn:

“-Cho dễ nhớ vì người bình dân hay lớn tuổi ở miền Bắc không thể nhớ hết hai mươi phụ âm b, c, g, k....

Nếu đọc là cờ, lờ, mờ thì dễ nhớ hơn nhưng mắc phải vấn đề nghiêm trọng, xem mục 5

-Miền Nam thời Pháp đọc theo Pháp là a, bê, xê, dê

Khi người Pháp về nước thì Miền Bắc đọc i tờ còn Miền Nam là a, bê, xê. Thời VN cộng hòa miền Nam đọc a, bê, xê nhưng đánh vần lai như ba đánh vần “a bờ a ba”

5. Đánh vần cờ lờ vờ có nhiều sai sót

Lời bàn:

“-Đánh vần sai

Gì: i gờ i thành ‘’ghì’’ chớ không phải là gì

bì : bờ i thành ’’bời’’ chớ không phải là bì

quơ: kờ ơ kơ thành cờ

-Không thể tạo ra các cuộc thi đánh vần như spelling bee ở các nước Âu Mỹ. Thí dụ giám khảo nói kali, thí sinh trả lời “ cờ a ca lờ i li” thì là cali hay kali ? Tương tự kaki, King Kong, Hồng Kông, Kawasaki, calcium, culi, Quảng Trị làm sao đánh vần cho chính xác?

-Không thể giao tiếp với người ngoại quốc được. Du khách ngoại quốc tới Hà Nội hỏi “Can you spell Saigon” mà đánh vần là “ai xờ ai xai, on gờ on gon” thì tới tết Tây họ cũng không hiểu.

-Đánh vần đã xuất hiện ở miền Bắc từ hồi còn ở trong bưng, khoảng thập niên 30-40

Hồi nhỏ ở Trảng Bôm thập niên 50 thấy mới đứa nhỏ trong bưng ra ngoại thành đánh vần a, bờ, cờ thì lấy làm lạ vì khác với cách đánh vần a, bê, xê mình đã học”

** ABC

Không có nhà

Đi ở thuê

Tôi không bàn đến việc không có nhà nên phải đi ở nhà thuê mà chỉ đề cập đến cách đọc những mẫu tự ABC. Câu trên phải đọc là “A, Bê, Xê” cho hợp vần với “Đi ở thuê”. Sẽ là điều trái cẳng ngỗng khi đọc là “A, Bờ, Cờ”, hoàn toàn không hợp với vần của câu thứ ba: “A, Bờ, Cờ – Không có nhà – Đi ở thuê”!

6. I Tờ chỉ có ở miền Bắc

Lời bàn:

“Dân miền Bắc đa số là bần cố nông nên không có học và cũng không có trường dạy chương trình Pháp nên không biết mẫu tự abc. Trái lại miền Nam lúc đầu có trường sơ cấp và Trung cấp dạy bằng Pháp ngữ. Người học hết tiểu học là nói tiếng Pháp như gió có thể làm thông ngôn cho Pháp, còn người có bằng Diplome (Thành chung) là có thể làm Đốc học. Mãi về sau thập niên 40 mới có trường tiểu học tiếng Việt. Thành ra miền Nam không cần có trường Bình Dân giáo dục i tờ. Hơn nữa Hoàng Xuân Hãn lúc đó ở miền Bắc nên cách đánh vần i tờ chỉ có ở miền Bắc, nhất là VM ở trong bưng”

7. Hoàng Xuân Hãn cha đẻ I Tờ

** Phương pháp i tờ

Nhớ lại Hội truyền bá quốc ngữ nhân kỉ niệm 50 năm

Viết tại Paris, đầu hè năm 1988 – Hoàng Xuân Hãn

Xin tóm tắt các phần liên quan

- Gọi các chữ cái vần bằng (phụ âm) B, C, D … là Bờ, Cờ, Dờ… thay Bê, Xê, Dê… theo xưa. Làm như vậy thì đánh vần mới hợp lí cho các chữ C, G, H, X; kẻo ví dụ đánh vần « XÊ A là CA» là không thuận, vì nó phải là « XA » Gọi thẳng các vần bằng kép : Gi là Giờ, KH là Khờ, NG là Ngờ, NH là Nhờ, PH là Phờ, GU là Quờ, TH là Thờ, TR là Trờ.

- Để dành lại cuối cùng những vần ngoại lệ đơn và kép K, GH, NGH trước những nguyên âm E, Ê, I thì chỉ cần học : K đọc Cờ như C, GH đọc Gờ như G, NGH đọc Ngờ như NG. Chữ GI đọc Gi. Lại giảng thêm rằng hễ có sự ngoại lệ rắc rối ấy, là bởi vần quốc ngữ được đặt ra bởi những giáo sĩ Bồ Đào Nha dựa theo vần của họ. Sau này, khi ta có dịp, ta sẽ cải cách cho nhập lệ hơn.

