Aug 16, 2012

ĐẾN THĂM PHÚ QUỐC



 ĐẾN THĂM PHÚ QUỐC
 BÍCH QUY


 Đầu tháng tám vừa rồi, bạn rủ tôi đi Phú Quốc.
 Đây là nơi tôi đã biết từ khi.... bắt đầu được học môn địa
 lý trong trường nhưng chưa đặt chân đến bao giờ. Tôi vẫn mong
 có ngày được biết đến nơi nổi tiếng này của đất nước tôi.
 Một hòn đảo trù phú , xinh đẹp được trời ưu đãi ban cho một
 thiên nhiên kỳ thú.


 Lần đầu tiên đến nơi này, lại đi theo tour và chỉ
 ở trong khoảng ba ngày hai đêm nhưng Phú quốc cũng để lại
 trong tôi nhiều ấn tượng khó quên. Sân bay nhỏ nên chỉ đón
 được máy bay nhỏ. Nghe nói đang xây dựng một sân bay quốc tế
 rất lớn có thể đón máy bay vận tải lớn nhưng chừng nào
 xong thì tôi cũng chẳng biết được. Mảnh đất này còn hoang sơ
 lắm, mặc dù cũng có những khách sạn xây theo kiểu ở thành
 phố , tuy không lộng lẫy nhưng cũng đủ để du khách nghỉ ngơi
 thoải mái. Chúng tôi được đưa đi ăn trưa với những món ăn
 phần nhiều là tôm, cá , mực nhưng trên bàn có để lọ nước
 mắm thì đúng là đặc sản bởi nó có màu cánh gián sóng
 sánh và thơm rất đặc trưng mà lâu lắm tôi mới lại thấy.

 Buổi chiều chúng tôi được đi xem một cơ sở nấu rượu
 vang sim. Cây sim hoa tím mọc tự nhiên trong rừng được hái về
 ủ thành một thứ rượu vang có mùi thơm rất đặc biệt và màu
 của nó cũng chẳng khác rượu nho là mấy. Chúng tôi được mời
 uống thử nhưng muốn mua mang về thì lại phải đóng thùng đem
 gửi theo hành lý rất nhiêu khê vì máy bay không cho xách tay.
 Kể ra cũng tiếc vì mùa sim ngắn, cũng chẳng thể làm nhiều
 để mở đại lý ở đất liền được
.

 Sau đó đến vườn tiêu, tiêu ở đây xuất khẩu được, thơm
 cay nức tiếng, nào tiêu sọ, tiêu đen, tiêu đỏ... Người dân ở
 đây còn làm nhiều món như tiêu xanh ngâm dấm , tiêu ngào đường,
 tiêu muối ,v...v....Sẵn tiêu , sẵn nước mắm họ còn kho cá để
 bán như cá cơm kho tiêu, cá trích kho tiêu ăn cũng rất ngon .
 Trước vườn còn có một cây bồ quân rất to như cây đa đầu làng,
 tỏa bóng mát cả một vùng, cây rất sai quả. Tôi còn nhớ xưa
 kia, trước cửa trường tiểu học có bán những quả này cho
 học trò rất nhiều và ngày bé tôi cũng rất thích mua chúng.
 Những quả bồ quân chín đỏ thẫm chỉ nhỉnh hơn hòn bi khi ăn
 phải vân vê cho thật mềm rồi nặn mút lấy ruột màu vàng lẫn
 những cái hột dèm dẹp bên trong . Nó có vị ngọt và sền sệt
 mà trẻ con rất ưa. Lâu lắm rồi tôi mới lại được nhấm nháp
 mùi vị của ký ức tuổi thơ tràn về....

 Điện ở đây phải xài rất tiết kiệm vì chưa có nhà
 máy mà phải chạy bằng máy phát điện nên giá điện cũng cao
 gấp mấy lần so với đất liền. Chẳng phải hô hào thì nhà ai
 cũng tự động tiết kiệm thôi. Buổi tối , chỉ trừ vài con
 đường chính là có đèn đường , còn thì là ánh sáng hắt ra
 của những nhà hai bên đường được bao nhiêu hay bấy nhiêu.


