Dec 31, 2016

Họp mặt với Bích Diệp và Nguyễn thị Phương ở Nam Cali

Nhân dịp Bích Diệp và Nguyễn thị Phương đến  Nam Cali, chúng em có buổi họp mặt, các bạn xem hinh coi có thể nhận diện được bạn cũ không nhé.
Một lô thân
Oanh









Dec 30, 2016

Trợ giúp trẻ em mồ côi và khuyết tật ở Quảng Bình .

Các bạn thân mến ,

 Như thông lệ của nhóm sau khi thân mẫu bạn Oanh Nam qua đời ,Tâm có xin Oanh Nam và gia đình ý kiến về việc từ thiện của nhóm muốn làm để hồi hướng công đức cho cụ Mẹ ; vì Oanh Nam đã dùng ngân quỹ riêng của gia đình để làm hai cái giếng cho thân mẫu và thân phụ nên Oanh Nam chọn việc trợ giúp trẻ em mồ côi và khuyết tật ở Quảng Bình .

 Đây là nơi đã bị ảnh hưởng nặng nề về việc cá chết và hai trận lũ lụt vừa qua ở miền Trung,và cũng là nơi Oanh Nam và Tâm mới trợ giúp hôm nọ . 

 Tâm vừa nhận được biên nhận của Nhà Dòng Mến Thánh Giá ở Quảng Trạch, Quảng Bình ,Tâm xin gửi trình các bạn . Tâm sẽ gửi thêm hai tấm hình chụp các em vui Trung Thu và hình các soeurs đang bón thức ăn cho những em khuyết tật không thể ngồi dậy để tự ăn được .

 Các bạn và Tâm xin chia buồn với Oanh Nam cùng gia đình một lần nữa . Cầu xin cho hương linh Cụ Mẹ Martha Dương Thị Nhượng được an vui trên thiên đàng và gia đình Nam được sớm qua khỏi cơn khó khăn . Cũng xin bề trên ban trả mọi phúc lộc xuống cho các bạn T.V.6370 và gia đình .

Thân mến,

 Minh Tâm A1 


 các em mồ côi và khuyết tật ở Quảng Trạch , Quảng Bình .


Dec 29, 2016

Chia buồn cùng Kỷ Niệm và anh An

Được tin buồn nhạc mẫu của TV6370 Kỷ Niệm





Cụ Bà  MARY S.PENDLETON

vừa về với Chúa vào ngày 24-12 tại Orange, TEXAS
hưởng thọ 95 tuổi



Các bạn đồng niên cùng ĐSTV 6370 xin thành kính chia buồn cùng Kỷ Niệm anh An và tang quyến. Nguyện xin cho hương linh Bác được hưởng nhan thánh Chúa, an nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng.




THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

*******************

GIẾNG HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC CHO CỤ MẸ CHỒNG BẠN KỶ NIỆM

Các bạn thân mến,

 Bạn Kỷ Niệm và gia đình chọn việc làm giếng để hồi hướng công đức cho Cụ Mẹ chồng ; giếng vừa được làm xong ,Tâm xin gửi đến vợ chồng Kỷ Niệm và các bạn .

 Các bạn Trưng Vương 6370 và Tâm xin chia buồn với anh Anthony , Kỷ Niệm và gia đình một lần nữa . Cầu xin cho hương linh Cụ Mẹ Mary Pendleton được an vui cùng Chúa và Đức Mẹ trên nước thiên đàng .

 Thân mến,

Minh Tâm A1





Dec 23, 2016

Trang thơ nhạc cuối tuần - MẤT RỒI " THƯ GỬI BẠN TA "


                          MẤT RỒI " THƯ GỬI BẠN TA"

 Đây là những bài viết của các văn nghệ sĩ bạn của nhà báo Bùi Bảo Trúc khi được tin ông tạ thế.
Đặc San TV6370 cám ơn bạn Bùi Mỹ Trang đã chuyển cho bài viết  và xin được đăng lại để chia sẻ đến các bạn cùng độc giả khắp nơi.
Xin được nhớ đến ông, tác giả của những  " Thư gửi bạn ta" với ngòi bút châm biếm, dí dỏm mà thâm thúy, sâu sắc .

                                                                Nhà báo Bùi Bảo Trúc

Ký mục gia BÙI BẢO TRÚC (1944 - 2016) Ông sinh năm 1944 tại làng Trình Phổ, tỉnh Thái Bình. Đi học ở tỉnh Hải Phòng năm 1952, sau lại dời lên Hà Nội vào năm 1953 để theo học Tiểu học tại trường Lý Thường Kiệt nằm ở phố Sinh Từ. Thời gian này ông cư ngụ ở ngõ Yên Sơn, đối diện với Chùa Bà Ngô, là một ngôi chùa nhỏ kế cận Văn Miếu, tức Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ông thường nói ông đã từng có tuổi thơ vui đùa chạy nhẩy trong Văn Miếu với những cây muỗm cây xoài rậm rạp và những con rùa đội bia tiến sĩ ở nơi này. Năm 1954 ông di cư theo gia đình vào Nam, theo học nốt chương trình bậc Tiểu học ở trường Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn, sau đó tiếp tục bậc Trung học ở trường Chu Văn An, và tốt nghiệp Tú tài Toàn phần, Ban C năm 1963.
Sau đó ông du học ở Tân Tây Lan (New Zealand) và trở về nước năm 1965 để dạy Anh ngữ ở Hội Việt Mỹ và trường London School của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh. Thời gian sau ông qua làm việc với Phủ Tổng Ủy Dân Vận và Chiêu Hồi của ông Hoàng Đức Nhã. Năm 1973 ông đảm nhiệm chức vụ phát ngôn viên chính phủ, mà trong cương vị này, với khả năng Anh ngữ lưu loát, ông đã đối phó với nhiều ký giả ngoại quốc một cách thích đáng và hữu hiệu để bảo vệ lập trường của Việt Nam Cộng Hòa trong tình thế khẩn trương – Hồi đó, do cuộc chiến càng lên cao độ, ký giả ngoại quốc càng hay soi mói, đặt ra nhiều vấn đề. Năm 1974, ông làm việc tại Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Anh Quốc, và sau biến cố tháng 4-1975, ông qua Canada vào tháng 6 cùng năm. Năm 1977 ông làm việc cho đài VOA ở Hoa Thịnh Đốn cho đến năm 2001 thì nghỉ hưu. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục viết loạt bài Thư Gửi Bạn Ta cho nhiều báo, được rất đông độc giả tán thưởng. Ông cũng cộng tác với đài Little Saigon Radio, Hồn Việt TV trong hai chương trình Ngày Này Năm Xưa, Chào Hoàng Hôn mỗi ngày, và Anh Ngữ Trong Đời Sống hằng tuần. Sau vài tháng trở bệnh, ông từ giã cõi trần hồi 11:45 pm hôm 16-12-2016 tại Fountain Valley, California.

