DẬY THÌ
Từ lúc mới lọt lòng, con bé không khóc, bà đỡ phải đét vào mông mấy cái, con bé mới chịu khóc. Ấy vậy mà khi người ta đặt con lên ngực mẹ, con bé lại im thin thít, mở to mắt nhìn mẹ. Bà Tư xúc động lắm, chẳng còn thấy đau đớn gì, cứ như bị mê hoặc bởi đôi mắt to và gương mặt nhỏ xíu, trắng hồng của con gái. Không bao giờ bà quên được phút giây đầu tiên ấy và sao phục ông trời nghĩ ra chuyện sinh con sao mà kỳ diệu thế.
Bà Tư nghỉ việc từ hồi có con.Từ nhỏ xíu đến giờ, con bé toàn một tay mẹ chăm sóc. Ông Tư thì chỉ một việc, chiều nào đi làm về,ông tắm sạch sẽ rồi là hí hửng ôm bế con gái, cho bú bình sữa mà bà Tư đã chuẩn bị sẵn, miệng ông thì rao « sữa nóng dòn đây ». Còn thì ông để cho bà Tư làm hết, chỉ khi nào con bé khóc, dù là gắt ngủ hay không chịu ăn, ông Tư đều lên tiếng bênh con, mắng bà Tư sao để con khóc, và làm cử chỉ «nghĩa hiệp » là dành ôm lấy con đong đưa ru qua ru lại, làm như thể tại bà Tư mà con bé khóc. Ấy vậy mà con bé cứ khóc, ôm một lúc dỗ mãi mà nó vẫn khóc, ông lại đẩy con sang cho bà Tư, con bé được mẹ ôm lại, nín thinh ngay như sợ mẹ giận không bế như lúc nãy.
Ở nhà, hai ông bà đều nói với con tiếng Việt, và năm nào Tết đến, bà cũng trang hoàng nhà cửa theo kiểu VN, có một cành mai hay đào trong phòng khách, có treo những phong lì xì đỏ chót. Bà Tư rị mọ gói từng cái bánh chưng xanh, làm đầy đủ thịt kho dưa muối, củ cải, phơi khô bằng lò sưởi rồi dầm nước mắm đường. Bà còn làm vài ba loại mứt để nhâm nhi và lấy trong tủ bộ chén bát ăn cơm riêng để ăn Tết .Con bé thích Tết lắm và cũng quen những xôn xao trước Tết khi thấy mẹ chuẩn bị thức ăn, chuẩn bị trang hoàng nhà cửa. Ngày Tết lên trên Nội họp mặt đại gia đình, con mặc áo dài biết khoanh tay chúc Tết bà Nội và các cô chú khi được mừng tuổi bằng một phong lì xì đỏ chót và đầu năm, biết đòi mẹ cho đi xem múa lân ở phố Tàu.
Bà hãnh diện về cô con gái bé bỏng, biết nói sõi tiếng Việt, dù là được sinh ra và lớn lên ở Tây. Bà Tư hay kể chuyện khi về VN, có ai hỏi con thích ăn gì, con bé trả lời con thích nhất đậu phụ chiên chấm tương Cự đà, làm ai cũng ngạc nhiên trố mắt, vì làm gì còn tương Cự Đà mà sao nó biết được, lại còn bún riêu mà phải có váng của cua xay nát mới chịu ăn... Con hay ngồi lòng các bác, đọc báo VN cho các bác nghe làm bác nào cũng thích lắm. Các bác mà đi chơi theo cơ quan là thế nào cũng lôi cô cháu gái đi theo, cô bé nói tiếng Việt mà chẵng ai ngờ con ở Tây về, chỉ ngờ ngợ vì nước da đẹp của con..
