Lời giới thiệu : Giáo Sư Đoàn văn Phi Long là giáo sư dạy Toán tại trường Trưng Vương trước 1975. Sau khi định cư tại Úc song song với việc dạy Toán cho nhiều thế hệ học sinh Việt tại gia, từ năm 1987 Thầy còn bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu về Nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Đây là một chương trong khoảng 30 chương của " Nguồn gốc dân tộc Việt Nam".
Đặc san TV6370 xin cám ơn Thầy Đoàn văn Phi Long đã gửi bài cho, và xin trân trọng giới thiệu đến các bạn TV và độc giả khắp mọi nơi .
NGUỒN GỐC ĐỊA DANH MIỀN NAM -Phần 1
GS Đoàn văn Phi Long
Hầu hết tên Cao Miên là thần Bà la Môn Giáo. Kinh Vệ Đà xuất hiện cách nay hơn 4000 năm ghi 33 vị thần nhưng lại liệt kê nhiều hơn, có người nói là 33 loại thần. Có khoảng 1200 vị thần Bà La Môn và người Miên tôn thờ chừng vài trăm vị nên cũng dễ tra cứu. Địa danh của người Kampuchia khác địa danh VN và Trung Hoa, hầu hết là tên thần và tên được lập đi lập lại nhiều lần tại nhiều nơi. Địa danh miền Nam được chia ra làm 3 loại và được tra cứu từ địa danh hoặc đền đài Kampuchia.
Tên có đấu * coi như khá chính xác, có dấu (?) là còn nghi ngờ vì phát âm hơi khác.
1 . Tên Việt nhưng gốc Miên
Đây là những địa danh đã gợi ra nhiều truyền thuyết đặt trên căn bản địa danh là tiếng Việt.
Đồng Nai: Tonlé tức là sông chỉ sông Đồng Nai chảy dài thành sông Sài Gòn.
"Theo truyền thuyết thì Đồng Nai ngày xưa là cánh đồng cỏ nuôi nai"
Ngày xưa và cả bây giờ ít ai nuôi nai vì rất tốn kém, phải có rào cao và không cho lợi nhuận nhiều bằng nuôi bò. Hơn nữa Đồng Nai là rừng rậm không phải là đồng cỏ. Chắc chắn Đồng Nay không phải là tiếng Nôm vì từ Nông Nại là tên đã được nhắc đến ở thế kỷ thứ 7 trong Tân Đường Thư, trước khi người Việt vào miền Nam nên không thể là tiếng Việt mà phải là tiếng Cao Miên. Người Tàu không có âm Đ và R nên họ không nói đúng phát âm Khmer nên phải nói Nông Nại. Chỉ có một từ Cambodia đồng âm là Tonlé có nghĩa là sông như Biển Hồ Tonlé Sab (Sông sạch)
Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài đến đây.
Đầm Dơi: "Tương truyền ngày xưa là một cái đầm có nhiều dơi sinh sống"
Dơi ở trên cây ăn trái chớ đâu phải ếch nhái mà ở đầm. Cũng có thể là đầm có nhiều muỗi nên dơi bay đến ăn muỗi nhưng như thế thì phải gọi là đầm muỗi. Cả hai địa danh Đồng Nai và Đầm Dơi đều do Domrei*, có nghĩa là con voi và voi là do rei mà ra. Nghe người Miên nói Domrei nên người Trung đến định cư gọi là Đâm rơi, người Bắc gọi Đầm zơi, người Tiều Châu gọi là Lầm dơi. Dơi có ý nghĩa hơn nên từ Đầm dơi được thông dụng, đồng thời tiếng nói miền Nam và người miền Nam từ từ thành hình bởi các thành phần kể trên. Chỉ tội nghiệp mấy chú dơi bị mấy học giả bắt sống cực khổ ở đầm, tối ngủ chân móc trên lau sậy, đầu nhúng xuống nước, không chết cũng bị thương. Voi là vị thần Ấn giáo tên là Ganesh, đầu voi mình người, thần rất được trọng vọng, tượng trưng cho sự thịnh vượng và hy vọng.
Đồng Nai cũng là Domrei. Người Việt lúc đầu nói Đồng Rai nhưng không có nghĩa gì cả nên họ từ từ chuyển thành Đồng Nai cho thích hợp với bối cảnh hơn. Hiện nay Kampuchia có rất nhiều nơi mang tên voi như Chuôr Pnum Dumrei, làng Kampong Dumrei.