Thơ Hoàng Xuân Sơn
BÙI BẢO TRÚC [ 1944 – 2016 ]

NHỚ TRÚC
rồi khép lại một khấc mơ
một thời ươm mộng gió lùa sân văn
đâu sinh cứ níu vĩnh hằng
buồn con nước lạ mênh mang về nguồn
bây giờ đường dọc mưa tuôn
đường ngang tuyết lú tích tuồng khất ghi

sẽ là
trường thành qua lối nọ
mình về lúc nắng qui
một phương trình hoạt náo
đã im lặng thầm thì


hoàng xuân sơn
18 tháng 12 nãm 2016

THƠ LUÂN HOÁN - MẤT RỒI " THƯ GỬI BẠN TA"



to con tốt tướng hơn tôi
nhỏ hơn mấy tuổi làm người thế gian
(giống như cụ Khuyến bàng hoàng
khóc cụ Khuê thuở rã hàng cuộc chơi)
ông thăng vội vã một hơi
khác tôi hăm dọa "về trời" đã lâu
người sống na ná như nhau
ăn, ngủ, làm việc, phát thâu ân tình...
đang phương phi, ông rùng mình
thoát xác bay đến vô hình cõi cao
vẫn giữ đủ nét anh hào
thông minh trí thức dồi dào mỹ nhân
vọng tiễn ông, lòng bần thần
gắng ba lơn để mình không bất thường
ông đi ném lại vết thương
trúng ngay vào chỗ lo buồn riêng tôi
ai đang vào cuối cuộc người
bạn đi không biết bùi ngùi bản thân ?
tiếc thương ông chỉ một phần
lạc, bi quan vẫn bâng khuâng như thường
thôi thì vụng đốt ngọn hương
cho ông cho cả đám-sương-tuyết-đầu (1)
cho luôn tôi, hẳn nhiên rồi
bởi mai mốt tịch ai đâu tiễn mình
ông đi, định bụng làm thinh
ngỡ lòng tắt ngúm thân tình bạn chơi
hóa ra tro khói cuối đời
bất ngờ nhen nhúm mấy lời linh tinh
mừng ông sớm gặp thần linh
viết tiếp "thư gởi bạn..." tình cõi dương
bè bạn trải sẵn chiếu giường
chờ ông tường thuật vui buồn cõi trên
nhớ ông tôi chẳng dám quên
bái ông mấy vái ông lên cùng trời
ở đâu chắc cũng vậy thôi
mai mốt có gặp cho tôi tháp tùng
Luân Hoán
12.2016

(1) đám đông bè bạn có tuổi.