 Hôm sau chúng tôi đi xem một cơ sở làm nước mắm nổi
 tiếng Thịnh Phát với cách ủ cá truyền thống có lịch sử
 hơn trăm năm phát triển tại Phú Quốc. Nước mắm từ những
 thùng gỗ rất lớn được đánh đai chung quanh, chảy vào thùng
 chứa, có mùi thơm ngọt ngào của nước mắm nguyên chất , chỉ
 nhìn thôi cũng biết là rất ngon đậm đà. Các loại nước mắm
 như nước mắm nhĩ là được lấy đầu tiên có hàm lượng đạm
 rất cao và ăn rất thơm ngon. Người ta nói mỗi thủy thủ trước
 khi ra khơi đều uống một ít nước mắm này để giữ sức khỏe
 ... rồi đến nước mắm loại một, loại hai.... Mỗi loại đều
 có giá khác nhau. Vì có đại lý ở đất liền nên khách muốn
 mua thì hãng sẽ giao đến nhà khi về nên rất tiện lợi . Có
 nhiều nơi người ta hay pha đấu một ít nước mắm nguyên chất
 cùng với rất nhiều loại chất khác để tạo ra một loại nước
 chấm có hương vị như nước mắm nhưng chỉ là nước chấm mà
 thôi, cách này sẽ mang lại cho người bán nguồn lợi nhuận
 rất lớn , giá thành lại rẻ nhưng lại có hại cho người tiêu
 dùng ...

 Dinh Cậu được cho là nơi rất thiêng liêng, ngư dân trên
 đảo trước khi ra khơi đều đến lễ bái để được phù hộ cho an
 toàn trở về .Đó là chỗ dựa tinh thần của ngư dân trên đảo
 được xây dựng trên cao , gần bãi biển. Phía trước đền có
 một khoảng sân, từ đây ta có thể ngắm cảnh hoàng hôn trên
 biển rất đẹp.

 Rồi chúng tôi được đến cơ sở nuôi cấy, sản xuất ngọc
 trai cộng tác với Nhật. Tôi thấy người ta đem lên một cái
 lồng chứa những con trai đã nuôi được ba năm. Họ cậy vỏ ra
 và lách mũi dao vào thịt trai và rồi một hột trai sáng bóng
 đã được lấy ra. Tuy nhỏ thôi nhưng chắc con trai đã phải đau
 đớn khi không đẩy được vật thể lạ được cấy vào thân nó,
 bắt buộc nó phải nhả ra chất ngọc bao quanh lấy vật thể ấy
 mà tạo thành hột trai cho con người. Trong thiên nhiên vật
 thể ấy chỉ là hạt cát lọt vào cơ thể nó và phải hàng
 ngàn con trai mới có một con sinh ngọc nhưng con người lại
 muốn có nhiều hơn nên phải cấy và nuôi thôi. Người ta cũng
 chỉ chọn lấy những hột rất to, tròn , lóng lánh ánh xà cừ
 , đủ tiêu chuẩn để làm đồ trang sức. Những hột trai méo mó,
 không đủ tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc sẽ được loại ra
 để làm mỹ phẩm dưỡng da chẳng hạn...Vỏ của nó nếu đẹp
 có nhiều ánh xà cừ cũng được cắt ra chế tác thành nữ
 trang. Tôi đã thấy có những chuỗi hạt trai giá gần bằng cả
 một căn nhà nhỏ, có những hạt ngọc riêng lẻ giá cũng bằng
 một chíếc xe gắn máy ....Cửa hàng trưng bày và bán những
 hột trai đã được làm thành đồ trang sức quyến rũ phụ nữ.
 Đã vào đây thì ai cũng muốn sắm cho mình một đôi bông tai,
 cái nhẫn , cái vòng hay chuỗi hạt đủ loại đủ kiểu và đủ
 màu sắc vì hột trai không phải chỉ có màu trắng mà còn
 có màu đen ánh tím, ánh xanh, hay màu vàng hoặc màu hồng.
 Mỗi màu lại có một vẻ đẹp riêng.


 Trên tường của cửa hàng treo đầy ảnh các quý bà đeo
 trên cổ hai chuỗi hạt trai và bông tai với một hạt rất to.
 Từ bà tổng thống hay bà chính trị gia tên tuổi của những
 nước xa xôi mà tôi được cho biết là họ đã đặt mua trên mạng
 , cho đến những bà vợ đại gia, những bà có chức tước trong
 nước khi đến đây thường mua những chuỗi vòng giá trị được
 bảo đảm bằng giấy tờ hẳn hoi. Hẳn những chuỗi ngọc ấy đã
 tôn lên vẻ sang trọng, quý phái của họ nhiều lắm ? Hạt trai
Phú Quốc đương nhiên là nhất Việt Nam rồi , không những thế
 nó còn đứng thứ mười trên thế giới đấy.Thế nhưng tôi để ý
 người dân tại đảo hay các bà, các cô trong các cửa hàng, phố
 chợ hay trong các khách sạn lại chẳng thấy mấy ai đeo ngọc
 trai mà có khi chính họ đứng bán mặt hàng ấy. Hay là "bụt
 chùa nhà không thiêng" hạt trai nhiều quá nên họ thấy thường
 và không muốn đeo?