Hồi bấy giờ có kẻ làm việc kiểm duyệt chính trị đã nói đến tai tôi rằng : « Họ đã biết tác giả quyển sách vần là ông. Họ thấy sách lạ, họ ngạc nhiên. Họ đã xét kĩ càng, nhưng không thấy dấu gì là tuyên truyền chính trị. Tuy vậy, họ vẫn nghi ngờ và theo dõi nhân viên hội.».

Sự thử thách tổ chức hội và phương pháp dạy ở Hà Nội có kết quả lớn, nhưng chính quyền không để bành trướng cụ thể nhiều. Tuy nhiên, phương pháp ” I Tờ ” được nhiều nơi biết đến. Thậm chí có những kẻ không thức thời chế những người ít học là kẻ ” i tờ ”.

Sau ngày chính quyền Pháp bị Nhật quân triệt hạ, nhất là sau khi nhân dân ta tự chủ nắm trách nhiệm xóa nạn mù chữ cho toàn quốc thì phong trào mở lớp học bình dân, dạy vần quốc ngữ theo phép ” I Tờ ” bùng nổ từ thành thị cho đến thôn quê.

Hơn bốn mươi năm sau khi phong trào ấy ra đời, tôi ở đất người, còn được nghe kể một câu chuyện vừa cảm động vừa buồn cười, có liên quan đến hai tiếng ” I Tờ ” kia.

Có người phụ nữ, quê ở miền trong, nghe nói tôi là tác giả những câu vè ” I Tờ ” cô ta nhắc lại những câu hát của trai gái ghẹo đùa nhau, nghe khi cô còn bé:

Trai : « Ai về Chợ Viễn, Khánh Vân « Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa.»

Gái : « Đánh vần năm ngoái năm xưa « Năm nay quên hết như chưa học vần. »

Trai : « Bây giờ có lớp bình dân « I Tờ ghép lại đánh vần như chơi ! »

Gái : « Bình dân ! Khổ lắm anh ơi ! « Không đi thì dốt, đi thời… bụng… T… O…» * (TK5)

8. Thắc mắc không lời giải

** Chuyện thứ nhất:

Con: Tứ giác ABCD đọc là a bê xê đê hay a bờ cờ dờ?

Cha mẹ: A bê xê đê chứ, a bờ cờ dờ đờ chỉ dùng để đánh vần thôi.

Con: Vậy sao G7 lại là gờ bảy, MU lại là mờ u?

Cha mẹ: ???

Bình luận: Khoảng năm 1935-1936, hai ông Hoàng Xuân Hãn và Trần Văn Giáp sáng tạo ra cách đánh vần i-tờ cho phong trào truyền bá chữ quốc ngữ và đạt được thành công rất nhanh chóng, cho đến cả phong trào bình dân học vụ sau này. Trước đó, các cụ ta vẫn đánh vần en-hát-a-nha-en-hát=nhanh, chứ không phải như kiểu i-tờ là a-nhờ-anh+nhờ-anh=nhanh.

Chuyện thứ hai:

Con: Sao chữ “p” ở PNTR đọc là pi (pi-en-ti-a) mà ở AFP lại là pê (a-ép-pê)?

Cha mẹ: ???

Bình luận: Hình như các phụ âm cứ chuyển đại ê, ờ (bê, bờ) thành i (bi) là việc cực dễ, nghe lại ra vẻ như mình thạo tiếng ngoại: BBC (bi-bi-xi), CNN (xi-en-en), còn gặp nguyên âm thì... hơi ngại, chứng cớ là chẳng ai gọi là i-iu, ây-ép-pi cho rách việc, mà cứ gọi quách theo tiếng Việt cho dễ: e-u (EU), a-ép-pê (AFP).

Chuyện thứ ba:

Con: VND là gì?

Cha mẹ: Là “Việt Nam đồng”, dễ thế mà con không biết à?

Con: Thế tại sao không gọi là Mỹ đôla, Nhật yen, Trung Quốc nhân dân tệ, Lào kip, Đức mác?

Cha mẹ:???

Chuyện thứ tư:

Con: Ta có bao nhiêu chữ cái?

Cha mẹ: Để xem nào: a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y = 29 chữ.

Con: Vậy khi xếp thứ tự là xếp a, ă, â, b, c,... à? Sao con thấy người ta hay xếp a, b, c, d,...; rồi đến e hay đ?