TẠP GHI- HUY PHƯƠNG
December 18, 20
                                         

Người ta nói, người dậy sớm “có cả thế giới trong tay,” thì tôi cũng xin nói thêm, “biết được tất cả mọi chuyện sớm hơn mọi người.” Cũng vì cái
tội dậy trễ, mãi đến 12 giờ trưa Thứ Bảy tôi mới được tin Bùi Bảo Trúc qua đời qua điện thoại của Phan Dụy ở Houston, mà nguồn tin này lại phát xuất từ gia đình Trần Duy Đức, một người ở không xa tôi đến mấy dặm đường.
Đây cũng là một tin khá đột ngột, vì mấy năm nay tôi biết tin Bùi Bảo Trúc mổ tim rồi sau đó được một thời gian, bỗng yếu đi, bỏ rất nhiều sinh hoạt đang thực hiện, qua làn sóng phát thanh thì lúc có lúc không. Ngày trước lúc còn khỏe, chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau ở quán Song Long, rồi Bùi Bảo Trúc bỏ thói quen ngồi quán. Sau này ông không còn đủ sức đến trụ sở của Little Saigon Radio cũng là đài truyền hình Hồn Việt, mà chỉ còn nói chuyện từ nhà với thính giả qua mục “Ngày Này Năm Xưa,” phát thanh mỗi ngày vào lúc 10 sáng, từ California.
Cách đây hai tuần, còn được gặp Bùi Bảo Trúc qua điện thoại, gần đây có ngày mừng nghe tiếng ông trở lại trên đài phát thanh, ngày Thứ Tư, texting với ông câu nhắn, không thấy hồi âm, thì đêm Thứ Sáu, ông đã ra đi. Không ngờ! Hai tiếng “không ngờ” chúng ta vẫn thường dùng, vì chẳng bao giờ hiểu nỗi sự sống sự chết, và biết được lúc nào chúng ta bỏ cuộc đời này ra đi.
Bùi Bảo Trúc ra đi, để lại trong lòng bạn bè, độc giả, thính giả của ông nhiều thương tiếc. Thương là vì chúng ta đã mất đi một người bạn thân tình, tiếc là tiếc cho một con người lịch lãm, tài hoa khó kiếm. Những trang báo, những câu chuyện qua làn sóng phát thanh, những talk show, Bùi Bảo Trúc đang thực hiện trên đài truyền hình, khi ông ra đi, có thể nói là không có người thay thế. Bùi Bảo Trúc uyên bác hay Bùi Bảo Trúc có một trí nhớ tốt cũng là một cách nói. Sách vở và giấy bút không thể nào giúp cho một người “host” trong vòng nửa giờ trên đài phát thanh hay truyền hình làm việc trôi chảy, nếu không có một trí nhớ tốt.
Có trí nhớ tốt chưa đủ, mà người dẫn chương trình dù chúng ta thấy mặt hay chỉ nghe tiếng nói phải có cái duyên dẫn dắt câu chuyện. Trong vòng nửa giờ, người nghe cảm thấy chưa hả dạ thì đã đến giờ tạm biệt, xin hẹn gặp lại chương trình sau, và có cái gì đó để người nghe có thể mong đợi, đến giờ này, ngày mai mở lại chương trình để đón nghe giọng nói thân quen của một chương trình kế tiếp.
Bởi vậy, khi Bùi Bảo Trúc ra đi, chúng tôi thật sự mất một người bạn quý, nhưng tôi hiểu sự mất mát lớn lao khó bù đắp của chương trình “Ngày Này Năm Xưa” của Little Saigon Radio và “Chào Hoàng Hôn” của Hồn Việt TV. Giọng nói và khuôn mặt của Bùi Bảo Trúc đã là một điều gì đó rất quen thuộc, hẹn giờ, với tất cả khán, thính giả của các cơ quan truyền thông rất phổ cập này.
Người ta dùng nhiều danh xưng để nói về Bùi Bảo Trúc, nhà văn, ký mục gia, nhà báo, ký giả, có sự hiểu biết rộng rãi, hay một MC lịch lãm, duyên đáng trên sân khấu. Ông cũng là giáo sư Anh Ngữ tại Hội Việt Mỹ từ năm 1965 và London School ở Sài Gòn của ông Nguyễn Ngọc Linh, nhưng ít ai gọi ông là giáo sư. Đối với ông hai tiếng gọi thân thiết “nhà báo” là đủ: “Nhà báo Bảo Lâm.”
Bùi Bảo Trúc là một người sinh hoạt từ trong nước ra đến ngoài nước, có dịp đi đây đó nhiều, được nhiều người biết và biết đến nhiều người, nhưng không thể dùng tiếng “quảng giao” để nói đến ông, nếu hiểu theo đúng nghĩa “quảng giao” là giao thiệp rộng rãi với nhiều người. Bùi Bảo Trúc có nhiều bạn bè nhưng con số giao tiếp không nhiều, vì ông có một cá tính đặc biệt, kiêng nể ai thì thấy rõ, nhưng ghét bỏ ai thì cũng ra mặt. Đối với Bùi Bảo Trúc, không có chữ “xuề xòa,” không phải ai cũng là người ông vui vẻ bắt tay xã giao, kiểu “quảng giao” cho xong chuyện, “chín bỏ làm mười,” mà “thương ai thì nói rằng thương, ghét ai thì nói rằng ghét,” dù đó là một kẻ thù chính trị khác ranh giới hay cả một người ông vẫn thường gặp ngoài đường, hay trong sở làm.
Có lần, trong một tiệm ăn, một bác sĩ “dược thảo,” chưa quen biết gì, đã bước đến bàn ăn của Bùi Bảo Trúc, ngỏ lời nhờ ông đứng ra quảng cáo giúp cho thương vụ bán thuốc của mình, ông đã đáp lại rất nặng lời, những lời mà tôi nghĩ không tiện ghi lại ở đây. Bùi Bảo Trúc là vậy!
Đó là xấu tốt phân minh, thiện ác rõ ràng, qua lối viết của ông. Khi ghét ông dùng chữ rất thậm tệ, khi thương kính ông không tiếc lời trang trọng. Bùi Bảo Trúc thường công nhận lối viết của ông không “hiền,” là rạch ròi, nếu cần dùng chữ nghĩa để diễn đạt ý nghĩ và tâm tính của ông.
Bởi vậy, ông có nhiều người thương mà cũng không thiếu người ghét, ngay cả khi ông mất, còn có người theo đuổi kê kích ông.
Trên đời, người đào hoa và hào hoa chưa hẳn là người có hạnh phúc. Bùi Bảo Trúc không nằm trong những người có biệt lệ. Trong sinh hoạt thường ngày, ông vẫn nhận mình là người “cơm hàng cháo chợ,” ăn uống thất thường, không có người thân sống gần bên cạnh, có lẽ vì như vậy, mà lúc đã luống tuổi, sức khỏe ông giảm sút rất nhanh.
Có những câu chuyện xảy ra trong đời, mà Bùi Bảo Trúc cảm thấy ray rứt khôn nguôi, hối hận, xem đây như là những chuyện sai lầm nhất của cuộc đời mình. Một người sống như thế làm sao có thể là một con người hạnh phúc trên đời này được.
Trong những ngày cuối đời, thấy Bùi Bảo Trúc không được vui. Một người thân thiết với ông, qua dòng nước mắt, đã nói với chúng tôi rằng, Bùi Bảo Trúc thấy không còn tha thiết với cuộc sống này nữa. Vậy cuối cùng, thì sự ra đi cũng là ý muốn của ông.
Bùi Bảo Trúc ơi! Mong ông đừng chấp trách, phiền lòng, ông thích nói thật thì nhớ đến ông hôm nay, tôi cũng nói sự thật mọi điều.
Bùi Bảo Trúc đã không còn ở trên đời này nữa! Bùi Bảo Trúc ra đi rồi thật sao!
Thất thập cổ lai hy! Mới bước qua ngưỡng cửa “thất thập” chưa bao lâu mà ông đã bỏ anh em ra đi. Cái chết của Bùi Bảo Trúc không phải là non yểu mà cũng là một cái chết sớm, vì ông còn những việc đang làm và phải làm. Vẫn biết sống chết là lẽ vô thường, nhưng sao cái chết của ông làm cho chúng tôi ngậm ngùi khôn xiết.
Chung quanh đây người ta đang rộn ràng chuẩn bị đón Giáng Sinh và Năm Mới, mà Bùi Bảo Trúc lại vẫy tay từ biệt cuộc đời. Hình như đối với những người luống tuổi, những ngày cuối năm không bao giờ là những ngày vui. Rồi sẽ còn ai nữa, sắp bỏ “cuộc chơi?”
Sáng mai này, thức dậy, rất nhiều người theo thói quen mở đài phát thanh hay đài truyền hình, sẽ nhớ nhiều đến ông.
Thôi, “Bạn Ta!” Xin đừng nói lời vĩnh biệt!
Người xưa nói, cái chết như trở về đi trên con đường làng xưa! Ông đã được trở về, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ trở về thôi!


TẢN MẠN (Phi Yên)
Nếu có một nhà văn, viết thư cho bạn một cách thân mật, kể chuyện đời xưa đời nay, làm phong phú thêm vốn sống của bạn, tán dóc và chia xẻ những yêu ghét giận hờn với bạn…cho dù bạn không quen biết và bạn đang ở một nơi xa xôi hốc bà tó nào đó chẳng hạn- bạn là một người Việt thích đọc và biết đọc, bạn không thích lắm những bình luận khô khốc không đem lại cảm giác gần gũi, tóm lại bạn thích ăn một món ăn tinh thần tươi mát, mặn ngọt, có cả chua cay… Thì mục THƯ GỬI BẠN TA của nhà văn Bùi Bảo Trúc là một địa chỉ thích hợp và trung thành nhất. Tôi chưa từng được gặp mặt và bắt tay ông, nói lời cảm ơn với ông về những bức thư ông viết cho tôi bao giờ cũng bắt đầu bằng chữ BẠN TA…. Những bức thư đó khi đọc từ tay ông viết đã giúp tôi ít nhiều được “xả xú bắp” và đem lại một niềm vui háo hức trông đợi bài viết tiếp của ông. Điều này thật hiếm có trong giới cầm bút và trong giới ký giả. Gọi ông là ngôi sao sáng cũng không quá lời. Văn phong như thế, trí tuệ như thế, thông minh và châm biếm như thế (rất nhiều lần tự châm biếm lấy mình)…đã làm ông trở nên rất gần gũi với độc giả. Ông là một người viết thư hay và kể chuyện có duyên với chất giọng của một chàng thanh niên người Bắc giống như Ba tôi vậy. Ba của tôi cũng viết thư rất hay và kể chuyện không thua kém ai. Tôi thường tự hỏi điều gì đã làm người viết thư này khác với người viết thư khác? Phiếm nhưng không tào lao. Chọc cười chọc giận nhưng vẫn giữ một bản sắc tự trọng. Khơi những câu hỏi trong lòng người đọc mà không tỏ ra cao siêu. Bình dân mà trí thức dễ gần. Phải chăng những đặc điểm ấy đã làm cho Bùi Bảo Trúc nhà văn của chúng ta, trở nên một tên tuổi lớn trong làng báo Việt ? 