Núi Bà Đen: Neang Khmau*, thần đen Kali của Hindu
Núi Bà Đen về sau còn có tên là Thiên sơn tiên thạch tự, trong có thờ một cục đá màu đen khêu gợi rất nhiều truyền thuyết do người Việt hoặc người Khmer sáng tác. Sau đây là vài truyền thuyết được ghi trong các tác phẩm:
* Một cô gái da ngâm đen, có nết na nhảy xuống núi tự tử vì bị một tên cường hào ác bá bắt về làm vợ.
* Có người đào được một cục đá màu đen có hình cô gái nên lập đền thờ và trở nên linh thiên.
* Con viên quan trấn thủ người Miên là nàng Dênh, mộ Phật bỏ nhà đi tu bị cọp vồ chỉ còn một khúc chân.
Thực sự tên núi là Neang Khmau*, Neang là nàng, Khmau là đen và là tên Miên của nữ thần Kali, da đen như cột nhà cháy, có thể nói đen hơn cả màu đen, đen hơn cả thổ dân Úc mà có dạo báo Anh phải kêu lên rằng Úc Đen blacker than black. Nữ thần Kali chuyên hủy diệt, vợ của thần Shiva, có đền thờ ở Angkor. Lúc đầu ta cũng gọi là Nàng Đen nhưng để tỏ sự tôn kính nên đổi lại là Bà Đen. Hòn đá đen được thờ trong chùa Bà Đen là biểu tượng của hắc thần Kali.
Cà Mau: Ta Khmau
Tỉnh cực nam của đất nước với rừng ngập mặn lớn có hạng trên thế giới
Cà Mau hãy đến mà coi
Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lềnh tợ bánh canh
Có giả thuyết cho là do tiếng Tàu Hắc Thuỷ vì nước ở đây đen ngòm như nước kinh Tàu Hủ do xác lá tràm, đước mục nát tạo thành. Thực sự do Ta Khmau*. Nữ thần đen trấn giữ khu nước đen ngòm thì còn gì bằng, mấy ông thần nước mặn thấy là phải chạy dài.
Tuấn và Tú chèo xuồng vào Cà Mau câu cá.
"Chà, Tú ạ, muỗi ở đây ghê thiệt."
"Tôi thì không thấy gì cả."
"Tao không biết mày ra sao, chớ hể con muỗi chích tao xong, nó truyền ống hút cho các con khác."
Núi Bà Đen, Gò Đen, Gò Mun: Ta Khmau
Gò Công: Koh Kong* hay Goh Gong (người Miên ít phân biệt K và G)
"Có thuyết cho ngày xưa là một cái gò có nhiều công ở" (VHS, Saigon năm xưa).
Gò Công không phải là tiếng Việt mà là Koh Kong, cùng tên với đảo Koh Kong ở Campuchia, tên Việt là Cổ Công.
Có bún nào ngon hơn bún Chợ Gạo
Có đứa nào xạo bằng thằng út Gò Công
Ba Sạo: Mầy có nghe một người thông minh nhất ở Gò Công trở nên điếc không?
Anh Khờ: Không, kể tao nghe coi.
Ba Sạo: Mầy nói gì vậy?
Gò Quao: Goh Krau. Tiếng Việt không có từ quao nên phải là tên Khmer.
Gò Dầu Hạ: Gò Pou
Củ Chi: Pu Chri, Pouthi (địa danh Khmer) hay Puri (một trong bốn thánh địa cuả Ấn Giáo) chớ không phải là Gái Củ Chi chỉ … hỏi củ chi.
Củ Chi hiện thời có quá nhiều ruồi đến độ ăn cơm phải ăn trong mùng, nhiều hơn cả bãi biển Gò Công, nơi chuyên môn làm mắm ngon có hạng, vì thiên hạ cứ ủ phân chuồn làm phân bón không theo phương pháp khoa học và vệ sinh gì cả.
Một người khách phàn nàn với chủ một tiệm ăn ở Củ Chi là sao bàn ăn ngoài sân có quá nhiều ruồi.
"Mấy giờ ông đến đó vậy?"
"Khoảng đúng ngọ"
Ông chủ gật gù tỏ ý hiểu biết. "Ông phải ra ngoài vào lúc một giờ trưa. Tất cả ruồi đều tập trung ở phòng ăn"
Ba Tri: Patri*
Truyền thuyết được truyền bá ở Bến Tre là ngày xưa có một tên cường hào ác bá ỷ thế xây nhà chận đường đi lại của dân chúng nên một ông già thứ Ba tên Tri kiện lên
quận, sau lên tỉnh nhưng bị phe đảng xử bị thua. Ông ta khăn gói lên kinh đô tâu lên vua và được thắng kiện. Để ghi nhớ ơn ông, dân chúng đặt tên là quận Ba Tri.