Bình luận: Chưa có ai qui định rõ ràng bảng vần chữ cái của ta gồm những chữ nào. Hình như có mấy khả năng:

1. Không gộp các chữ cái nhập ngoại như f, j, w, z (như trên vừa nêu).

2. Có gộp các chữ cái nhập ngoại: a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, f, g, h, i, j, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, w, x, y, z = 33 chữ.

3. Gộp các chữ cái nhập ngoại và không tính những chữ phụ thêm như ă, â, đ, ê, ô, ơ, ư; như vậy bảng chữ cái sẽ là: a (trong đó gồm có ă, â), b, c, d (trong đó gồm có đ), e (trong đó gồm có ê), f, g, h, i, j, k, l, m, n, o (trong đó gồm có ô, ơ), p, q, r, s, t, u (trong đó gồm có ư), v, w, x, y, z. Nếu như thế này thì hoàn toàn phù hợp với bảng chữ cái Latin thông dụng trên thế giới và sẽ không khó giải quyết các trường hợp như tứ giác ABCD hay sắp xếp thứ tự 1,2,3,4... a, b, c, d, e...

Liệu có thể xử lý những vấn đề lớn lao hơn trong tiếng Việt khi vần chữ cái chưa ổn thỏa? Và chính bảng vần chữ cái lại đóng vai trò quan trọng trong những công việc tày đình liên quan đến hàng chục triệu con người như: lên danh sách cử tri, thí sinh, học sinh, danh bạ thuê bao điện thoại, thư mục thư viện... (TK 6)

9. Hai miền hai bảng mẫu tự

** Trong khi miền Bắc trung thành với cách đọc A, Bờ, Cờ từ thời Bình dân Học vụ thì ở miền Nam, từ năm 1954 đến 1975, khi trẻ bước vào lớp Năm (tương đương với lớp 1 ngày nay) được dạy đánh vần các mẫu tự ABC theo cách phát âm A, Bê, Xê.

Sự thay đổi sau năm 1975 được mệnh danh là cải cách hoặc cải tiến giáo dục tức là cả hai miền đọc cờ lờ mờ.

Thế nhưng, sau 1975, khi bắt đầu học toán, các em làm quen với một hình chữ nhật có 4 góc ABCD lại được thầy cô đọc là A, Bê, Xê, Dê chứ không còn là A, Bờ, Cờ, Dờ như cách đọc ở lớp vỡ lòng. Nếu phụ huynh thắc mắc, thầy cô trả lời rất đơn giản: “Trên hướng dẫn như thế!”.

Bản thân tôi đã được nghe cháu ngoại đọc báo và không thể hiểu nổi Bộ Lờ Đờ Tờ Bờ Xờ Hờ là cái gì. Mãi cho đến lúc nhìn vào mặt chữ in trên tờ báo mới giật mình vì đó là những chữ viết tắt: Bộ LĐ-TB-XH (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội)! Các bậc ông bà, cha mẹ không dám sửa vì con cháu luôn có điệp khúc: “Cô giáo bảo”. Về ngôn ngữ, ngoài xã hội cũng ‘loạn’ không kém gì môi trường giáo dục. Chẳng hạn như khi nhóm G7, G20 nhóm họp, đài truyền hình trung ương (VTV) đưa tin qua tên gọi các nhóm này là Gờ Bảy, Gờ Hai Mươi… trong thi đó bản tin của đài Sài Gòn (HTV) vẫn trung thành với cách phát âm cũ: Giê Bảy, Giê Hai Mươi!

Xem quảng cáo trên TV về việc cài đặt GPRS trên điện thoại di động thì phát thanh viên miền Bắc đọc là Gờ Pê Rờ Ét còn trong Nam lại phát âm là Giê Pê Rờ Ét… (Nếu trung thành với cách phát âm cũ ABC thì phải là Giê Pê E Rờ Ét chứ). Xem đá bóng thì có đội Mờ U ở miền Bắc và Em U ở trong Nam dù đó chỉ là một đội Manchester United (MU) tận bên Anh!

Trên đây là chuyện đọc, nhưng chuyện viết cũng nhiêu khê không kém. Ngày nay, người ta có khuynh hướng biến chữ Y thành I. Theo cách này, công ty sẽ thành công ti, kỹ thuật biến thành kĩ thuật nhưng không biết đến bao giờ ta sẽ có Ti I tế thay cho Ty Y tế? Tại miền Nam sau 75 ngày xưa cũng có hiện tượng đổi Y thành I, nhưng trong trường hợp nữ ca sĩ Thanh Thúy chắc chẳng ai nỡ nhẫn tâm đổi tên người đẹp thành Thanh Thúi ! Nguyễn văn Chinh (TK 7)

Lời bàn:

“-Từ thời Pháp thuộc cho tới trước 75, miền Nam đọc a bê xê, sau 75 cả nước đọc a bờ cờ, rồi chừng vài chục năm sau trở lại a bê xê.