 Chúng tôi leo lên một chiếc thuyền nhỏ ra biển để...câu
 cá. Trời trong xanh, nước cũng trong xanh, mỗi du khách được
 phát một cuộn chỉ cước ở đầu có gắn cục chì và lưỡi câu
 mắc một miếng mồi. Tôi tháo chỉ và quăng mồi ra xa nhưng chờ
mãi chẳng thấy con cá nào, bèn đổi chỗ lại ném mồi, lại
 chờ. "A! Tôi câu được rồi"
 Một chị thích thú reo lên và từ từ quấn chỉ. Ồ, một con cá
 "to" bằng... ba ngón tay đang quẫy liên hồi. Chú phục vụ trên
 tàu gỡ nó ra và thẩy vào xô nước gần đấy. Tôi bỗng thấy
 tay mình nặng nặng và mau chóng quấn dây , chắc mẩm được cá
 to. Kéo mãi mà không lên bèn cầu cứu chú phục vụ, "Ôi, lưỡi
 câu của chị mắc kẹt vào đá rồi" Thế là chú ấy phải hì
 hụi gỡ mãi mới ra . Mất hai tiếng rưỡi mà cả đoàn chỉ câu
 được bốn con cá bé xíu và ba con do chú phục vụ câu
 được.Những con cá này được đem chiên lên chấm nước mắm gừng,
 ai cũng khen ngon vì chắc chắn là nó rất tươi và cũng vì
 công sức của mình câu được. Trưa nay mọi người còn được
 thưởng thức món cháo nhum. Lần đầu tiên nhìn thấy con nhum
 bằng nắm tay, đen , tựa quả cầu gai . Người ta tách nó ra,
 lấy phần thịt nấu cháo hoặc có thể đem nướng rồi rưới mỡ
 hành ăn rất ngon. Chúng tôi cũng được thưởng thức món gỏi cá
 mai. Loại cá chỉ cần vắt chanh vào cuốn trong bánh tráng
 với các loại rau chấm với nước mắm ớt gừng, ăn sống mà
 không tanh tý nào ,


 Thuyền qua bãi Sao thì dừng . Bãi cát trắng mịn đẹp
 nhất Phú quốc , sóng êm, biển lặng , nước trong ... nhưng vào
 buổi trưa, nắng quá, mọi người chỉ ngồi nghỉ ngơi, thư giãn
 mà không ai xuống tắm, thật là tiếc. Sau đó, mọi người lại
 lên xe để đi tiếp đến nhà...tù Phú Quốc. Nơi mà khi xưa nghe
 tên Phú Quốc là người ta nghĩ ngay đến..nhà tù. Nghe nói
 trước đây khu vực này rộng đến cả ngàn hecta. Ngày nay nó
 đã được thu nhỏ lại chỉ còn một ít tượng trưng, nơi đó
 người ta lưu giữ những tư liệu, chiếu phim và dựng lại những
 mô hình tra tấn cho du khách xem. Người ta kể rằng có một ông
 cai ngục khét tiếng dữ dằn còn sống đến bây giờ. Ông ta
 chuyên "sưu tầm" ...răng của tù nhân. Mỗi tù nhân lọt vào tay
 ông ta thì phải cống nạp cho ông một cái răng do ông nhổ bằng
 một khúc cây tự chế. Rồi bỏ răng đó vào cái nón cối lắc
 kêu rào rạo, để ở đầu giường. Hiện nay ông đã gần chín mươi
 và tự vào rừng sống một mình. Thật đúng là ác giả ác
 báo.

 Xe đi qua rất nhiều khu đất vi trí rất đẹp nhưng để
 trống, hỏi ra những đất ấy đều đã có chủ để làm dự án
 này nọ nhưng vì nhiều lý do chủ những dự án ấy không thực
 hiện được. Tôi thấy thật tíếc vì thời gian cứ trôi đi mà
lại không khai thác được gì trên mảnh đất màu mỡ ấy, mà ở
 Phú Quốc thì có rất nhiều loại dự án như thế. Cũng có
 những khu đang được xây dựng dở dang, ì ạch chẳng biết đến
 khi nào hoàn thành. Suy thoái kinh tế toàn cầu mà, biết sao
 được.


