Hình ảnh di tản lịch sử 1975
KÝ ỨC CỦA ÂN
Bich Quy
Ân chẳng thể quên được những ngày tháng tư năm ấy. Cái năm đã làm thay đổi cả đất nước, làm ai cũng phải khóc. Có người khóc vì vui mừng quá đỗi đồng thời lại rất nhiều người khóc vì trải qua bao nỗi niềm.
Dạo ấy, chú của Ân làm trong sân bay Tân Sơn Nhất , một hôm chú ghé qua nhà , bảo với bố Ân
- Tình hình này có lẽ em phải đi thôi, nhà anh có muốn đi cùng thì phải sửa soạn trước đi nhé ....
Những ngày sau đó, Ân thấy mắt bố trũng sâu, chắc là mất ngủ . Ông cứ hút thuốc lá, ngồi lặng lẽ, đăm chiêu, suy nghĩ ... Hình như bố cũng nói cho mẹ biết nhưng xưa nay mọi chuyện lớn trong nhà đều do bố quyết định nên Ân chỉ thấy mẹ vẫn đi làm và chăm chỉ với mọi việc trong nhà như chẳng cần biết sự gì sắp xảy ra,
Rồi một hôm chú lái cái xe lớn đến nhà và bảo cả nhà bỏ hết đi cùng chú vào phi trường để di tản. Tình hình gấp lắm rồi.
Lúc ấy cả nhà xúm lại . Mấy chị em ngơ ngác nắm tay nhau. Mẹ thì bảo :
- Đi đâu hở chú? Chừng nào thì về?
- Không về nữa đâu chị , đi luôn đấy . Em đã nói trước để anh chị sửa soạn rồi mà sao chẳng thấy lo gì cả?
Mẹ nhìn bố :
- Bây giờ tính sao đây anh?
Bố Ân lắc đầu :
- Đấy chú xem, một bầy con gái lau nhau thế này, đi rồi biết làm gì mà ăn?
- Em cũng không biết. Chỉ biết là phải rời đây ngay.
- Thôi chú ạ. Chú cứ đi trước đi. Để anh coi sao đã.
- Không được anh ơi, Chỉ có hai anh em ở đây, em không muốn để anh lại , nguy hiểm lắm. Không còn thời gian nữa đâu .
- Còn nhiều người khác mà chú, không sao đâu, chú cứ đưa gia đình đi trước đi
- Hôm kia em đã để vợ con em đi trước rồi , em ở lại đón gia đình anh . Đi đi anh . Đến đâu hay đến đó . Dù sao mình cũng có điều kiện đi bằng máy bay .
Ân chưa bao giờ đi máy bay , nó cũng háo hức muốn được đi cho biết chứ cũng không biết là đi đến đâu , nhưng rồi ...lần đầu tiên Ân thấy bố rơm rớm nước mắt , rồi cả chú cũng sụt sùi :
- Hay là anh cho đứa nào đi với em cũng được
Bố quay ra hỏi :
- Có đứa nào muốn đi với chú không?
Đứa nọ nhìn đứa kia hỏi nhau :
- Chị có muốn đi không?
- Em có đi với chú không?
Dù cũng muốn nhưng nhìn bố mẹ rồi lại nhìn các chị, Ân cứ đứng im .
Lúc sau, chị của Ân bèn nói với bố :
- Bố mẹ không đi thì chúng con cũng không dám đi đâu
Ân nghĩ giá như nhà có một đấng con trai thì thế nào bố cũng cho đi, biết đâu lại kèm theo một đứa nữa cho có chị có em. Cũng có thể vì "quý tử" mà cả nhà cùng đi cũng nên. Tiếc thay nhà chỉ toàn con gái mà đứa nào cũng chưa đi đâu xa quá một ngày...Có lẽ bố mẹ không tin tưởng lắm vào đám con gái chân yếu tay mềm này .
Cuối cùng biết không lay chuyển được bố, chú ôm lấy bố và chào cả nhà :
- Thôi anh ở lại , em phải đi đây . Các cháu ngoan nhé.