Thực sự từ tên ông thần Patri* Ấn Độ giáo, có đền thờ Patri ở Angkor watt. Địa danh ở Bến Tre tuy mang tên Việt nhưng còn mang nhiều dấu vết Khmer, phải tinh tế lắm chúng ta mới thấy được. Đừng nên lấy làm lạ vì Bến Tre ở sát nách Trà Vinh, nơi còn khoảng nửa triệu dân Khmer sinh sống. Thời Pháp thuộc dân Khmer còn sinh sống nhiều ở Bến Tre, có lúc nổi lên cáp duồn Khon Duôn, nay không còn một mống.
Khờ: "Hôm qua chút nữa là tôi đánh lộn vì anh rồi, Tuấn ạ"
"Sao vậy?", Tuấn hỏi.
"À, có một thằng dân Củ Chi rêu rao khắp cả xóm là thằng Tuấn không đáng mặt là một con chó ghẻ. Tôi tức quá. Vì anh, tôi nói với nó là anh đáng mặt lắm chớ, dân Batri mà"
Bến Tre
Trước hết hãy xem các tác giả giải thích từ nguyên của Bến Tre ra sao. Lúc viết bài này này năm 2004 thì không có ai tìm từ nguyên địa danh miền Nam. Hiện nay có hàng mấy chục mạng nhưng tất cả đều sai vì giải thích địa danh tiếng Khmer chỉ sự việc thông thường như Bến Tre là bến có nhiều tre, Giồng trôm là giồng trồng cây trôm, Châu Đốc là châu của ông Đốc học v.v. nhưng quên rằng địa danh ở Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp tức miền Nam VN thường là tên thần Hindu giáo, có rất nhiều ở Angkor Wat và Angkor Thom.
Xin dẫn chứng:
……bắt đầu
Bến Tre / Kâmpóng Rœ̆ssei / កំពង់ឫស្សី : bến (cảng) tre
* កំពង់ ( n ) [kɑmpʊəŋ]: bến sông, cảng
* ឫស្សី ( n ) [rɨhsəy] : cây tre (TK1)
Một tác giả khác
Nguyễn Văn Âu nhận xét về địa danh ở Bến Tre như sau: “Tuy là vùng đất mới, song địa danh ở đây không phải là đơn giản” [2000, tr.142]. Điều này được thấy rõ hơn qua việc có nhiều ý kiến rất khác nhau khi giải thích về địa danh Bến Tre. (TK 3)
Trong “Địa chí Bến Tre” có ghi địa danh Bến Tre có cấu tạo: địa thế tự nhiên + tên loại thảo mộc. Với hai cách hiểu:
* Nơi có nhiều tre mọc như Sóc Tre, Bến Giá;
* Nơi buôn bán tre nứa từ phía thượng nguồn xuôi về như Bến Tranh, Bến Súc. Và khẳng định Bến Tre là từ thuần Việt. Và ở thời Ngô Đình Diệm Bến Tre đổi thành Trúc Giang (sông tre). Thực ra từ thời Minh Mạng Bến Tre đã được Hán hóa là Trúc Giang.
Tương tự, Nguyễn Phương Thảo cũng cho rằng danh từ riêng Bến Tre cần phải đặt trong hệ thống các địa danh theo mẫu: bến+x ở Bến Tre như bến Rớ, bến Miễu, bến Chùa, bến Giá, bến Cát…xóm Bến Trại, rạch Bến Xe và cho rằng chúng được đặt theo một kiểu tư duy chung” [1985,tr. 64].
Theo Đinh Xuân Vịnh trong Sổ tay địa danh Việt Nam (1996) thì từ Bến Tre xuất phát từ gốc Khơme Srok Tre với nghĩa là Sóc Tre hay Bến Tre.
Mở đầu quyển khảo cứu “Monographie de la province de Bến Tre” của Imp.L.Ménard năm 1903 có ghi
“Bến Tre était autrefois occupé par les Cambdgiens qui l’appelèrent Sốc Tre (pays des bambous), à cause de nombreux giồng couverts de bambous dont le pays était parsemé. Plus tard, les Annamites fondèrent un marché qu’ils appelèrent BếnTre (débarcadère en bambous). Le rạch qui passe devant le marché et va se perdre dans le Hàm Luông, porte le même nom”.
Tạm dịch: Bến Tre ngày xưa người Khơme chiếm trước và gọi là Sốc Tre …vì trong xứ trên các giồng có tre mọc đầy. Sau đó người An Nam lập chợ buôn bán và gọi chợ Bến Tre, tức bờ sông hay bến bằng tre. Con rạch chảy ngang chợ này trổ nước xuống cửa Hàm Luông cũng mang tên rạch Bến Tre y như vậy.