 Phú Quốc còn có dòng suối đẹp như tranh có tên là Suối
 Tranh ở xã Dương Tơ, bắt nguồn từ dãy Hàm Ninh, gồm nhiều
 con suối nhỏ nhập lại thành thác nước lớn. Muốn ngắm thác
 nước này người ta phải leo lên một con dốc dài nhỏ hẹp
 đầy cây lá qua nhiều con suối nhỏ.....Tại khu du lịch này
 ngọc trai cũng được bày bán rất nhiều ngay sát lối đi cùng
 với các đồ lưu niệm khác...

 Tôi đã đến làng chài cổ Hàm Ninh , có lẽ đây là vùng
 đất người dân làm làng chài có từ ngàn đời , bởi khi tôi
 đến thì không thấy có vẻ cổ chút nào cả. Nhà cửa xây mới
 cao hai, ba tầng xen kẽ những nhà cấp ba , cấp bốn. Mái ngói
 chen mái lá...nhưng hầu như nhà nào cũng có một con thuyền
 nhỏ trước cửa. Họ bày bán rất nhiều hải sản : Ghẹ, tôm
 tích, hải sâm, rong biển, hải mã.....Khách mua có thể nhờ họ
 chế biến ăn tại chỗ hay mang về nhà.. Ngọc trai ở đây cũng
 nhiều bày lẫn với cá khô, tôm khô và giá cả và chất lượng
 thì chỉ ...tin nhau mà mua, còn thật sự thế nào thì có Trời
 biết.

 Chợ đêm Dinh Cậu là một con đường thẳng tắp không
 cho xe chạy từ khoảng năm giờ chiều trở đi. Đầu tiên người
 ta đi qua hàng loạt quán ăn ở hai bên đường. Các quán ăn lộ
 thiên, bàn ghế bày san sát nhau, phần lớn là các món ăn hải
 sải sản, cá, tôm, cua, ốc , ghẹ.....nướng, làm lẩu hoặc
 chế biến các món khác đ̉ủ kiểu . Du khách ngoại quốc ăn
 rất đông, họ cũng chẳng nề hà gì chuyện vệ sinh mà cứ ăn
 đại một cách ngon lành. Điều chắc chắn là nó rất tươi và
 rẻ hơn nhiều so với nhà hàng. Thỉnh thoảng chen vào đó là
 hàng giải khát bán nước, bánh hay kem v..v...Đi qua khu ăn
 uống thì đến khu bán hàng lưu niệm, phần lớn là những sản
 phẩm từ biển, từ những con ốc nhỏ mài bóng làm cái xâu
 chià khóa đến những con ốc lớn làm vật trưng bày...những cây
 san hô trắng chen lẫn những vỏ tôm hùm sống động hay con ba
 ba, đồi mồi để trang trí trong nhà.. Nhiều nhất thì vẫn
 phải kể đến ngọc trai đã làm thành đồ trang sức. Người ta
 có thể mua được những chuỗi ngọc trai hàng nửa mét để thắt
 làm kiểu hay những cái nhẫn chỉ có một hột đủ màu đủ
 kiểu. Mua ở Phú Quốc thì là ngọc trai Phú Quốc nhưng xuất
 xứ của những hạt ngọc trai ấy có phải của Phú Quốc không
thì chẳng ai dám trả lời trừ những người bán và chỉ họ
mới biết từ đâu mà ra . Những gian hàng ngọc trai này cứ san
 sát và nhiều vô kể, giá cả thì cũng có cái rất thấp như
 cái nhẫn một hột trai xen lẫn chuỗi hạt giá rất cao nhưng
 họ lại để những tài sản lớn ấy trong những tủ kính đơn sơ,
 lỏng lẻo...
.