Chú đi rồi. cả nhà lặng đi một lúc . Ân biết bố rất buồn . Dạo ấy chỉ có chú là em ruột vào Saigon cùng với bố . Lúc ấy có đi thì cũng còn biết nơi đến . Chú đã ở cùng gia đình anh mình một thời gian dài trước khi ra riêng . Chú rất yêu quý anh mình nên không nỡ để gia đình anh lại. Bố rất hiểu tấm lòng của chú đã dành cho gia đình mình Kỳ này có lẽ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nữa . Bố vừa lo cho gia đình chú chẳng biết sẽ đi đâu vừa lo cho gia đình mình rồi đây không biết sẽ ra sao? Bố cứ ngồi thừ ra rất lâu .
Những ngày sau này đi đâu cũng thấy người ta bàn tán chuyện đi hay ở. Ân cũng chẳng quan tâm lắm vì cứ nghĩ có biến cố gì thì cũng như mấy lần trước thôi. Rồi đâu lại vào đấy. Bố mẹ vẫn cứ đi làm và Ân cứ đi học.
Cái nắng tháng tư như đổ lửa, cứ ra đường là Ân có cảm giác có gì đó không bình thường, đường phố dường như chật hẹp , đông đúc và nhốn nháo hơn. Ai cũng có vẻ gì đấy vội vã, căng thẳng , lo âu..... Ngày nào vào lớp cũng nghe tin đứa này đi rồi, đứa kia vừa mới đi , cả đến thầy cô cũng chẳng lên lớp khiến Ân cũng hoang mang và lo lắng.
Về nhà Ân nói với mẹ :
- Mẹ ơi, sao con thấy bạn con đi nhiều quá . Phải làm sao đây mẹ?
- Chú đi rồi, nhà mình chẳng có cơ hội gì nữa đâu con. Bố con không chịu đi thì mẹ cũng cḥiu thôi.
Ân nghĩ thầm "Bố mẹ đâu có điều kiện đi như người ta. Cơ hội đi với chú an toàn lại không tốn kém đã vuột qua mất rồi. Thôi đừng mong gì nữa...."
Càng ngày Ân thấy bố càng ít nói, ông cứ lặng lẽ đi làm sớm hơn và về muộn hơn .Ân nghe được bố nói với mẹ những tin tức về những người họ hàng lần lượt bỏ đi đâu không rõ . Những đồng nghiệp không còn thấy đến sở làm . Mọi người lộ rõ vẻ lo lắng nhưng vẫn chưa nghĩ nó nghiêm trọng.. Một tuần nữa lại trôi qua nhanh chóng .
Mấy chị em xúm vào thì thào với nhau :
- Em thấy ngoài đường nhốn nháo lắm chị ơi.
- Bà con ở các tỉnh kéo về đông lắm
- Nhà bạn em phải hứng đến hai gia đình vào ở, chật lắm chị ạ.
- Hôm qua em đến nhà con Chinh định rủ nó đi học mà người ta nói
nhà nó dọn đi rồi
- Thôi học hành gì nữa, ở nhà cho tôi nhờ. Đi léng phéng ngoài đường rủi có chuyện gì biết đâu mà kiếm.
- Xóm mình cũng có mấy nhà đóng cửa cả tuần nay rồi đó chị
Nhác thấy bố mẹ đi vào, mấy chị em bèn nín bặt. Các con chẳng dám cho bố mẹ biết chuyện ngoài đường . Bố mẹ cũng chẳng nói cho con biết chuyện gì sắp xảy ra. Tất cả đều không muốn cho người khác lo sợ nên cố tỏ ra bình thường. Ân thấy thương bố mẹ mình quá đỗi . Bố mẹ Ân lúc nào cũng chỉ muốn dang đôi cánh thật rộng để che chở cho các con. Rồi chuyện gì đến nó cũng cứ đến .