Nhưng từ hồi con bé bắt đầu lên trung học, dịp Noel hay sinh nhật con được tặng cho những món quà điện tử để chơi, để học như những trẻ em khác. Con bắt đầu gần gũi với mấy mấy cái màn hình của máy to máy nhỏ hơn là ngồi lòng mẹ tỉ tê truyện trong lớp. Con thường xuyên « chat » với bạn bằng hai ngón tay cái nhỏ xíu và nhanh thoăn thoắt nhảy nhót trên những hình phím chữ của cái điện thoại di động..Nhiều khi trong bữa ăn bà hỏi thăm về trường, về lớp, con bé trả lời qua loa. Chỉ khi mang số điểm về, bà mới yên tâm con vẫn còn chịu học tử tế như xưa.
Mà ở xứ Tây này, hồi con bà còn học lớp chót bậc tiểu học, mà con bé đã được học về bộ phận sinh dục nam, nữ và chức năng sinh sản, quan hệ nam nữ là như thế nào, cách ngừa thai là như thế nào. Bà Tư thấy dạy chi cái chuyện đó, sớm sủa quá cũng chẳng làm gì, chỉ tổ làm đứa nhỏ thêm một đề mục để mất tập trung học những cái gì cần thiết hơn. Hồi đó bà không có học mục đó, bà cũng lập gia đình, cũng có con được đó thôi? Chỉ khi con bé có kinh nguyệt mà không hề sợ hãi khi thấy máu như bà hồi trước, con chỉ dặn mẹ mua hộ con gói băng vệ sinh, bà thấy con chẳng hề thắc mắc phải làm sao, coi như chuyện bình thường tự nhiên của trời đất, bà chẳng phải dặn dò, chỉ dẫn gì; lúc này, bà Tư mới thấy, bên đây cách giáo dục của Tây cũng có cái hay của nó.
Năm nay con bé mừơi ba, cao nhỉnh hơn mẹ một chút và tròn trịa tươi mát như một nụ hoa sắp nở. Bây giờ không hiểu sao, nó cứ không bằng lòng với chính bản thân nó, lúc thì nó " than cổ chân con sao to quá, sao bắp đùi con mập quá , sao mẹ đẻ con ra có chân to thế này", lúc thì "sao con có hai cầm giống cô Út quá..chắc con có gien mập giống trên Nội". Nếu như bà Tư đồng ý với con gái, thì nó không bằng lòng, vì có khác chi mẹ xác nhận là con xấu, nếu như bà Tư không đồng ý với ý kiến của nó vì cho như vậy là đầy đặn xinh đẹp thì cũng không xong, vì nó cho rằng bà Tư chẳng hiểu gì về thẩm mỹ, về sức khỏe cả.
Bà Tư biết con bé đang vào tuổi dậy thì nên hay khó chịu như vậy với mọi người xung quanh. Bà nhớ hồi đó bằng tuổi nó , bà đâu có rắc rối nhiều vậy. Hồi đó bà rất là vô tư, tan học về là tụ tập với bạn bè tí xíu , tranh cãi tí xíu chuyện bài vở, bàn bạc tí xíu chuyện xi nê, ca nhạc hay dở, thỉnh thoảng tíu tít hẹn hò nhau đi bơi hay đi ăn chè, trước khi đứa nào về nhà đứa nấy.Ở nhà còn khối việc, học xong, thì có việc nhà, việc giúp cha mẹ kiếm sống vì thời của bà lúc mới lớn là lúc đất nước mới hết chiến tranh, mọi sự đều thiếu thốn trăm bề, chẳng có đầu óc đâu mà điệu đàng, làm dáng, bà cũng chẳng hề cãi bố ,cãi mẹ như con bé bây giờ.Có lẽ cái câu “con cãi cha mẹ, trăm đường con hư”, nó ăn sâu vào máu huyết, vào tâm não của bà, nên ở tuổi dậy thì của bà và ngay các chị em bà, chẳng người nào có vấn đề gì với bố mẹ cả.