Trái ngược với các ý kiến trên, tác giả Vương Hồng Sển cho rằng Bến Tre là do hiểu sai từ tiếng Khơme Srok kompong Trey hay Srok kompong Treay mà trey hay treay có nghĩa là cá (Ví dụ như là trey kinh thor: cá sặt lớn hay cá dù tho). Theo tác giả như vậy thì Sork kompong trey hay Sork kompong treay sẽ có nghĩa là Bến Cá và khi Hán hóa thì sẽ là Ngư Tân chứ không phải là Trúc Giang [1993, tr.151]. Để minh chứng cho điều này, tác giả còn nói thêm ở Bến Tre còn nhiều địa danh liên quan đến cá như: cầu Cá Lóc, cầu Cá Trê, Cái Bông (loại cá lóc lớn con hơn và mình có hoa)…Và theo điển tích, Bến Tre vốn là xứ sinh sản và sản xuất cá, tôm cho nên từ xưa Khơme gọi là Srok Treay (sốc tre), nhưng sau này người Khơme gọi theo người Việt là bến có nhiều tre. Và để phân biệt với Cần Thơ cũng có nhiều tre mà người Khơme gọi là rusei: prêk Rusei (sông tre) để gọi Cần Thơ và prêk Kompong Rusei (sông vũng tre để gọi Bến Tre) [tr.151].
Cùng ý kiến với Vương Hồng Sển, tác giả Lã Xuân Thọ trong Đồng Nai văn tập, số 13, cũng đã cho rằng không thể có sự nhầm lẫn như vậy được. Như vậy theo quan niệm này thì Sork Kompong Trey sẽ là Xứ Cá, Bến Cá [Nguyễn Văn Âu, 2000, tr.142].
Còn nhận định của Nguyễn Duy Oanh về địa danh Bến Tre thì nội dung hầu như bao gồm tất cả các ý kiến được nêu ở trên. Có hai thuyết mà tác giả đưa ra:
Thứ nhất: Bến Tre trước kia là sốc của người Miên có tên là Sốc Tre (Srok Trey hay Sork Treay). Trey có nghĩa là cá như: Trey Prek -cá sông; Trey Sramot- cá biển; Trey Damrey- cá voi…Có lẽ xứ này trước kia có nhiều cá nên hiện giờ còn nhiều con rạch mang tên rạch Cá Lóc, rạch Cá Trê, rạch Ba Tri Cá…Điều đó còn minh chứng qua nhiều câu ca dao sau đây:
Sông Bến Tre nhiều hang cá ngát Đường Ba Vát gió mát tận xương Anh có thương em thì nối sợi chỉ hường Chớ bán rao cho lắm, hãy chừa đường xuống lên.
Hoặc Ba phen quạ nói với diều Ngã ba Bến Rớ có nhiều cá tôm
Hoặc Chợ Ba Tri thiếu gì cá biển Anh thương nàng anh nguyện về đây
Thứ hai: có thuyết cho rằng Sốc Tre là vùng có nhiều tre. Vùng này có nhiều giồng mà trên đó tre mọc um tùm. Tác giả cho rằng theo thuyết trên chính vì Sốc Tre có nhiều tre nên ghe thuyền ghé bến này chở tre, mà ra danh từ Bến Tre. Tác giả còn nói thêm rằng Bến Tre là do những chữ “bến thuế của sốc tre “thu ngắn lại [1971, tr.16-17].
Bùi Đức Tịnh thì cũng không chấp nhận ý kiến là ngày xưa ở bến sông có tre mọc nhiều hoặc có sự buôn bán tre phát triển ở vùng đất Bến Tre vì ngày nay không để lại dấu vết gì để chứng tỏ. Theo tác giả thì về phương diện ngôn ngữ “tre” là một hình thức Việt hóa của từ Khơme “trây” có nghĩa là cá, và tác giả còn nói thêm là thực tế chợ Bến Tre từ trước đến nay bán khá nhiều cá, vừa cá biển vừa cá đồng và gần chợ có cây cầu mang tên cầu Cá Lóc [tr.60].
Theo cách giải thích của những người dân sống nơi đây thì Bến Tre là bến có nhiều tre mọc. Như vậy có hai luồng ý kiến khác nhau trong việc nhận định về nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Bến Tre, một bên cho rằng địa danh này được cấu thành theo địa thế tự nhiên+ tên loài cây có nhiều ở đó. Kiểu này thì địa danh Bến Tre là từ thuần Việt.