Từ biệt ông- Và xin nguyện cầu cho linh hồn ông ra đi được thanh thản. Trong cuộc chơi trần thế, với những hỷ nộ ái ố rất bình thường của kiếp người, tôi tin ông đã đi trọn cuộc chơi của những người nặng tình với chữ nghĩa…


 PHI YÊN 2016 những ngày cuối 


NHẠC SĨ PHẠM ANH DŨNG

Được tin anh Bùi Bảo Trúc qua đời ngày 16 tháng 12, 2016 (72 tuổi) Tôi đọc và thích nhiều bài Thư Gửi Bạn Ta hay, vui và chống Cộng triệt để Nhưng không quen trước, gặp có một lần trong đêm nhạc Vũ Đức Nghiêm ở Orange County Và tôi hôm đó Bùi Bảo Trúc có tham dự nói chuyện Chỉ nhớ anh có nhắc qua đến bài Dạ Quỳnh Hương Chắc cũng cả 10 năm rồi RIP PAD

NHẠC TÂM KHANH PHỔ THƠ BÙI BẢO TRÚC


Ít người biết là những bài thơ của anh viết. Mời nghe thơ có nhạc của anh như sau: 

Nỗi Nhớ Vỡ Bờ (thơ Bùi Bảo Trúc, nhạc Tâm Khanh) Tâm Khanh hát: http://www.honque.com/VanNghe/NoiNhoVoBo.mp3 

Đừng Nhắc Chuyện Mùa Đông (thơ Bùi Bảo Trúc, nhạc Tâm Khanh) Tâm Khanh hát:: http://www.honque.com/VanNghe/DungNhacMuaDong.mp3

 Bao Giờ Trở Lại (thơ Bùi Bảo Trúc, nhạc Tâm Khanh) Tâm Khanh hát: http://www.honque.com/VanNghe/BaoGioTroLai.mp3

* Để nghe những ca khúc phổ thơ của nhà báo Bùi Bảo Trúc, xin highlight link, rồi right click để được dẫn vào link .


Nhớ Anh Bùi Bảo Trúc…

Ngày 30 tháng Mười Hai, 2016

Anh Trúc ơi,
Cuối tháng Tám năm ngoái, 2015, chúng mình ngồi ăn trưa với nhau ở nhà hàng Grand Garden ở Westminster, California cùng với gia đình cô Trang (em gái anh), gia đình chị Dương (chị cả anh), và gia đình anh Đức (chú anh).  Trông anh đã hơi yếu, giọng nói không còn mạnh mẽ, và dáng đi không còn vững vàng như lần trước.  Nhưng tôi nghĩ có lẽ chưa đến nỗi nào… Không dè đó là lần cuối tôi gặp lại người bạn, người anh, và người hay… sửa lưng tôi về chữ nghĩa.
Anh nhớ lần đầu mình đầu mình gặp nhau ở đâu không?  Mùa thu năm 1967, anh vừa ở Tân Tây Lan về, tôi trọ học ở nhà anh Đức, và nhà ông bà cụ anh trên đường Nhật Tảo Chợ Lớn ở ngay đầu hẻm.  Tôi học cùng với Sơn (em trai kế anh) ở trường kỹ sư, dạy kèm cho mấy người em anh, và được ông bà cụ anh mến thương, xem như người trong gia đình, và mọi dịp giỗ chạp đều mời đến dự.  Lúc đó anh học Đại học Văn khoa và dạy Anh văn ở trường Ziên Hồng của hai ông Lê Bá Kông và Lê Bá Khanh.  Những buổi tối đi về khuya, anh sang ngủ nhà anh Đức, và nhờ đó chúng mình có dịp chuyện trò.  Đủ thứ chuyện trên trời dưới đất!

Anh kể các hoạt động sinh viên ở trường Văn khoa và các cuộc thảo luận văn nghệ với bạn anh ở quán La Pagode nằm ở góc đường Lê Thánh Tôn và Tự Do, nơi gặp gỡ của giới ký giả và văn nghệ sĩ Sài gòn.  Anh là người đầu tiên kể cho tôi nghe về ca sĩ Khánh Ly đi chân đất hát nhạc Trịnh Công Sơn ở sân trường Văn khoa.  Anh đọc cho tôi nghe những bài thơ anh mới làm, kể chuyện xứ Tân Tây Lan đẹp như mộng và có… quá nhiều cừu, kể chuyện nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác bản nhạc “Thu Vàng,” v.v.  Tuy phục anh, nhưng là một đứa cứng đầu tự phụ, thỉnh thoảng tôi cũng cãi lại anh về văn chương chữ nghĩa.  Thường thì tôi thua, không phải vì kém lý lẽ mà vì lối châm biếm khéo léo và sâu sắc của anh.
Trong biến cố Tết Mậu Thân (1968), anh và các bạn Văn khoa trong Tổng hội Sinh viên Sài gòn xung phong ra trận tuyến ở vùng Chợ Lớn, bắc loa kêu gọi cán binh Cộng Sản buông súng, trở về với chính nghĩa quốc gia.  Các cán binh trẻ tuổi này, phần lớn là những chú bé con mười bốn, mười lăm tuổi, đã bị cưỡng buộc phải chiếm cứ và tử thủ trên các cao ốc hay nhà của dân chúng.  Hình như biến cố này đã đưa anh vào con đường hoạt động chính trị, phải không?
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Anh văn, anh được mời tham chính và trở thành phát ngôn viên của chính phủ Việt nam Cộng hòa.  Những cuộc họp báo hàng ngày với báo chí trong và ngoài nước của anh được trực tiếp truyền thanh và truyền hình và thu hút hằng trăm ngàn khán và thính giả, trong số đó có tôi.  Kiến thức rộng rãi và tài ứng đối lưu loát của anh đã khiến các phóng viên ngoại quốc thán phục.  Tôi nhớ, sau khi cái gọi là “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” được thành lập, một phóng viên ngoại quốc hỏi ý kiến anh về “quốc gia” này.  Anh trả lời đại khái là,
Quốc gia là một thực thể pháp lý gồm ba yếu tố:  lãnh thổ, dân chúng, và chính phủ.  Bất cứ một sinh viên trường Luật năm thứ nhất nào cũng biết điều này.  Cái gọi là “Mặt trận Giải phóng Miền Nam” không có lãnh thổ, không có dân chúng, và chính phủ thì chỉ lèo tèo một nhúm người hữu danh vô thực, làm sao gọi là ‘quốc gia’ cho được?