Bây giờ, con bé đi học về là vào phòng nó, con học hay chát với bạn, hay làm gì nữa, bà mà thắc mắc mở của phòng xem con bé làm gì thì nó dặn :
_Lần sau mẹ vào phải nhớ gõ cửa nhe.
Đấy đấy, coi chừng chạm vào cái gọi là « tự do cá nhân » của con bé. Nhiều khi bà phải làm bộ như vào gom đồ mang giặt chung cho cả nhà để dòm chừng con làm gì. Ấy vậy, mà nhiều khi thấy bà lui tới trong phòng nó, lau chùi cái này, dọn dẹp cái kia,nó dặn mẹ:
_Mẹ nhớ để lại chỗ cũ cho con, mẹ hay quên rồi để lộn xộn lắm.
Nghe có thấy ghét không, mặc dù bà có hay quên thật. Bà tự nhủ lần sau để con bé dọn dẹp lấy , nhưng cứ thấy im ắng quá cả ngày, bà lại nổi máu tò mò không biết con bé làm gì, bà lại lấy cớ dọn dẹp hay cất cái này, cái kia vào tủ cho con để liếc xem con làm gì. Bà ít khi thấy nó đi đâu, ngay cả khi gặp mấy chị em họ, mỗi đứa cũng một cái màn hình nho nhỏ, không hiểu chat với ai, chẳng đứa nào nói chuyện với đứa nào, hèn chi mà sau này khi lên Nội chơi, bốn năm chị em tụ tập một phòng mà chẳng nghe tiếng nói cười như hồi còn nhỏ xíu.
Bây giờ thế hệ của con sống đầy đủ tiện nghi hơn thời của bà, nhưng bà Tư thấy con bà không có những niềm vui sống động như của bà hồi xưa. Ở bên đây, không có chuyện cha mẹ áp đặt ý kiến riêng của mình vào con cái. Con bé nhiều khi hay cãi lại bà Tư theo kiểu phát biểu tự do như trong lớp, nhiều khi thấy nó hỗn với mình, tức ghê gớm, chỉ muốn vả vào cái miệng xinh đẹp một cái mạnh cho bõ ghét. Nhưng Bà nghĩ lại, tập cho con phục tòng mình, nhiều khi chưa chắc là tốt, sau này ra đời quen cái lối phục tòng đó, chỉ có dễ bị người khác bắt nạt. Thôi thì đành giảng giải, và bao giờ bà cũng thòng thêm một câu :
_ Con lớn rồi, mẹ nói mà con không nghe thì con ráng chịu.
Ấy vậy mà sau đó con bé suy đi nghĩ lại có khi làm theo lời khuyên của mẹ, làm bà Tư thấy hỉ hả.
Con bé đang ở cái tuổi chú ý cơ thể nó. Có sự thay đổi mà. Hôm nó đi ăn sinh nhật cô Út, gặp cô Mười khen con dạo này phổng phao, thế mà bà Tư cứ nghe con bé lẩm bẩm « phổng phao, phổng phao, mập thì nói đại là mập đi, phổng phao, phổng phao…”.Rồi bà Tư thấy con bé không hiểu từ lúc nào cứ hay hỏi mẹ làm món nầy có gì ở trong đó. Lúc đầu bà Tư tưởng nó quan tâm tới nấu ăn, ai dè không phải vậy, con hỏi để tính toán bao nhiêu calo trước khi ăn. Bây giờ mà hỏi chất béo nào tốt chất béo nào xấu, quả táo bao nhiêu calo 100g, quả bơ bao nhiêu calo 100g là nó thuộc vanh vách,…tính toán calo nhiều ít rồi mới ăn. Bà tự nghĩ, thôi con ăn uống cẩn thận, biết tính toán cho không mập quá cũng tốt, vì bà thấy con thon thả hơn trước, mặc quần áo trông xinh xắn hẳn ra.