Ý kiến thứ hai thì lại ngược lại, địa danh Bến Tre có nguồn gốc Khơme: Sork Kompong Trey/Treay (nghĩa là: xứ bến cá). Mỗi cách lí giải của các tác giả đều đưa ra những bằng chứng để thuyết phục, nhưng chung qui cũng còn rất mơ hồ, biết rằng trước khi lưu dân từ miền Trung vào đất Bến Tre lập nghiệp thì đã có người Khơme sinh sống trước ở đó: “Trước khi Nam Kỳ trở thành một bộ phận của Việt Nam, người Việt đã lập ở đó những tổ chức. Những nhóm người di cư đã xây dựng làng xóm, hay tới ở chung với người Cao Miên” [Địa chí Bến Tre, tr.284], nhưng chỉ dựa vào những địa danh còn lưu lại ở đây là xứ có nhiều cá, tôm để thuyết phục thì chưa đủ hợp lí vì hầu như ở các tỉnh miền tây Nam Bộ, xứ nào cũng nhiều tôm, cá, mặc dù tiếng Khơme Sork Kompong Trey có âm gần với tiếng Sốc Tre. Còn những ý kiến mà cho rằng ở vùng đất cù lao này xưa kia có nhiều tre mọc nên gọi là Bến Tre thì đã được Châu Đạt Quan (một xứ thần của nhà Nguyên bên Trung Quốc) trong chuyến đi sứ sang kinh đô Angkor của nước Chân Lạp vào năm 1296 bằng đường thủy qua ngõ sông Cửu Long, đã miêu tả vùng đất Nam Bộ trong đó có Bến Tre như sau: “Những cửa rộng của dòng sông lớn chảy dài hàng trăm dặm, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chổ trú sum sê. Khắp nơi vang tiếng chim hót và tiếng thú kêu. Vào nửa trong cửa sông, người ta mới thấy những cánh đồng hoang không có một gốc cây nào. Xa nửa tầm mắt chỉ thấy toàn cỏ cây đầy rẫy. Hàng trăm, hàng nghìn trâu rừng tụ họp từng bầy. Tiếp đó, nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm” [Địa chí Bến Tre, tr.24 -25].
Như vậy có thể nói địa danh Bến Tre được cấu thành theo cách gọi tên của loài cây mọc có nhiều ở đó. Và kiểu cấu tạo này xuất hiện nhiều trong địa danh ở đây như Bến Tranh, Bến Chanh, Bến Xoài.... Ngày nay, do nhiều nguyên nhân khách quan hay chủ quan mà vùng đất này không còn những con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm nữa mà thay vào đó là những hàng dừa bạt ngàn xanh mát, sum sê trĩu quả.
Tuy nhiên việc xác định đúng, chính xác, thuyết phục địa danh Bến Tre thì không dễ dàng gì, vì cho đến nay các nhà nghiên cứu cũng còn đang bỏ ngỏ chưa đi đến kết luận cuối cùng. Cho nên tác giả Nguyễn Văn Âu trong quá trình tìm hiểu địa danh này, ở cuối bài đã nói: “Cho tới nay địa danh Bến Tre vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu để vấn đề được sáng tỏ hơn vì đây là một vùng đất nông nghiệp trù phú với một truyền thống đấu tranh kiên cường trong lịch sử dân tộc…” [2000, tr.142). Còn Bùi Đức Tịnh thì: “Về địa danh Bến Tre, không nên chỉ hiểu theo lối đơn giản mà bỏ mất khả năng tìm một từ nguyên có thể thích hợp với điều kiện lịch sử và thực tế hơn”. (TK2)
………….hết
Phần trên là ý kiến của tác giả khác, bây giờ chúng ta hãy trở lại tìm từ nguyên của Bến Tre
Lời bàn:
Công việc tìm từ nguyên địa danh phải cẩn thận và có phương pháp:
-so sánh phát âm với tên ở Campuchia bằng VietNam Campuchia World Travel Map
-so sánh với tên ở Angkor Wat và Angkot Thom
-Nếu cả hai phần trên đều không áp dụng được thì phải tìm địa danh có phát âm tương tự ở Bắc Trung Nam VN (xem ở dưới)
- Cây tre tiếng Khmer là ryssaei ឫស្សី . Ở Cambodia có pumi (làng) Rossei là tên thần chớ không phải là làng tre
Bến Tre: Bến Srei*
Vì cho là ngày xưa là bến đò có nhiều tre nên TT N Đ Diệm đổi thành Trúc Giang.