Những ngày cuối tháng tư thật là kinh khủng. Ra đường nhìn thấy súng đạn và quần áo của lính vất đầy ngoải đường, Ân bắt đầu thấy sợ . Ân còn thấy anh lính sau khi trút bỏ bộ quân phục ở đầu xóm còn đứng nghiêm giơ tay lên chào rồi mới bỏ đi. Người ta nhốn nháo chạy qua chạy lại, mặt ai cũng lo lắng, căng thẳng. Có cả những người hôi của ở những nhà vắng chủ. Họ khệ nệ bưng cả bàn ghế, ti vi, tủ lạnh , có người còn vác được cả bao gạo . Ân cứ thấy rất hỗn loạn, không bình thường như mọi khi..
Nắng chói chang, cái nóng tháng tư hầm hập từ trên dội xuống, nắng từ dưới đường hắt lên. Ân đang đứng ở cửa sổ hóng gió, bỗng nó thấy rõ một quả đạn to, đầu nhọn hoắt, có cái đuôi cháy đỏ bay qua nóc nhà và một tiếng ầm thật lớn vọng về.
Có tiếng súng nổ rất gần nhà . Ân vớ lấy cái ...gối che lên đầu rồi giục mẹ chạy xuống... gầm cầu thang núp. Mấy chị em cũng ùa xuống theo. Quay lại không thấy mẹ đâu , Ân lại chạy lên lầu thấy mẹ đang tỉnh bơ lau cái bàn. Ân kêu to:
- Mẹ ơi chạy xuống đi không lạc đạn bây giờ
- Làm gì mà cuống lên thế, từ từ rồi xuống.
Mẹ bao giờ cũng vậy, chẳng có sự gì làm bà vội vàng .
Cái chung cư nhà Ân ở đã cũ lắm rồi. Mọi người cứ dặn nhau hễ có chuyện gì thì cứ chạy xuống gầm cầu thang . Làm như ở đó là an toàn lắm vậy. Dù sao đặt chân xuống đất vẫn hơn lửng lơ trên lầu.
Sống ở Sàigon từ lúc sinh ra đến giờ, yên ấm trong nhà mình. Ân chỉ đọc báo và nghe nói chứ chưa bao giờ biết mặt mũi chiến tranh ra sao. Thỉnh thoảng thấy hỏa châu chiếu sáng trời đêm và lâu lâu nghe tiếng nổ vọng về như ở đâu xa lắm. Ân thấy như chẩng liên quan gì đến mình. Ân có cái vô tư của một cô bé ăn chưa no lo chưa tới . Lần này thì Ân thật sự sợ hãi . Cái sự bất an lớn quá sát sườn rồi, nhìn thấy rồi, nghe thấy rồi và ngửi thấy rồi, cùng lúc đó Ân lại cảm thấy hơi yên tâm vì chung quanh còn hàng xóm, còn bố mẹ và các chị em mình .
Hai tay giữ chặt cái gối trên đầu, trông Ân như một cái nấm. Bé nhỏ nên Ân chui sát vào gầm cầu thang mà ở đó thì chỉ có thể ngồi mà không đứng dậy được. Mấy chị thì lom khom chung quanh, ai cũng cố thu nhỏ người lại để có chỗ cho người khác. Một vài người còn đội cả nón lá hay nón vải . Chú Năm ở kế bên thì che cái cặp táp trên đầu . Cô Tâm thì một tay giữ cái túi, một tay giữ cái sắc che đầu . Cứ làm như có cái gì đó trên đầu là cảm thấy yên tâm hơn. Một lúc lâu sau, thấy yên ắng và cũng ngột ngạt quá mọi người tản ra bớt. Mấy mẹ con lại lục tục lên nhà và bắt đầu lo lắng:
- Bố đi đâu mà sao vẫn chưa về hở mẹ?
- Hình như bố đi lại đằng nhà bác Lân thì phải
Vừa chập tối thì bố mới về nhà, phờ phạc , mệt nhọc. Bố kể là mình đi lang thang với bác Lân đến tận bến tàu, thấy người ta chen chúc lên tàu mà sợ quá . Trên đường về lại phải len lỏi mãi trong ngõ vì đường lớn kẹt xe quá không về được. Bác ấy đã rủ bố đi nhưng lần nữa bố lại chối từ. Ân cũng biết để nuôi được bầy con năm đứa ăn học tử tế, bố mẹ Ân đã vất vả lắm rồi. Nếu có phải ra đi thì cũng không biết phải làm sao, bố mẹ Ân đâu có dư và cũng đâu còn trẻ nữa .