Anh Đức, chú anh, thường nói hai đứa mình có một điểm rất giống nhau:  làm ra nhiều tiền, nhưng không bao giờ có tiền trong túi – vì cái tật tiêu xài hoang phí.  Khi tôi còn ở trọ nhà anh Đức, anh và tôi hay rủ nhau đi thăm Thành Cổ Loa ở Gò Vấp; có lần tôi lỡ miệng nói đùa,
“Nếu tính số tiền chúng mình chi tiêu từ trước đến giờ, cộng lại cũng đủ mua được chiếc xe Toyota.”
Từ đó, mỗi lần gặp nhau (ngoại trừ lần cuối năm ngoái), anh luôn luôn mở lời chào hỏi tôi bằng câu nói,
“Thế nào, cậu tiêu thêm mấy chiếc Toyota rồi?”
Tôi tốt nghiệp trường kỹ sư và đi dạy học.  Có lần khi soạn bài dạy, tôi bỏ ra nhiều thì giờ và xoay xở dịch chữ “frequency discrimination” ra tiếng Việt là “phán biệt tần số” (“a” với dấu sắc), một danh từ thích hợp cho một loại mạch điện có khả năng lựa chọn (phán xét) tần số để đáp ứng.  Tôi vừa ý lắm và hãnh diện khoe với anh; anh không đồng ý,
“Không có chữ ‘phán biệt’ và phải dịch ra là ‘phân biệt’!”  “Phân biệt” với “â” và không có dấu.
Khi tôi đem cuốn tự điển Pháp-Việt dày cộm của Đào duy Anh ra dẫn chứng, anh kết thúc cuộc bàn cãi bằng lời chế giễu,“Cậu phải biết trên đời này có một chuyện đáng tin.  Đó là lỗi typo!”  Thế là tôi cứng họng.
Sau đó, anh được bổ nhiệm sang phục vụ tại Tòa Đại sứ Việt nam tại Anh quốc, và tháng Tư năm 1975 chúng mình mất nước, bỏ xứ ra đi.  Tôi không gặp lại anh cho đến giữa thập niên 1980, trong thời gian anh phục vụ ở đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA) ở Washington, DC.  Không gặp mặt, nhưng tôi vẫn theo dõi tin tức và liên lạc với anh qua Sơn, em anh.  Sơn là chủ nhiệm Tạp chí Lửa Việt, một nguyệt san chống Cộng ấn hành ở Toronto từ năm 1980 đến 1993.  Tôi phụ trách mục “Đố Vui Để Học,” và anh viết bài “Thư Gửi Bạn Ta” dưới bút hiệu Ký giả Bê Tê trong tạp chí này.
Tôi say sưa đọc những bài “Thư Gửi Bạn Ta” dí dỏm, thâm thúy, giúp cho sự hiểu biết, và lôi cuốn người đọc, nhưng không kém phần thâm độc và chua cay khi châm biếm sự ngu dốt, gian ác, lưu manh, và dối trá của bọn Việt Cộng.  Trong ngần ấy năm, có tất cả hai lần tôi tìm ra chỗ sơ hở trong các bài viết của anh để “trả đũa” vụ “lỗi typo” ngày trước.  Lần thứ nhất, anh dịch “White House Chief of Staff” là “Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc”; tôi không chịu, gọi điện thoại bảo là phải nói “Bộ trưởng Phủ Tổng Thống” như chức vụ của ông Nguyễn Đình Thuần dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm mới đúng.  Lần thứ hai, anh dịch “Chairman of the Joint Chiefs of Staff” là “Chủ tịch Bộ Tham mưu Liên Quân”; tôi không đồng ý, bảo phải dịch là “Tổng Tham mưu trưởng Quân lực” như danh xưng của Đại tướng Cao văn Viên.  Anh cười và chấp nhận, có lẽ không muốn tranh luận với tay “xạ thủ súng cối” chuyên cãi cày cãi cối này.
Thời anh làm đài VOA, hàng năm tôi đi công tác ở Washington và tìm gặp anh.  Anh vẫn hóm hỉnh, duyên dáng, hào hoa, và bay bướm như thuở Sài gòn – “nói chuyện hay đến đỗi rắn trong hang cũng phải bò ra mà nghe.”  Anh xem tôi như một người em nhỏ, rộng rãi và độ lượng.  Khi nào anh cũng dành trả tiền ăn, dù tôi phản đối, nói là đi công tác công ty trả tiền ăn ở và tôi cũng làm ra tiền khá… bằng anh.  Đưa tôi ra phi trường về nhà, anh dành xách va-li cho tôi, vì anh thân hình cao lớn hơn.  Anh đưa tôi lên trụ sở đài VOA, hãnh diện giới thiệu tôi với các bạn đồng nghiệp, và chỉ cho tôi xem câu tiếng Việt trên tấm bảng chào mừng khách (bằng nhiều thứ tiếng khác nhau) trong tiền phòng của đài,
“Cậu thấy không, chúng nó dốt không thể tả!”  Đó là câu nói quen thuộc của anh, vì đối với một người chữ nghĩa uyên bác như anh, ai cũng dốt… gần bằng tôi.
Khi biết anh phụ trách mục điểm sách Việt ngữ hàng tuần trên đài VOA dưới bút hiệu Bảo Lâm, tôi viết thư cho giám đốc đài, nhân danh quyền được có tin tức của chính phủ liên bang mà Đạo luật Tự do Tin tức (Freedom of Information Act hay FOIA) cho phép, và xin gửi cho tôi các bài điểm sách đã phát thanh.  Ba tuần sau, bà Giám đốc Truyền thông của đài VOA gọi điện thoại và ra công thuyết phục tôi rút lại lời yêu cầu – vì chuyện ấy (vào cuối thập niên 1980) nhiêu khê quá.
Khi anh nghỉ hưu ở đài VOA và dọn nhà về Orange County, California, tôi không còn có cơ hội theo dõi các hoạt động báo chí, truyền thông, và văn chương của anh.  Nhưng trong những chuyến ghé thăm Calfornia thường xuyên, tôi vẫn tìm gặp anh và thăm hỏi.  Nếu không có dịp đi ăn với nhau một bữa thì anh ghé lại nhà anh Đức thăm tôi.  Một lần, anh đưa tôi về ngôi nhà anh ở lúc đó ở Costa Mesa gần biển có lối đi vào dưới giàn hoa cao và rộng, hai bên trồng trúc xanh làm rào che – biểu hiệu cho tên anh.  Một lần khác, chúng mình đi ăn bún chả Hà nội sau khi anh đi bộ tập thể dục quanh công viên Four Mile Regional Park hình vuông mỗi bề dài một dặm Anh; anh chỉ cho tôi “kỹ thuật” để tự thúc đẩy mình,
Cái khó nhất là đi mile đầu tiên.  Sau đó là gần nửa đường.  Sau mile thứ hai, cậu không còn lựa chọn nào khác, đi tới hay đi về cũng như nhau.  Đến mile thứ ba là gần xong, và mile thứ tư là hoàn tất.
Đến nay, tôi vẫn dùng phương pháp ấy để tự nhủ mình khi đi exercise hàng ngày.  Tiếc thay, anh bắt đầu exercise khá trễ và năm sau không tránh khỏi cuộc giải phẫu tim.  Có một điều tôi đã dấu kín trong đáy lòng từ nhiều năm nay:  Bạn bè phê bình là trong các bài viết cho Lửa Việt ngày trước cũng như các truyện ngắn trong những năm gần đây, tôi có cái lối kết thúc thật nhanh, gọn, bất ngờ, và “ngọt” – sắc như lưỡi dao.  Anh biết tôi học lối viết ấy từ ông thầy nào không?  Không tin, anh đọc lại các bài “Thư Gửi Bạn Ta” thì biết.
Anh tuổi Thân, tuổi con khỉ, cùng tuổi với ông anh lớn của tôi; anh tôi đi lính, chết trận năm 1970, và đã ra đi.  Sơn thường nói đùa, anh như con khỉ ham chơi, leo trèo trên cây, chuyền từ cành này sang cành khác, và không lúc nào chịu ở yên một chỗ.  Giờ đây chúng mình chia tay nhau, xin chúc anh về khu rừng an lạc và tha hồ vui đùa.  Vài năm nữa, khi mình lại gặp nhau, nếu anh không hỏi chuyện “xe Toyota” thì tôi hứa sẽ không cãi vã và sẽ… hiền như ma soeur.
Thân mến,
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 30 tháng Mười Hai, 2016


