THƠ - HOA - và NHẠC
Trang thơ nhạc cuối tuần thân mới các bạn thưởng thức một nét đẹp nghệ thuật giao duyên giữa Thơ- Hoa và Nhạc.
Thích trồng hoa cúc để xem chơi
Cúc ngó đơn sơ lắm mặn mòi
Đêm vắng gần kề say chén nguyệt
Vườn thu vắng vẻ đủ mua vui
Hoa cúc - Nguyễn Khuyến
Trăm hoa đua nở, vắng ngươi hoài!
Trăm hoa tàn rồi mới thấy ngươi
Tháng rét một mình, thưa bóng bạn
Nhị thơm chẳng rữa, chạnh lòng ai
Nhấp nhô lưng giậu xanh chồi trúc
Óng ả đầu hiên mướt ngọn mai
Cất chén mỉm cười, vừa ý tớ
Bõ công vun xới đã lâu ngày
NGUYÊN SA - MÀU KỶ NIỆM KHÓ PHAI
Quỳnh Giao
Hôm đó, lũ học trò chúng tôi lao xao trước lớp chờ thầy tới. Không hiểu sao, hôm đó tôi lại láu táu hỏi giật các bạn:
“Lan phệ đến chưa?”
Lan phệ là hỗn danh lũ học trò con gái vẫn gọi lén thầy Lan. Tiếng trả lời ngay phía sau làm tôi bủn rủn tay chân trong tiếng khúc khích của chúng bạn:
“Nó đây rồi!”
Người trả lời là Trần Bích Lan, ông thầy dạy triết mà vóc dáng lại chẳng có vẻ gì khô cằn khắc khổ của triết gia như lũ học trò vẫn hình dung. Ông tỉnh khô bước vào lớp.
Tuổi học trò có kỷ niệm khó quên như vậy là nhờ những ông thầy triết nhân kiêm thi sĩ. Thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan đến với chúng tôi ở lứa tuổi đó. Giờ đây nếu chẳng còn nhớ gì về môn triết thì thơ ông vẫn khơi dậy những cảm xúc học trò. Ðây là nói về thơ Nguyên Sa thời trước, chứ sau này, cho đến khi ông gần mất, thơ ông đã vươn ra những không gian khác.
Tuổi ấu thơ của chúng tôi trùng hợp với tuổi xuân của Việt Nam Cộng Hòa, của miền Nam tự do sau Genève. Lúc đó, mọi người như đều khao khát cái mới, có lẽ một phần để đoạn tuyệt với một nửa đau thương bên kia Bến Hải. Phần nữa là do sự thôi thúc của miền Nam, vùng đất có sự khoáng đạt rất mới. Lúc đó, hình như một thế hệ nhà thơ đã xuất hiện, trong đó có người du học từ Pháp về. Nguyên Sa là một, và có lẽ nổi bật nhất, trong lớp người đó.
Nguyên Sa từ Paris về lại thổi vào Sài Gòn hương vị dịu mát của Hà Nội. Bài Áo Lụa Hà Ðông có tác dụng đến như vậy mà không lạ sao? Từ bài đó, tôi tin rằng khi nghe thơ Nguyên Sa người di cư từ miền Bắc đều nhớ về Hà Nội hoặc khí hậu tưởng như Hà Nội. Không mấy ai băn khoăn về Paris nữa dù lúc đó rất thời thượng, có một ma lực với người làm thơ ở Sài Gòn. Với Nguyên Sa, Paris có lẽ đã là tiền kiếp. Chứ Hà Nội, chứ miền Bắc và kỷ niệm ấu thời trước buổi di cư mới là hiện tại trong thơ.
Ðọc thơ Nguyên Sa - lúc đó, mới đọc thôi, chưa nghe và chưa hát - đọc thơ Nguyên Sa, lũ học trò đều thấy bồi hồi đến nóng đôi má vì ông viết thơ tình mà không hiểu sao, chúng tôi nhất quyết rằng đó là thơ tình cho học trò. Giờ này đây tôi vẫn nghĩ vậy và chỉ mong là thế hệ nào cũng có mấy cậu học trò pha mực làm thơ, khiến các cô gái đến tuổi đôi tám lại phân vân khi chọn màu áo đi học.