Thực sự không phải bến có nhiều tre mà có tên Khmer là Preah Srei. Đền Bantay Srei ở Ankor Watt do vua Rejendravarman xây năm 967 thờ Shiva. Rải rác khắp Kampuchia và cả VN từ nam chí Bắc có nhiều địa danh mang tên Srei như hòn Rái và hòn Tre gần Rạch Giá, Gành Rái ở Vũng Tàu, hòn Tre ở Nha Trang, cù lao Ré ở Quảng Ngải, hòn Né ở Thanh Hoá, và Hòn Gai ở miền Bắc.
Hòn Gai là phường trung tâm gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Hòn Gai là giáo xứ thuộc thành phố Hạ Long, một khu vực có những nét đẹp của du lịch.
MIỀN NAM MIỀN BẮC CAO MIÊN MIỀN TRUNG
Ba Tri Ba Vì Patri
Bà Rịa BàTrịa Bât Prea
Bà Đen, Cà Mau Sà Mâu Ta Khmau
Gò Đen Gò Mun Sông Mun (Bassac
Bến Tre, Hòn tre Chàng Rế, Hòn Gai Đền Banteay Srei Hòn Né, Hòn Tre
Bình Đại, Cửa Đại Cái Đại ở Cái Bàn Banteay Kdei Cửa Đại (Hội An)
(TK3)
H1 Banteay Srei ở Angkor (TK4)
Vậy Bến Tre là Bến Srei chớ không phải là bến cây tre (prêk Rusei) hay là bến có cá
(Prek Treay hay Trey)
Nước mắm là nguồn cung cấp protein cho hàng triệu người, và cũng là tâm điểm cho nền ẩm thực đa dạng của khu vực này, cũng như dầu olive với miền nam Italy vậy. Nó có rất nhiều tên gọi - nam pla ở Thái Lan, tuk trey ở Campuchia và patis ở Philippines. Tại nhiều nước khác, như Myanmar hay Campuchia, người ta cũng ăn các loại cá lên men nữa”
Giồng Trôm: Giồng Trom*, Trom là tên vị thần Ấn giáo không phải là đất giồng trồng cây trôm. Ở Campuchia co pumi Trom. Giồng là nơi đất cao khô ráo
Anh về Giồng dứa qua truông,
Gió lay bông sậy để buồn cho em.
Ba Giồng ở Bến Tre. Bayon* tên một đền khá quan trọng ở Angkor Thom, đền có tượng bốn mặt của Avalokiteshvara với nụ cười lạnh lùng như tranh Monalisa nổi tiếng. Thuốc lá Ba Giồng ngon có hạng, nhưng có nhiều người có cái tật
Thuốc xin thì hút thuốc mua thì đừng
Chà thuốc rê Ba Giồng phải không? Cho tôi xin một điếu
Nghe nói anh đã cai thuốc rồi mà
Tôi chỉ mới đạt được giai đoạn đầu. Đã cai: mua thuốc"
Mỏ Cày: Moat Svay* không phải là mũi của lưỡi cày. Đây cũng là tên của Mô Xoài ở Đồng Nai, nơi người Việt đầu tiên được vua Cao Miên cho đến khẩn hoang vào năm 1622. Moat là hào nước, Svay chắc là tên thần.
Mỹ Lòng: Mebon, ông thần Ấn Độ có đền ở Ankor Watt, do vua Rejendravarman xây năm 952 (Hindu). Angkor Watt tượng trưng vũ trụ thu nhỏ, tháp ở trung tâm trượng trưng núi Meru, chung quanh có các moat (hào) biểu hiện biển cả. Mebon nghe như là Melbourn ở Úc. (TK4)
Đồng Xoài: Don Svay* hay Don So* có đền ở Angkor Watt, không phải cánh đồng trồng xoài vì xoài vốn phát xuất từ Nam Mỹ, chỉ được trồng ở Đông Dương từ sau thời Tây qua. Hơn nữa:
Xoài tiếng Cambodia là phlesveay phát âm là phết sơ vài
Cổ Cò: Koh Kor* hay Koh Ker, tên một ngôi đền ở Angkor chớ không phải là cái voi đất có hình cổ con cò
"Đến đây không hát thì hò,
Không phải con cò ngóng cổ mà nghe"
"Thiên hạ đồn là anh bị cưới vợ ở Cổ Cò phải không?"
"Không, tôi bị đụng xe"
H2 Koh ker
Koh Ker từng là một thủ đô cổ xưa của Campuchia, nằm ở làng Srayong Cheung, xã Srayong, huyện Kulen, cách thị trấn tỉnh khoảng 49 km về phía tây. Khu phức hợp Koh Ker nằm trên vùng cao nguyên Chhok Koki. Nó được xây dựng bởi vua Jayavaraman IV (AD 928-942).