Nhưng bà Tư thấy con xinh xắn, có eo, có ngực có mông, lại đâm lo. Ở bên đây, lớp vừa có con trai ,vừa có con gái, lại được học quan hệ nam nữ là như thế nào, nhiều khi nhỡ chúng lại đem nhau ra “làm thử cho biết là như thế nào” thì sao?
Trong bếp, trên tủ lạnh, bao giờ bà cũng dán cái thời khoá biểu của con gái, để theo dõi giờ đi giờ về. Trường thì gần nhà lắm, con chỉ đi về mươi phút là đến nhà, vậy mà thỉnh thoảng bà lấy cớ đi chợ để đi chung với con. Khi con gặp bạn là bà để các con đi cùng nhau, và bà lùi ra sau đi về phía chợ. Nhờ vậy bà cũng biết được con bé hay chơi với bạn nào, bạn trai nào hay đi về với con. Nhiều khi bà hỏi chuyện hơi quá đà, nhất là để dò xem tình cảm con mình với mấy bạn trai. Bà mà sốt ruột có ý kiến, con bé lại la lên:
_Mẹ làm như con chơi với nó là con cho mẹ lên làm bà ngoại liền vậy.
Thật ra, ông bà Tư cho là cái gì cũng có duyên có phận của nó. Như hai ông bà Tư có bao giờ nghĩ có ngày lập gia đình được với nhau đâu? Ông Tư thì đi Tây, còn bà Tư thì làm phiên dịch bên Đông Đức, quen nhau từ hồi trung học cùng trường cùng lớp, vậy mà có ngờ đâu, có ngày Tường Berlin sập, để hai ông bà lại gặp lại nhau sau bao năm thư từ mà không hy vọng gì gặp lại. Biết là có duyên thì gặp, không tránh được, nhưng bà lo con gái gặp duyên chưa phải lúc lại khổ.
Ông Tư thì từ lúc con mới học tiểu học, ông hay ca bài “tuổi nào việc đó”:
_Bây giờ con ở tuổi đi học thì con lo học, nếu con ở tuổi đi học mà con lo yêu đương chẳng hạn, thì đầu óc đâu mà học được, cứ lo nghĩ về người yêu thì đầu óc đâu mà suy nghĩ bài vở của mình? Mà nếu con lớn một chút thì học khó hấp thu lắm, đâu phải lúc nào học cũng vô được. Như mẹ bây giờ làm sao học vì hay quên ? Bây giờ bố mẹ con lo cho con được, con chỉ lo mỗi chuyện học, chứ khi bố mẹ già yếu, con còn lo kiếm tiền nuôi mình, thì giờ đâu mà học cho vô. Mình làm việc gì cho đúng lúc đúng thời thì sẽ để gặt hái được kết quả tốt hơn, nhanh hơn. Con công nhận không ?
Dạo này quét nhà, sao thấy nhiều tóc rụng trong phòng con gái. Lúc này bà mới để ý, con vẫn không ăn uống lại bình thường mặc dù đã thon thả, từ lâu đã mặc vừa mấy cái quần gin thun bó mà cách nay vài tháng còn chui không lọt. Con bé cân đong từng li từng tí đồ ăn khi cho vào chén. Ở nhà buổi trưa, thỉnh thoảng con phải ở lại trường, một mình, có lần bà cũng ăn thử theo con, thấy đói ghê gớm, đói không chịu nổi. Hèn chi miệng con bé lúc nào cũng nhai sinh gum và có mùi. Bây giờ mà đùng đùng bắt nó ăn uống như xưa là chắc chắn hai mẹ còn lại cãi nhau.Mẹ thì ở tuổi mãn kinh, con thì đang dậy thì, nên hai mẹ con hơi tí là « có chuyện hục hặc”. Ông Tư thì muốn nhà cửa êm đẹp, nên khi thì bênh con, khi thì bảo mẹ nói không sai. Mà con bé dạo sau này, cứ toàn sổ tiếng Tây, nhất là những lúc nó cáu kỉnh, dường như những cái dễ thương hồi nhỏ, ăn nói nhỏ nhẹ lễ phép mà bà chắt chiu truyền đạt lại cho con, nó quên đi đằng nào.