Thời đó, hầu như đứa nào trong chúng tôi cũng giấu trong cặp vài bài thơ, không Nguyên Sa thì Nhất Tuấn. Các nhà thơ ấy làm thơ cho lũ con gái kẹp tóc thời Sài Gòn còn thanh bình, và với tôi, kỷ niệm ấm êm đó vẫn là những gì đáng nhớ nhất. Không phải vậy sao, mỗi khi thấy mưa rào nổi bong bóng trên sân là mình lại nhớ về quê nhà, về tuổi mộng mơ còn vầy mưa ngoài ngõ, và thơ Nguyên Sa lại khua trong trí nhớ cả một trời ấu thơ đã mất.
Một điều phải nói ngay là thơ Nguyên Sa được phổ nhạc không nhiều bằng một số nhà thơ khác, nhưng bài nào đã được đưa vào nhạc là ngự trị mãi ở một vị trí rất cao.
Quỳnh Giao nghĩ rằng thơ Nguyên Sa khó phổ nhạc hơn nhiều bài khác vì tự nó đã có nét nhạc riêng, ở tiết tấu nhịp điệu riêng. Có bài đọc lên là đã như hát rồi. Mưa Tháng Sáu là một ví dụ làm tôi liên tưởng tới một bài luân vụ dìu dặt nhịp. Bài Cần Thiết cũng có giai điệu riêng, đọc lên đã thấy chất nhạc rất mới ở ý thơ. Người nhạc sĩ thật rất khó phả thêm hồn nhạc vào bài thơ đã có sẵn cái thần của nó.
Ngược lại, thơ của ông còn đòi hỏi nơi nhạc sĩ một sự hy sinh lớn, đó là dụng công làm nổi chất nhạc vốn có của bài thơ. Trước có Phạm Ðình Chương và sau có Ngô Thụy Miên là đã thành công như vậy. Nếu có yêu Màu Kỷ Niệm của Phạm Ðình Chương hay Áo Lụa Hà Ðông của Ngô Thụy Miên, chúng ta nên cám ơn sự cố gắng đầy tài hoa của hai nhạc sĩ này. Vì họ đem nhạc làm đẹp cho bài thơ, chứ không dùng bài thơ diễn tả chất nhạc của mình.
Hai điều đó khác nhau rất xa, và khi trình bày các ca khúc này, ca sĩ là người trước tiên cảm được điều đó.
Những người quen Nguyên Sa thường nói rằng ông chính là một enfant terrible mà làm gì cũng phải thành công thì thôi, chứ không phải là con người thơ, lãng mạn với thơ tình. Quỳnh Giao không dám luận bàn về mấy điều ấy và cho rằng Nguyên Sa đi tới thành công ở thơ.
Ông là người làm thơ đã thổi vào tuổi thơ của nhiều thế hệ chúng tôi những rung động đầu đời, khi thấy cây lá xôn xao nơi sân trường. Và điều đó là đáng kể nhất. Nguyên Sa không còn nữa, nhưng cầm thơ ông trên tay, đọc thơ ông ở trong trí, hát thơ ông khi nhìn ra khoảnh vườn, Quỳnh Giao thấy màu xanh của kỷ niệm vẫn nuột nà mơn mởn.
Nguyên Sa để lại một cây cầu vẫn đưa chúng tôi về quê hương và tuổi thanh xuân của mình...
Quỳnh Giao
Sen Huế - Chế Lan Viên
Trắng muốt mùa sen, trắng cổ thành
Ngỡ như mùa hạ Huế chờ anh
Mượn ai tà áo bay màu lụa
Bọc lấy mùa hương ấy để dành
Nguyễn Huệ - Chế Lan Viên
Hẳn nhớ Thăng Long, hẳn nhớ đào?
Mai vàng xứ Huế có khuây đâu?
Đào phi theo ngựa về cung nhé!
Nở cạnh đài gương sắc chiến bào
Đóa hoa hồng - Nguyễn Bính
Thưa đây một đóa hoa hồng
Và đây một án hương lòng hoang vu
Đầu bù trở lại kinh đô
Tơ vương chín mối sầu cho một lòng.
Tình tôi như đóa hoa hồng
Ở mương oan trái, trong lòng tịch liêu.
Kinh đô cát bụi bay nhiều
Tìm đâu thấy một người yêu hoa hồng?
Em có nhớ căn nhà xưa - Nhạc Nguyễn đình Toàn- Tiếng hát Tuấn Ngọc.