Bao Giờ Chợ Huyện?

Cuộc đời vô thường, tin buồn đến ngày hôm qua để có bài viết ngày hôm nay. Báo mạng đưa tin anh Bùi Bảo Trúc vừa từ trần tại California (ngày 16 tháng 12).  Thế là anh mất sau anh cả tôi nửa năm, anh Trúc sinh năm 1944 thọ 72 tuổi, anh Hãn tôi lớn hơn anh Trúc  2 tuổi, mất ngày 26 tháng 4 năm 2016 vừa qua, thọ 74 tuổi.
Sự ra đi của hai anh trưởng, đối với tôi, là một khúc quanh có thể tạo khuất mờ thêm trong tình bạn giữa hai giòng họ Bùi và Đinh của quê hương Trình Phố, Thái Bình.

Họ Bùi và họ Đinh quen nhau và thân nhau từ thuở nào, tôi là kẻ sinh sau đẻ muộn, nên không rõ lắm. Nghe chuyện người lớn kể thoang thoảng và còn đọng trong ký ức, lẫn lộn với mùi nhang ngày giỗ, hay thủy tiên ngày tết,  sự giao tình dễ đã có từ mấy trăm năm trước. Có lẽ từ thời nhà Lê Trung Hưng, tổ phụ hai họ, nhờ có chút ít công lao kháng Minh, đã được nhà vua cấp đất để khai khẩn.  Nhờ vậy, một số giòng họ Việt cổ (Mường), sinh sống  gần vùng Cẩm Thủy Thanh Hóa cùng thân tộc, đã  đến lập nghiệp tại nhiều nơi trên đất Bắc, trong đó có một vùng sát biển của tỉnh Thái Bình, vùng ấy lúc đó còn có tên là Diêm Phả, sau nhiều năm đổi là Trình Phả vì đất đã lấn biển khá lâu không còn ruộng muối (diêm điền). Thời nhà Nguyễn rồi qua thời Pháp thuộc, với sinh hoạt sầm uất lên, làng lại được đổi tên thành Trình Phố, và nay tên mới dưới thời cộng sản là làng An Ninh.

Bác Bùi Văn Bảo, thân phụ anh Trúc và cha tôi là bạn “nối khố” với nhau, có lẽ từ thời cả hai vừa biết nói. Tương kính như tân mà vẫn đằm thắm thân tình. Tình bạn vượt qua bao thăng trầm thời sự, mấy lần dâu biển, để ngay cả khi đã luống tuổi gặp lại nhau bên Mỹ, lúc thân mật, hai người cũng vẫn còn nắm tay, xưng nhau là “cậu tớ".

Nhà bác Bảo thuở bé nghe kể phải gọi là hàn vi, trẻ nhỏ vào trời lạnh nhiều lúc phải rúc vào ổ rơm cho đủ ấm. Nhưng bác rất chăm học và hiếu thảo. Bác là dòng cháu gọi cụ Bùi Viện bằng ông (?), tức bác thuộc khoảng đời thứ 10 của họ Bùi Trình Phố.

Chuyện thâm cung bí sử lọt ra ngoài phong phanh cho biết, cụ Bùi Viện vì 
bị đám quan lại thủ cựu thời Tự Đức, xàm tấu rằng cụ đã “mạo phạm tội khi quân” chưa có lệnh vua mà đã dám tự ý qua Mỹ, “giả dạng chiếu thư” cầu viện Mỹ đánh Pháp. Nên dù có công, nhưng bị triều đình mật xử trọng tội, phải uống thuốc độc tự tử. Chẳng hiểu vua Tự Đức đóng vai trò gì trong vụ này, sử chỉ chép rằng nhà vua đã có lời phê: “Trẫm đối với ngươi chưa có ân nghĩa gì, mà ngươi đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi lo lắng, quỷ thần ắt cũng chứng cho”. (Hàm ý tự quyết định làm chuyện nước?)

Có lẽ vì “bị triều đình mật xử” nên dù vẫn theo đuổi nghiệp nhà, dòng cụ Bùi Viện qua đến thời bác Bảo không còn đi thi để làm quan nữa, mấy đời theo nho học ruộng đất không có, nên con cháu phải chịu sống nghèo. Sống nghèo dưới cái đình đã được dựng kèo bằng gỗ quí mà cụ Bùi Viện đã tặng cho làng từ rừng cao đem về.

Sau khi triều đình Huế, dưới áp lực của Pháp, phải bỏ chế độ khoa cử và lối học tiếng Hán, bác Bảo lại có dịp trở lại nghiệp quan trường. Bác và cha tôi cùng lên Hà Nội theo học trường Bưởi. Nhưng bác chỉ học qua brevet (bằng trung học), sau đó vào trường sư phạm rồi khi ra trường được cử lên Thái Nguyên Phú Thọ dạy học. Trong lúc đó cha tôi vẫn ở lại học hết bậc trung học rồi ghi danh học đại học y khoa nhưng bỏ dở, về quê Thái Bình mở trường tư thục Bùi Viện (Trần Lãm).

Vào năm 1946, bác Bảo về Trình Phố làm hiệu trưởng trường tiẻu học công lập cho đến năm 1952; bác cũng nhận lời cha tôi để dậy thêm Việt Văn và Pháp Văn cho trường Bùi Viện.