Bà tư lo lắng trước những thay đổi “từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới” của con gái, bà đang suy nghĩ tìm cách để nói con ăn uống bình thường lại như xưa, bà nghĩ ăn đói như vậy, làm sao có sức để học, chưa nói là làm cho con người ta cáu kỉnh, vì muốn ăn mà phải nhịn.., bỗng nhiên có điện thoại từ trường của con bé. Bà Tư giật mình vì người ta bảo bà phải đến trường đón con về từ trạm xá. Con bé té xỉu và trặc chân.
Gặp bà y tá, bà Tư mới biết con không đủ sức chạy trong giờ thể thao nên vấp trặc chân và xỉu. Nói chuyện với bà y tá, bà mới biết ở tuổi con, nhiều đứa cũng nhịn ăn để làm gầy, nhưng không ăn uống lại được như xưa, vì mất cảm giác no, đói, cộng thêm vẫn sợ cái mập như lúc trước, nên đứa trẻ mất định hướng, mất dinh dưỡng, năng lượng dự trữ trong người tiêu hao, xài hết lượng chất béo trong người, nó dùng đến lượng đạm, lúc đó thì các cơ bị teo lại, trong đó có các cơ quan tim, gan, thận cũng bị teo và mất dần chức năng hoạt động Có đứa phải đưa vào nhà thương để theo dõi và giúp đỡ về mặt tâm lý, làm đứa trẻ thay đổi lối suy nghĩ sai lầm về ăn uống, và giúp nó ăn uống lại bình thường. Có đứa bị nặng, ăn là ói ra, mất sức và chết giữa cái tuổi đang nảy nở xuân thì.
Bà Tư nghe mà lạnh hết cả người. Trên đường về, bà ôm con gái, lo lắng và ân hận đã để con nhịn ăn mà không ngăn cản, lại còn thấy hài lòng với cái thon thả mà con đánh đổi bằng những cơn đói dằn vặt đến thành thói quen, nước mắt đầm đìa trên má bà hồi nào không hay. Con bé ngước nhìn mẹ :
_Sao mẹ khóc vậy mẹ ?
Bà Tư kể cho con nghe nỗi lo của mình và những gì bà y tá kể. Bà xin lỗi con đã không kịp ngăn con đã tiếp tục nhịn ăn. Bà năn nỉ con bé thương mẹ, hãy ăn uống như xưa, vì con đã mặc vừa những gì con muốn mặc. Con bé òa khóc, rút trong túi áo một cọc mấy thỏi schewingum để trong túi áo dành nhai những lúc đói ở trường đưa cho mẹ :
_Chắc con bị anorexie rồi mẹ ơi.
Bà Tư nghe cái từ thật xa lạ, bà không tưởng tượng được ở xứ sở văn minh, những đứa trẻ mới lớn, đầy đủ vật chất, không thiếu thốn tình thương như con gái bà, mà chỉ vì ham làm đẹp, như mấy cô người mẫu, ham làm đẹp để ăn mặc theo thời trang, ham làm đẹp để hãnh diện với bạn bè cùng lứa trong lớp, mà đến nỗi nhịn ăn đến kiệt quệ cơ thể mình.
Những ngày sau đó, bà Tư cho cân vào tủ khóa lại, để con bà không cân đong đồ ăn từng chút. Bà làm những món không dầu mỡ để con bé yên tâm ăn được nhiều hơn, rồi từ từ bà thay đổi dần các món rau nhưng trộn dầu trong đó để con bé quen dần. Cũng phải mất thời gian lâu lắm, dần dần con bé mới hồng hào trở lại. Cứ cuối tuần, cả nhà lại nhảy lên cân một lần, lên cân chút xíu thì ăn ít đi, xuống cân thì mẹ lại thêm vào bữa món nọ món kia, nhưng tuyệt đối không cân đong từng ngày, cộng trừ calor từng chút.