 Một số du khách ngoại quốc thường là ở những xứ xa
 xôi đến một miền toàn đất đỏ, bụi mù, họ lại không thích
 di chuyển là ngồi trong xe hơi máy lạnh. Họ thuê xe máy, hỏi
 qua cách sử dụng và cứ thế ngồi lên là phóng ào ào khiến
 người dân địa phương khiếp vía, thấy họ là tránh trước kẻo
 bị vạ lây. Có lần một ông Tây rồ ga mạnh quá, cái xe vọt
 tới trước , ông giữ không kịp , ngã ngồi dưới đất. Có khi
 cuống lên lại thắng bằng chân, vẹt cả dép.....Có ông Tây chở
 người đẹp ngồi sau chỉ mặc bộ bikini đi khơi khơi giữa phố.
 Tôi thì ngạc nhiên nhưng người dân ở đây quen mắt nên cho là
 thường.
 Đối diện với khu chợ đêm Dinh Cậu, chếch lên ngã tư
 một chút là" Nhà vệ sinh công cộng miễn phí". Đó là một
 "Công trình công cộng tài trợ bởi Sacombank"'. Một khoảnh đất
 nhỏ chừa ra một góc nhà bằng kính làm nơi rút tiền ATM.
 Còn lại làm được hai buồng vệ sinh Nam và Nữ và phòng rửa
 tay với lavabo trắng tinh có xà bông thơm và cả một bình hoa.
Có cả bàn ghế làm việc cho người trông coi. Ai đi vệ sinh
cũng phải đổi giầy dép của mình bằng dép riêng của nhà vệ
 sinh rồi mới được bước vào. Nhạc êm dịu và không khí mát
 mẻ, sạch sẽ, thơm tho, khiến cho ai đến cũng phải trầm trồ
 và tự so sánh với nhiều nhà vệ sinh có thu tiền ở đường
 phố, công viên, khu chợ, của các thành phố lớn như Hà Nội
 hay Saigon. Những nhà vệ sinh này về hình thức đã không
 được đẹp mà bên trong lại nhếch nhác , bốc mùi khiến người
 ta chỉ muốn đi qua cho nhanh nếu không có nhu cầu.Tôi chưa thấy
 ở đâu trong nước tôi một nhà vệ sinh công cộng mà du khách
 phải ngấm nghía, đi thử và cả chụp ảnh nữa. Tôi còn thấy
 khách đi xe máy đến, chìa khóa còn cắm ở xe nhưng tỉnh bơ
 đi vào nhà vệ sinh. Rồi ở những nhà hàng, khách sạn, xe gắn
 máy cứ dựng đầy , chẳng có người coi xe mà không sao cả. Tôi
 có thắc mắc thì được giải thích rằng đã ở đảo thì thuộc
 mặt , quen tên hết nên chẳng ai dám lấy của ai cả. Biển thật
 là bao la, hào phóng khiến cho ai ai cũng có việc làm,
 chẳng ai thèm lấy của ai ? Thật là thanh bình. Ai đã
 từng sống ở nơi mà " ra đường sợ xe, ở nhà sợ trộm" thì
 sẽ cảm thấy ngạc nhiên, thú vị và ấn tượng khi đến đây.
Tôi cũng nghe nói hiện nay nhiều nơi người ta cũng chịu khó
đầu tư vào khoản nhà vệ sinh hầu thu hút du khách nhưng chưa
 nhiều...Hy vọng một thời gian nữa nhà vệ sinh không còn là
 nỗi ám ảnh của du khách....


 Đáng lẽ chúng tôi còn được đi xem nơi nuôi chó Phú
 Quốc, giống chó tinh khôn lông xoáy nhiều ưu điểm vượt trội
 hơn hẳn loại chó thông thường khác nhưng hết thời gian nên
 đành hẹn một dịp khác. Tôi nhủ thầm nếu có dịp, tôi sẽ quay
 trở lại Phú Quốc nhiều lần nữa để khám phá thêm những điều
 mới lạ mà tôi chưa được biết nơi hòn đ̉ảo xinh đẹp này.

3 comments:

  1. Diệu Hiền cũng từng đến Phú quốc cùng gia đình.Xem những hình ảnh và bài viết của Anh Thư thật sống động và tràn đầy sinh khí của hòn đảo xinh đẹp đất nước chúng ta.DH

    ReplyDelete
  2. Chưa được đến thăm Phú Quốc nhưng qua bài viết của Anh Thư cứ như xem một cuốn phim về hòn đảo nổi tiếng này của VN và cũng là địa điểm du lịch được nhiều người ngoại quốc hâm mộ. KĐ hy vọng sẽ có một ngày được về thăm vùng đất này của quê hương
    Thân

    ReplyDelete
  3. Việc du khách phải đổi mang dép của nhà vệ sinh là một điều cực kỳ...phản vệ sinh . Trừ khi họ phát cho mỗi người một đôi mới tinh chứ xỏ chân vào những đôi dép công cộng như vậy làm du khách không khỏi ái ngại nhất là người ngoại quốc vì những bệnh truyền nhiễm fungus có thể lây lan dễ dàng theo cách đổi dép này tưởng sạch nhưng bẩn còn hơn đi chân đất . Các bạn thử nghĩ coi!!!!!!!!!!!!!!!!

    ReplyDelete