Đó là chuyện xưa tích cũ, tôi chỉ nghe hay đọc đâu đó, góp nhặt để tìm hiểu thêm. Nhưng điều gây ảnh hưởng trên cuộc đời tôi và để lại nhiều ấn tượng nhất là tờ báo Tuổi Xanh mà bác Bùi Văn Bảo đã khai sinh và điều hành vào vài năm cuối thời đệ nhất cộng hòa tại miền Nam. Cha tôi cũng đóng góp cho tờ báo dưới tên giáo sư Vi Lô, chuyên về việc dạy toán qua thơ, hay đố vui ông nghĩ ra, theo cách giáo sư Hoàng Xuân Hãn, chẳng hạn 4 câu thơ sau:

Một đàn thiếu nữ hái hoa hồng
Mỗi cô hai đóa hai cô không
Mỗi cô một đóa thừa hai đóa
Bó hồng mấy đóa biết hay không?

Những năm đó, tức chỉ sau chưa tới 7-8 năm di cư vào Nam, bác Bảo đã gây được một sự nghiệp khá giả, và nếu tôi nhớ không lầm, bác đã lập được nhà xuất bản Nhật Tảo cũng như đã sắm được một chiếc xe ô tô, có lẽ một phần nhờ bởi việc người Mỹ có giúp VN xuất bản một số sách giáo dục nhi đồng.   Trong lúc đó, sinh kế gia đình tôi coi như cũng tạm hồi phục, sau khi đã mất gần như sạch nhẵn mọi đất đai của cải ngoài Bắc.

Sau khi tờ Tuổi Xanh được cho ra đời một vài năm, anh Trúc được bác Bảo gửi đến học toán tại nhà tôi. Anh Trúc lúc đó khoảng 15-16 tuổi gì đó, có hai đặc điểm mà tôi còn nhớ, là anh cận rất nặng, và nói lắp cũng nhiều.

Nhà tôi lúc đó ở trong một căn hẻm đường Yên Đổ, cạnh hiên có giàn hoa giấy đỏ, anh Trúc cùng anh cả và anh hai tôi và mấy cô em họ cùng lớp, lợi dụng lúc cha tôi chưa về tới,  chơi bắn súng nước inh ỏi như con nít dưới giàn hoa đó.

Có lẽ nhờ vào nguồn gốc là cháu “người đại sứ” đầu tiên Việt Nam tại Mỹ, anh Trúc có khả năng nói và viết tiếng Anh lưu loát. Sau khi đỗ tú tài hai, anh Trúc được học bổng Colombo đi du học tại Tân Tây Lan, cho đến năm 
1967 thì về lại nước.

Vào giai đoạn đó, anh Trúc không đến thăm nhà tôi nữa, dù có thời anh đã là bạn học Chu Văn An với anh thứ hai của tôi, lúc này đã nhập ngũ. Thỉnh thoảng tôi cũng gặp anh tại đầu ngõ nhà mới dọn về ở hẻm 220 đường Trương Minh Giảng, nhưng cũng chẳng kịp chào hỏi gì nhau. Tôi không nghĩ là anh còn nhớ tôi. Lúc đó có thể anh đến nhà ông Phạm Kế Viêm hay Dương Phục gì đó.  Lúc này anh chạy chiếc xe vespa (hay lambretta?), hay mặc áo trắng ngắn tay kiểu Mỹ, có lúc thắt cravate loại nhỏ mặt, không còn đeo kính cận dầy như cái đáy chai thủy tinh nữa. Đặc biệt nhất là tôi được người quen cho biết rằng anh đã chữa được tật nói lắp, lại giữ chức vụ khá quan trọng trong ngành truyền thông hay ngoại giao.

Cho đến lúc tôi qua Nhật, tình cờ ở chung phòng với anh Sơn, em kế của anh Trúc. Nhưng tôi và anh Sơn ít trao đổi thông tin về bác Bảo và anh Trúc, chỉ biết qua báo chí trong nước là anh Trúc có vẻ thân với Hoàng Đức Nhã, cháu ông Thiệu, và được cử làm phát ngôn viên chính thức của phủ tổng thống, cho đến khoảng cuối năm 1974, được chuyển qua làm việc tại Luân Đôn.

Vào những ngày tháng cuối của miền Nam, một số tin tức cho biết anh Trúc đã đào nhiệm và qua Canada di trú. Tai đây đã có anh Th. là em anh Sơn du học qua trước đó nhiều năm.

Có lẽ nhờ vào đó mà anh Sơn và sau đó đại gia đình bác Bảo sau khi vượt biển cũng đến Canada định cư.

Sự định cư và hội nhập của người Việt trong giai đoạn đầu rất mạnh mẽ và lạc quan. Tôi theo dõi những hoạt động của bác Bùi Văn Bảo và các ôngĐinh Thạch Bích, Đào Hữu Dương… trong công việc bảo tồn văn hóa, và tinh thần tự do không cộng sản trong các cộng đồng tại Bắc Mỹ. Bốn câu thơ vào lúc đó được phổ biến mạnh là:

Khắp nẻo non sông bừng khói lửa
Ai người yêu nước động lòng chưa? (Phan Bội Châu)



Chỉ sợ đàn con quên Việt ngữ
Đừng lo lũ trẻ kém Anh văn. (Bùi Văn Bảo)

Bác Bảo còn nhờ họa sỹ vẽ và cho xuất bản bộ sử Việt bằng tranh, cũng như bảo tồn nhiều băng thơ nhạc Việt Ngữ, vì trong nước vào giai đoạn gọi là “trước đổi mới”, người cộng sản đã phát động chiến dịch đốt sách, hủy diệt văn hóa mà họ cho là “phản động” hay “đồi trụy”, trên thực tế là muốn Mác Xít hóa toàn bộ văn hóa Việt Nam.

Trong lúc đó anh Trúc cũng dời qua Washington DC làm việc trong Ban Việt ngữ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) cho mãi đến năm 2002, mới rời đài VOA về sống tại Nam California, tiếp tục làm việc tại đài Little Saigon Radio, tuần báo Viet Tide đồng thời là gương mặt quen thuộc trên đài Hồn Việt TV. Trong lãnh vực văn học, anh Trúc giữ mục “Thư Gửi Bạn Ta” cho báo Người Việt và để lại nhiều ưa thích trong lòng độc giả, qua giọng văn “đặc Bắc Kỳ Chu Văn An” dí dỏm nhiều tình cảm.

Vào năm 1998, ở Úc, tôi nhận được một lá thư của cha tôi từ Mỹ báo tin “bác Bảo đã mất”, tôi đọc được trong mấy chữ ngắn ngủi đó, biết bao là xót xa, thương cảm và mất mát. Tôi đã nhớ đến khuôn mặt rạng rỡ của 
cha tôi và của bác Bảo mỗi lúc họ gặp nhau, nhớ đến bộ áo màu nhạt 4 túi mà giai đoạn sung túc bác hay mặc vào dịp tết, nhớ đến hình ảnh “chợ huyện Trình Phố tại thôn trung”, vẽ qua hồi ức của cha tôi khi kể về tình bạn hai người, nhớ về những câu thơ mà nhà thơ Nguyễn Khuyến đã khóc bạn Dương Khuê của mình:

Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai đường lệ rơi

Sáu năm sau cha tôi từ trần tại quận Cam vào ngày 24 tháng 5 năm 2004.