Công viên Quốc gia Cát Tiên
en.wikipedia.org/wiki/Cát_Tiên_National_Park
Khu vực xung quanh ban đầu bị người Ma chiếm đóng - đặc biệt là khu vực hiện nay là Cát Lộc (đầu những năm 1960 Nam Cát Tiên được mô tả là "không có người ở - không có người ở") và người Stiêng ở phía tây tỉnh Đồng Nai. Sau khi thành lập Công viên, nhiều người trong số họ đã được tái định cư tại làng Talai, phía tây nam Nam Cát Tiên.
Địa điểm khảo cổ nằm ngay bên ngoài ranh giới công viên trên bờ phía bắc của sông Đồng Nai (giữa Cát Lộc và Nam Cát Tiên, đối diện với điểm cuối). Các cuộc khai quật tiến hành từ năm 1994 đến năm 2003 đã tiết lộ một nhóm các ngôi đền thuộc một nền văn minh Hindu chưa từng có trước đây, có lẽ là nơi sinh sống của khu vực giữa thế kỷ thứ 4 và thứ 9 sau Công Nguyên (có thể sau này). Hiện nay có một số đồ tạo tác bằng vàng, đồng, gốm, đá màu và thủy tinh. (TK5)
Nam Vang
Nam Vang đi dễ khó về
Trai đi có vợ, gái về có con.
Dân nghèo phải rời bỏ quê nhà lên Nam Vang lập, rồi lâu ngày phải lấy người khác như tình trạng hiện nay ở vài vùng nghèo khổ ở miền Nam. Nam Vang là tên gọi Pnom Penh.Truyền thuyết nói rằng có một bà già tên Penh tìm được tượng Phật tấp lên bờ sông Mékong. Bà đem thờ trên một ngọn đồi. Dần dần thành phổ mở mang chung quanh ngọn đồi và được gọi là Pnom Penh. Nhưng truyền thuyết không giải thích được tại sao kinh đô Angkor bị bỏ phế và dời về Pnom Penh.
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Dốc nào cao bằng dốc Nam Vang,
Một tiếng anh than đôi hàng luỵ nhỏ,
Có chút mẹ già biết bỏ cho ai.
2. Tên do người Việt đặt
Rất dễ nhận vì có nghĩa rõ rệt. Đa số là tên làng xã mới tạo lập về sau như núi Châu Thới, Vũng Tàu, 18 thôn vườn trầu.
Tên đã có lâu đời hầu như có gốc Khmer ngoại trừ Gia Định, Biên Hoa, nơi có nhà thương điên Biên Hoà khá nổi tiếng vì ai cũng biết, nhất là những người tốc tốc mát dây:
Một thân chủ ở Biên Hoà than thở với tâm lý gia " Tôi không hiểu tại sao Bác sĩ đã gởi tôi tới đây, bởi vì tôi có hạnh phút gia đình, tôi thích công việc làm, bạn bè người nào cũng thành thật, lối nói chuyện của tôi ai cũng cười, tôi không lo lắng, tôi ..."
"Hmmm..., anh bị như thế bao lâu rồi?", tâm lý gia ngắt ngang.
Đồng Tháp Mười: Vùng có tháp mười tầng của đế quốc Khmer. Một tượng thần Vishnu mới vừa đào được ở đây.
Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh
Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm
Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn no đã thèm
3. Mang tên Hán nhưng là tiếng Miên
Nhiều vùng thuộc Mạc Cửu ngày xưa tuy mang tên vùng đất bên Tàu nhưng lại có gốc Cao Miên. Lý do là tên Cao Miên phát âm trùng với các địa danh bên Tàu mấy người Triều Châu nói trại đi thành tiếng Hán. Nhiều địa danh Kampuchia hiện nay rất giống tiếng Tàu như Anlong Vênh, xã Bat Đai, Lâm Phat, sông Đon tri hoặc giống tiếng Nôm như Yeay Sên, Kongpong Cham, Ba Tăng.
Hà Tiên: Theo Trịnh Hoài Đức, tục truyền thời Mạc Cửu, thường có tiên xuất hiện trên sông Tô châu nên đặt là Hà Tiên, tức tiên ở sông.
Hà Tiên tiếng HV là Phương Thành (Fang Chéng tiếng Quan Thoại), còn có tên Khmer là Mang Khảm (Máng Kìan, QT). Chéng và kiàn phát âm gần giống Chen, tên một vị thần Ấn giáo vì gần biên giới Hà Tiên bên đất Miên có làng Phumi Chen.