Thuở ấy điện thoại để bàn không phải nhà nào cũng có. Di động lại càng không khiến người ta cứ phải đi đến tận nơi , nhìn tận mắt thì mới tin được , vì thế người ta cứ ra đường , cứ đến tận nhà hoặc hỏi thăm người thân để biết tin tức của nhau. Bữa cơm trưa đã lạnh ngắt mà chẳng ai muốn ăn. Ân thì đang tuổi lớn, nó hết sợ lại cảm thấy đói cồn cào, đòi mẹ cho ăn cơm. Mẹ bảo Ân: "Cứ ăn trước đi" . Ân gọi thêm mấy chị nhưng ai cũng bận thì thào chuyện trò không để ý.
Chị Ty kêu lên :
- Thế là xong rồi , ông Dương đầu hàng, họ vào được rồi . Thôi đừng nói nhiều nữa ....
Mẹ bảo :
- Hết chiến tranh rồi biết đâu mẹ lại được gặp bà ngoại con ạ. Mẹ nhớ bà lắm . Dạo ấy bà cứ bảo mẹ đi có hai năm rồi lại về vậy mà thoắt một cái đã hơn hai mươi năm rồi....
- Mẹ ơi, con cũng muốn gặp bà ngoại, vậy mà lâu nay con cứ tưởng mình không có bà .
Chị Ty cười :
- Con bé này hay nhỉ, ai lại không có bà. Chỉ là bà ở xa quá không gặp được thôi.
Mời các bạn ghé thăm ĐSTV với hồi tưởng những ngày gần tháng tư đen của Bích Quy ,
ReplyDeleteTình thế đảo ngược , sự sụp đổ vội vàng của kẻ thua , sự thắng trận ngơ ngác của kẻ thắng .
Cả một làn sóng bàng hoàng của những người dân , không biết cái gì sẽ đến , kinh nghiệm 1954 lại càng thúcc bách cùng quẫn , hầu hết mọi người tìm đường ra đi , họ chỉ biết bỏ chạy ...tương lai về đâu ? không cần biết tới.
Trong tâm trạng rói bời , nát tan đó :
- vẫn tồn tại hình ảnh của người cha . biết thế nhưng không đành lòng , cũng như không đủ liều lĩnh
thêm một lần nữa , thả những đứa con nhỏ dại lại toàn là gái tới một bến bờ không biết ra sao?--
- vẫn bình thản để không làm rối trí thêm tình huống vốn đã tuyệt vọng của một người mẹ
- vẫn là những đứa con gái chưa trưởng thành , còn ấp ủ trong vòng tay gia đình , phải xa lìa bố mẹ là điều không thể tửởng tượng nổi
Đọc ký ức của Ân , càng thương cảm cho thế hệ Bố Mẹ chúng ta , di cư 54 vừa xong lại tháo chạy 75 , lần này chạy còn xa hơn , ra khỏi đất nước ....Ngẫm lại càng đau thấm thía cho một dân tộc ,một đời người .
Rất thông cảm với bố mẹ của Ân khi quyết định ở lại vì hơi lớn tuổi nên phải đắn đo suy nghĩ khi phải bỏ tất cả để đến 1 nơi mà tương lai không biết sẽ ra sao và trong gia đình còn một đám con phải nuôi cho ăn học.
ReplyDeleteĐọc bài của BQ càng thấy thương cho tình cảnh nhiều gia đình trước sự phân ly lúc bấy giờ, liên tưởng đến sự nhốn nháo, hỗn loạn và nhất là sự hoang mang vì tình hình bất ổn. 40 năm nhìn lại vẫn làm mình luôn ngậm ngùi vì lúc bấy giờ KĐ cũng không biết là bố mình còn sống hay đã chết vì ông đã biệt tích sau khi Ban Mê Thuột thất thủ.
KĐ