-Ngày nay lại cho dạy Tiếng Việt Công nghệ giáo dục ở vài chục trường để thí nghiệm. Lại muốn trở lại cái vòng luẩn quẩn.”

10. Sau 75 vẫn còn khác nhau cách đánh vần

** Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu phần nào gây tranh cãi và còn có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả.

Đây không phải là chương trình riêng mà là tài liệu dạy học của chủ biên GS Hồ Ngọc Đại, được nhiều địa phương tự nguyện áp dụng. Nó không có trong nội dung chương trình Tiếng Việt năm 2000 (chương trình hiện hành) được áp dụng đại trà và không có trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Lời bàn:

“Trong nước, trong thời Pháp miền Bắc theo cờ lờ vờ, sau 75 cả hai miền vẫn theo cách này, về sau đổi lại thành a bê xê. Cách đánh vần Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại và Bộ Giáo dục thông qua, cho phát hành, là cách đánh vần i tờ nhưng cải biên dạy ngữ âm tiếng Việt cho em bé trước khi học đánh vần.

Như vậy sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục dạy học sinh đánh vần theo tiếng, còn sách đại trà (Bộ giáo dục) theo con chữ”

11. Không nước nào đánh vần theo kiểu VN

** Việc đánh vần ở tiếng Việt khá đặc biệt. Trong tiếng Anh, khái niệm "đánh vần tức spelling" thực ra là đọc các chữ cái trong từ. Trong tiếng Trung, người ta cũng học nguyên chữ, nếu cần thì chỉ ra xem chữ đó nằm trong tổ hợp nào. Còn tiếng Việt thì đánh vần vừa là để chỉ ra các chữ cái, lại vừa là cách để chỉ ra các âm trong từ.

Cách đọc các chữ cái thì phải khác nhau, chứ mà c, k, q lại đọc cùng là "cờ" thì chịu. Còn đọc các phụ âm khi đánh vần lại là chuyện khác nữa. Như là "kh", "qu" thì không có trong bảng chữ cái nhưng lại là các phụ âm quan trọng. VN Express

Lời bàn:

“-Người Việt nào cũng phân biệt được nguyên âm và phụ âm nên không cần phải học

-Không có nước nào trên thế giới dạy cách đánh vần kiểu ta.

-Spelling trong tiếng Tây phương có nghĩa là nói ra các chữ cái theo đúng thứ tự.

-Ở Miền Nam trước 75 viết chính tả chính là Spelling Tây phương: Giáo sư đọc một bài và học trò viết lại cho đúng.

Giáo sư chỉ là Thầy giáo, Teacher, không phải là Professor. VN biến học hàm Giáo sư thành Professor là sai hoàn toàn, do áp chế tự nguyện bởi TC thế mà ta lại nhẹ dạ nghe theo để hạ bệ Giáo sư, làm cho nền giáo dục Đại học loạn xà ngầu đến nỗi không có tên trong bảng danh sách Đại học thế giới vì Âu Mỹ không hiểu gì hết” (TK8)

12. Dạy Ngữ âm học cho con nít

** Trình tự dạy đánh vần của tài liệu là: phát âm - âm - con chữ, tức là dạy tiếng trước dạy chữ. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất giữa tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục và sách giáo khoa chính thức hiện nay. Theo quan điểm của chủ biên, cách này thuận với tự nhiên là trẻ biết tiếng (phát âm) trước khi biết chữ.

Bài học đầu tiên trong tập 1 "âm-chữ", học sinh sẽ được học tách câu thành từng tiếng, ví dụ "một ông sao sáng" gồm 4 tiếng: một/ông/sao/sáng. Với mỗi tiếng, sách ký tự thành một hình tròn/vuông/ngôi sao... Tiếng giống nhau được đánh màu sắc giống nhau, để học sinh dễ hình dung.

Do học tiếng trước học chữ nên với trẻ bắt đầu học lớp 1, khi nhìn vào mặt chữ sẽ không biết từ đó đọc là gì. Điều này khiến phụ huynh hoang mang, thậm chí có người bức xúc đến xé sách của con vì đã quen với phương pháp truyền thống là học chữ trước rồi nhìn vào con chữ để đánh vần và nhận diện từ.