Như vậy Hà Tiên là có nguồn gốc từ Ta Chen* và Mang Khảmcó gốc từ Moung Chen tiếng Khmer, chứ không phải là Hà tiên cô, một trong bát tiên của chuyện Tàu Đông Du Bát Tiên. Nguồn gốc tên Tô Châu sau đây làm vững chắc thêm giả thuyết này.
Tô Châu: Ngó qua bên bến Tô Châu
Thấy em gánh nước trên đầu giắt trâm
Một tỉnh bên Tàu có tên Tô Châu, con gái Tô Châu nổi tiếng đẹp nhất nước Tàu, tỉnh còn có tên là Giang Tô hay Jiansu, quê hương của Đông Việt nên không ai thắc mắc. Thực sự, Tô Châu ở Long Xuyên là do Tuk Chhou hay To Chu* vì phía bắc Kampot có sông Tuk Chhou, có thác To Chu và ngoài khơi có đảo To Chu tức Thổ Châu. Vì tên Cao Miên na ná tên tỉnh bên Tàu nên người Triều Châu thời Mạc Cửu biến thành Tô Châu nghe cũng rất thơ mộng. (TK6)
Cổ Chiên: Goh Chen chớ không phải cổ gà chiên bơ ăn không khoái khẩu bằng cánh gà hay ếch chiên bơ.
Cô Tô: Xã Cô Tô ở Long Xuyên có tên Miên là Ko Pos, phát xuất từ tên vị thần Potoli. Vương quốc Chenla nối tiếp Phù Nam đóng đô ở núi PoPo.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nữa đêm nghe tiếng ô tô bóp còi
Đây là tả cảnh Cô Tô ở Long Xuyên chớ không phải Cô Tô đài của Trụ Vương xây cho Cửu vĩ hồ ly tinh Đắc Kỷ bên Tàu hay đảo Cô Tô ở miền Bắc.
Tân An: Ta Ang tên thần Bà La Môn chớ không phải mới an cư lạc nghiệp.
Bảng treo tại chợ Cai Tài,
Bên văn bên võ, có tài ra thi.
Chợ Cai Tài ở tĩnh Tân An (Long An)
Vĩnh Long: Veang Long*. Đây là bằng chứng cho thấy nhiều địa danh miền Nam, mặc dầu mang tên Hán và ở khu vực của người Triều Châu Mạc Cửu nhưng có nguồn gốc là tiếng Khmer, được người Tàu đọc trại đi thành tiếng Tàu để cho dễ gọi và dễ viết. Vĩnh Long xưa được gọi là Vãng Long, do tiếng Miên Veang Long*. Nhưng vì Vãng Long tiếng Hán có nghĩa là rồng chết nên nhà cầm quyền sửa lại thành Vĩnh Long vì sợ có huôn (khi một người bị chết chìm thì dòng họ có huôn nghĩa là người trong nhà dễ bị chết chìm do ma da bắt, hoặc có người thắt cổ tự tử thì người trong gia đình dễ bị thằng vòng bắt.
Long Hồ: Tên Khmer là Long Hor*, tên thần Khmer chớ không phải là hồ của rồng.
Long Xuyên: tên Khmer Long Nguyet chớ không phải lấy tên Long Xuyên bên Tàu có nghĩa là sông rồng.
Tuyên Bình: Nguyên thuỷ là Thong Benh* tiếng Khmer sau đó thành Tuyên Bình.
Kiên Giang: Prek Krieng
Kiên Giang là tên hai tỉnh Hà Tiên và Rạch Giá. Kiên Giang có nghĩa là sông Kiên cường. Còn ghi là Kiến Giang, Kiến là tên sông ở tỉnh Phúc Kiến bên Tàu. Kiên Giang không phải là tiếng Việt mà Kiên là do Kiel hay Krieng, tiếng Miên. Prek Krieng là tên chi nhánh của sông Mekong ở Khmer.
Bài này đã đăng ở VietCatholic Âu Châu năm 2004, nay có thêm nhiều phần mới, xin ghi lại để sau này không mai một (còn tiếp phần 2).
Tham khảo
1. Địa danh Nam Bộ
nguoianphu.com/topic/23/nguon-goc-mot-so-dia-danh-o-nam-bo-giai-thich-theo-tieng-khmer/8
2. Bến Tre doan.edu.vn/do-an/luan-van-nghien-cuu-dia-danh-o-tinh-ben-tre-13890/
3. Tôn giáo VN thời khuyết sử
4. Angkor Watt, Angkor Thom Xiêm Rệp
5. Công viên Quốc gia Cát Tiên
en.wikipedia.org/wiki/Cát_Tiên_National_Park
6. Bartholomew World Travel Map, Việt Nam Cambodia&Laos
No comments:
Post a Comment