Bẵng đi một thời gian, Tết lại đến, bà Tư mừng chưa từng thấy vì con gái lại vòi mẹ làm bánh chưng, củ cải dầm, mứt Tết và đòi ăn ngay cả mấy món có chất béo nhiều như chả giò, như giò thủ…con bé lại nhỏ nhẹ, lại tía lia tiếng Việt trong bữa ăn, kể cho bố mẹ nghe chuyện trong lớp…những điều tưởng chừng như thật tầm thường nhưng bà Tư đã cảm nhận với muôn vàn hạnh phúc. Có con gái thật đáng yêu nhưng cũng không phải thật đơn giản như bà nghĩ. Bây giờ bà mới hiểu bố của bà ngày xưa, khi người con gái út trong đám con « ngũ long công chúa” của ông đi lấy chồng, ông đã nói với người chị của ông khi đưa thiệp cưới :
_Chị ạ, em gỡ được nốt quả bom nổ chậm cuối cùng rồi này !.
Bình Minh.
BM thật là một bà mẹ tuyệt vời, em đã chăm lo, săn sóc con gái với tất cả tấm lòng của bà mẹ, gần gũi con như một người bạn . Con gái cũng rất yêu mẹ và biết nghe lời . Chúc mừng em
ReplyDeleteBQ
Chị đọc một mạch không ngừng truyện ngắn của Bình Minh, em viết thật giản dị , lôi cuốn, đặc sắc từ nhận xét tới lối hành văn , tả thực và rất duyên dáng , bộc lộ được tất cả tình mẹ cũng như những trăn trở lo âu. Cái tài kể chuyện còn làm cho người đọc hồi hộp , lo âu , vui buồn theo nhận thức " đúng hay sai?" , cũng như trách nhiệm của một người mẹ.
ReplyDeleteChị rất ái mộ văn của Bình Minh, đúng như tên gọi vô cùng trong sáng cùa tác giả. Hy vọng sẽ được đọc tiếp những sáng tác của em , chị cũng đại diện cho ĐSTV 6370 cảm ơn và hãnh diện được một cây bút duyên dáng như em tìm về cộng tác, cùng vui niềm vui văn nghệ em nhé.
Mời các bạn vào đọc truyện ngắn Dậy thì của Bình Minh ( em gái của Bích Quy ) để cùng tác giả chia sẻ tâm tình cũng như tâm trạng của những bà mẹ thương yêu, lo lắng và đôi khi "âm thầm theo dõi" chăm lo khi cô con gái yêu đến tuổi dậy thì.
ReplyDeleteDSTV cám ơn em gái Bình Minh đã gửi bài và mong em sẽ tiếp tục sáng tác và ra chơi cùng các chị nhé.
Các chị Thư , chị Thảo Nguyễn, chị Phương Hà thân mến,
ReplyDeleteCảm ơn các chị đã khen và khích lệ cho bài viết của em.Em cũng rất vui được tham gia trên diễn đàn văn nghệ của các chị
.Hình các chị chụp với hoa đào,với hoa mai rất đẹp,rất hợp với áo dài.Em có ý nầy, không biết có gì sai không,nếu không thì chị bỏ qua cho em nhé: Các chị mở thêm một trang gọi là trình diễn trang phục cho lứa tuổi 50 _60, cũng sẽ hấp dẫn nhiều người cùng trang lứa xem, chẳng hạn trang phục áo dài(đi ăn đám cuối các con), trang phục mặc đi chợ, trang phục mặc đón con hay cháu đi học,...Tuổi nào cũng có cái đẹp của tuổi đó,mấy chị đồng ý không?Em thấy các chị chụp hình đẹp rất tự nhiên, nên có chút xíu ý kiến...,vì em thấy có những bài về nấu ăn, tại sao về mặc lại không có?
Bình minh