Hoa bông bụt - Nguyễn Trãi
Ánh nước hoa in một đóa hồng
Vẩn nhơ chẳng bén, bụt là lòng
Chiều mai nở, chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay thuyết sắc không
Hoa bay về ngàn - Đinh Hùng
Em đi , rừng núi vào Xuân ,
Áo thiên thanh dệt trắng ngần hoa bay .
Búp lan dài mướt ngón tay ,
Cả lâm tuyền nhớ gót giầy phong hương .
Nghe như đàn lả cung thương ,
Bầy chim bên suối soi gương tự tình .
Cỏ thơm nếp lụa đồng trinh ,
Mây giăng cánh bướm cho mình lên non .
Sông rừng uốn khúc lưng thon ,
Nụ cười hoa dại nét son não nùng ,
Tình vương xóm Mán trập trùng ,
Lòng như xuân tỏa hồn rừng hoang vu .
Cầu treo nối nhịp tương tư ,
Lắng trong cây lá , giấc mơ về ngàn .
Nắng soi ấm mái nhà sàn ,
Hơi xuân ủ cánh phong lan nõn nà .
Óng vàng mái tóc tiên sa ,
Cỏ đồi chải phớt lược ngà buông lơi .
Nhớ về Bản nhỏ lưng trời ,
Xuân đi , còn lẩn nụ cười trong mây
Chút tình đầu đó - Đỗ Trung Quân
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vỹ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng - mối tình đầu
Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Là áo người trắng cả giấc ngủ mê
Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại... mang về
Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp
Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ vào cây
Người con gái mùa sau biết còn có gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay....
Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng hiểu - chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi... thành câm
Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa
Bao giờ ngâu nở hoa - Xuân Quỳnh
Những bông hoa nho nhỏ
Chỉ có chút hương đêm
Ẩn vào trong kẽ lá
Như mối tình lặng câm
Vượt qua tháng qua năm
Vượt qua đồi qua suối
Bỗng gặp một mùi hương
Như lời yêu thầm gọi
Như ánh đèn chờ đợi
Như ánh mắt bao dung
Trong cơn khát cháy lòng
Bỗng tìm ra nguồn nước
Mùi hương không hẹn trước
Tình yêu đến bất ngờ.
Em đâu biết bao giờ
Mùa hoa ngâu ấy nở
Anh như cây đàn khóa
Sợi dây còn ngân vang
Em đi hết lòng em
Lại gặp lời hát đó
Hoa ngâu ở nơi nào
Em cũng không biết nữa
Em chỉ biết tình em
Như ngâu vàng vẫn nở
Hoa tường vi - Xuân Quỳnh
Trắng với hồng và tim tím nhạt
Tựa màu mây phiêu lãng cuối trời xa
Hoa tường vi như thực lại như mơ
Cùng tôi sống suốt một thời trẻ dại.
Vóc nhỏ nhắn trước tầm gió thổi
Tôi hiểu điều trong lá nói lao xao
Ở nơi nào bởi điệu ca dao
Từng ca ngợi một loài hoa chưa có.
Hoa phảng phất mối tình trong truyện cổ
Mang lỡ lầm oan ức đã xa xôi.
Hoa tường vi thời trẻ dại của tôi
Bên mái rạ một mảng vườn hẻo lánh
Ngày mưa bụi khắp nẻo đường và lạnh
Những cụm hồng cụm tím lẫn màu xanh
Tôi có hoa bè bạn bên mình
Hoa hiểu cả những điều tôi chẳng nói
Tôi đã qua bao thác ghềnh đá núi
Qua thời gian tóc thoáng sợi màu mưa
Hoa tường vi của những ngày xưa
Tôi vẫn nhớ một màu mây phiêu lãng
Màu tím hoa sim - Nguyễn Hữu Loan
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...
(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)
Hai Sắc Hoa Tigôn
T.T.K.H.
Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi cảm thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương, cát
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng
Người ấy thuờng hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: "Hoa, dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng thế thôi!"
Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: "Màu hoa trắng,
Là chút lòng trong chẳng biến suy!"
Đâu biết một đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá! Tồi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...
Từ đấy, thu rồi, thu lại thụ..
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người
Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm pha!
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một muà thu trước rất xa xôị..
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
Tôi sợ chiều thu nhạt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng. Chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy sang sông đứng ngó đò
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng
Chân quê - Nguyễn Bính
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi ?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân ?
Nào đâu cái áo tứ thân ?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
(1936)