Theo sách của GS Hồ Ngọc Đại, với mỗi tiếng, các em được hướng dẫn tách thành hai phần là đầu và vần, ví dụ tiếng "ba" có phần đầu là "b" và vần là "a". Song song đó, bài học đầu giới thiệu với học sinh sáu thanh trong tiếng Việt gồm: ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và ký hiệu của các thanh này.

Ở phần âm (bài 2), Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục dạy học sinh theo khoa học của ngữ âm học. Sách hướng dẫn cách phân biệt nguyên âm với phụ âm; trong vần có âm chính, âm đệm và âm cuối.

Khi được học về âm đọc tròn môi (o, ô, u) và không tròn môi (a, e, ê, i/y, ơ, ư), học sinh sẽ được giới thiệu quy tắc ghép âm để tạo thành âm/vần mới. Ví dụ, ghép âm /a/ không tròn môi với âm /o/ tròn môi sẽ cho ra âm /oa/, hoặc vần "an" làm tròn môi bằng cách ghép với âm /o/ sẽ tạo thành vần "oan".

Ghi âm /cờ/ đứng trước âm đệm bằng chữ q; ghi âm /i/ đứng sau âm đệm bằng chữ y; dấu thanh đặt ở âm chính"... là một số luật chính tả được nêu trong Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, buộc học sinh phải ghi nhớ và làm theo.

Lời bàn:

“-Học đánh vần đâu có cần Ngữ âm học, chỉ dành cho nhà nghiên.

- Dạy Ngữ âm học cho em bé chưa biết chữ. Người lớn còn không hiểu, không nhớ thì làm sao con nít ở nhà trẻ hay mẫu giáo có thể hấp thụ được?

-Phụ âm khác nguyên âm rất dễ phân biệt được đâu cần phải học”

13. Cách đọc rất phức tạp cho em bé

Lời bàn:

“ua và uô đều đọc là /ua/ trong khi trong sách Bộ Giáo dục "ua" và "uô" cách đọc khác nhau.

ưa và ươ đều đọc là /ưa/ trong khi sách Bộ Giáo dục ưa đọc là ưa như trong từ tưa; ươ sẽ đọc là 'ư-ơ/.

Với Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục cách đánh vần trong cũng khác. Từ "ke" sẽ được đánh vần là "cờ - e - ke" thay vì là "ca - e - ke" theo sách Bộ Giáo dục.

Vần "uôn" sẽ được đánh vần là "ua - n - uôn" thay vì là "u-ô - n - uôn" trong sách Bộ Giáo dục”

14. Không nên phiên âm tên riêng

Lời bàn:

“-Phải cho học sinh học tiếng Anh từ bé, chú ý nghe nói nhiều hơn đọc viết. Cách học ít tốn tiền là coi các phim ngoại có phụ đề Anh ngữ (dùng nút subtitle STTL) thì sẽ nghe nói đúng tiêu chuẩn.

- Không phiên âm trong hóa học, vật lý, báo chí, địa lý.

Ở VN sau 75, nước Úc ghi là A-ốt-sịt-tờ-ra-li-a (Australia) rất kỳ cục, ngớ ngẩn, rườm rà chẳng giống ai hết.

-Giao tế với người nước ngoài

-Du học không mất thì giờ học Anh ngữ

-Khỏi thất nghiệp khi có dịp đi ngoại quốc. Người Á châu được định cư ở Úc hầu như bị thất nghiệp một thời gian dài trong khi Ấn Độ tới là có job ngay mặc dầu nói tiếng Anh như xe lữa chạy hết tốc lực.

- Thời đại Internet mà không biết tiếng Anh thì chỉ có thể trượt tiếng Việt thường không có đầy đủ dữ liệu bằng tiếng Anh”
GS. Đoàn Văn Phi Long

Tham khảo

1. Phiếm luận về Cờ Lờ Mờ Vờ!, Phạm Minh Hoàng

tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/12/06/phiem-luan-ve-co-lo-mo-vo/
2.Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại
3. Hoàng Xuân Hãn
vi.wikipedia.org/wiki/Hoàng_Xuân_Hãn
4.Tuổi Trẻ tháng 5/2010, ông Lê Tiến Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT
5. Nhớ lại Hội truyền bá quốc ngữ nhân kỷ niệm 50 năm. Viết tại Paris, đầu hè năm 19884.
    Phương pháp I Tờ, Hoàng Xuân Hãn.
6. Câu hỏi không lời giải, Tuổi Trẻ online
7. a bê xê hay a bờ cờ, Nguyễn văn Chính
kontumquetoi.com/2016/03/15/tu-abc-den-a-bo-co-nguyen-van-chinh
8. Giáo sư là Teacher không phải Professor, ĐVPL