Trong suốt gần 3 ngày canh quan tài tại nhà quàn, chờ thân bằng quyến thuộc cùng bạn bè, đồng nghiệp và học trò mọi nơi, đến thắp nén nhang chào từ giã lần cuối cha tôi, điều làm tôi cảm động vô cùng là sự có mặt của anh Trúc.

Mặc dù anh bận nhiều việc, nhưng trong cả ba ngày, bắt đầu từ khoảng 9-10 giờ sáng anh đều đến ngồi ngay hàng ghế thứ nhì để cùng dự lễ với gia đình chúng tôi.  Anh tới như một người học trò cũ, như người con một người bạn thân giữ lễ cho gia đình, như một kẻ sĩ trọng luân thường đạo lý, như một người cùng làng cùng gốc, hay một người trưởng họ tôn trọng nếp cũ…, tôi không rõ.

Anh ngồi im lặng ngoại trừ khi phải tiếp chuyện với một số người trong gia đình tôi đến hỏi thăm. Đó cũng là lý do tôi đã không đến trò chuyện lâu cùng anh.

Trên chuyến máy bay dài thênh thang về lại Úc, tôi nghĩ rằng “anh đến và 
 
ngồi như chứng tích cho tình bạn lâu bền của hai giòng họ Bùi và Đinh Trình Phố”

Anh đã mất, nhưng mong rằng chứng tích đó đừng nhạt phai.

Bao giờ chợ Huyện lại vui
Cho bao quá khứ bùi ngùi qua đi

Phạm Thế Định
(19 Dec. 2016)


Chú thích:

(Học sinh đã học đại số, chỉ cần dùng cách hai phương trình hai ẩn số, chọn x là số thiếu nữ, y là số hoa, rồi cân bằng phương trình, là có thể tìm ra số hoa là 8 và có 6 cô tất cả).

Bạn tôi, Bùi Bảo Trúc.
December 24, 2016



Du Tử Lê,
Tôi không biết, có phải cú điện thoại của Trần Duy Đức, đêm qua, đã hất tôi trở lại nguy cơ mất ngủ? Đó là lúc 10 giờ tối. Tôi mới “text” cho Topaz Trần biết rằng, muốn viếng thăm nhà báo Bùi Bảo Trúc, Topaz sẽ phải đợi đến Thứ Sáu tuần tới, phòng số # 5, từ 11AM tới 5PM, nhà quàn Feek Famiy. Tôi dợm bước khỏi bàn làm việc thì có Tel. của Đức.
Đức báo tin tình trạng tuyệt vọng của bạn chúng tôi, chị T. Mai. “Đã phải thở bằng máy trợ thở. Bác sĩ cho biết, chỉ còn trông vào phép lạ…”
Tôi nói với Đức, tới nước này thì chúng ta bất lực. Chỉ mỗi điều làm được là, hiệp lời cầu nguyện cho chị T. Mai mà thôi.”
Tắt máy. Thay vì đi nằm (dù ngủ được hay không) như thói quen tôi đã có được từ hơn một tuần qua, kể từ ngày bị nhận chìm cùng một lúc, bởi hai căn bệnh tồi tệ: Cúm và, ngộ độc thực phẩm – – Thì, tôi lại ngồi trơ trước màn ảnh computer – Như thể muốn tìm kiếm một điều gì mà chiếc máy không muốn cho tôi biết!?!
Tôi ngồi như thế tới hơn một giờ khuya.
Sớm mai, tôi kể chuyện T. nghe về cú điện thoại của Đức và, tin nhắn của Topaz. T. hốt hoảng hỏi, làm sao có được tên nhà thương để đi thăm chị T. Mai? Tôi hứa.
Khi ra xe để T. chở tới hiên café TB. Đoạn đường ngắn. Bầu trời mù. Những đám mây mẩy, mọng hơi nước, thả “âm khí” xuống ngang tầm mấy vòm cây phong thấp, đổi màu. T. nói, rồi đây, anh em văn nghệ của tôi, như những chiếc lá vàng, rơi, rụng dần! Trong khi lá xanh chưa kịp mọc! Tôi nói, đúng vậy. Số còn lại, đếm được trên đầu ngón tay!…
T. im lặng, đưa tôi một tờ A 4, gấp đôi. Đánh máy. Đã ngả mầu. Ít chữ thôi. Xuống dòng nhiều. Có thơ nữa:Bạn tôi, Bùi Bảo Trúc.
“Annandale ngày 25 tháng 4 năm 1994.
“Bạn ta,
“Đây là 100.00 của cậu Toàn và 100.00 của cậu Trúc gửi cậu Lê cà phê, thuốc lá, trà Tầu, tắm hơi.
“Vật giá bất thường, cậu khéo… co cho ấm. Thích cái này thì chịu khó bỏ cái kia.
“Thích tất cả thì chỉ có chó nó mới lo được cho cậu.

Thơ rằng:
Một trăm một quả tắm hơi
Tắm xong, thấy “phẻ”, thảnh thơi về nhà
Về nhà thèm một ấm trà
Tiền trót tắm hết, ngồi nhà “tru keo”…

“Chúc cậu gặp lành bất kể cậu… ăn ở thế nào đi chăng nữa. Gặp cậu sau ở Canada vậy.
BBT.”Thư bạn tôi viết cách đây trên 20 năm…
Đó là một trong rất nhiều mẩu giấy bạn tôi gửi cho tôi mà, T. còn giữ được!
Tôi điếng, lặng trong bất ngờ sống lại giữa khe hở hẹp của cảm nhận đã có một cuộc “đoạn bào” tức tưởi, giữa chúng tôi!!!
T. kể ngày 16 tháng 12 mới đây, khi T. báo cho Orchid biết “Bố Trúc” không còn nữa, Orchid đã bật khóc nức nở…
Tôi biết, sau bác Mai Thảo thì, Bố Trúc là người gần gũi nhất với Orchid. Mỗi khi có dịp, Orchid đều không quên mua bánh đậu xanh, gửi Bố Trúc…
Đó là thời kỳ tình bạn đặc biệt của chúng tôi chưa bị “khai tử” thình lình, vì những trớ trêu của định mệnh. Tôi không than phiền, không oán giận gì về đổi thay này, kể từ đầu thập niên 2000, khi bạn tôi từ Virginia, chính thức dời về Cali. Tôi chỉ tiếc, tiếc cho sự ngắn ngủi của một tình bạn, tôi nghĩ, tôi may mắn có được.
Khi T. thả tôi xuống hiên Café TB, buổi sáng vẫn mù. Những đám mây mẩy, mọng hơi nước, thả nhiều “âm khí” xuống ngang mấy vòm cây phong thấp, đổi màu. Tôi im lặng, ngồi nán trong xe. Trời chưa mưa.
Nhiều phút sau, khi ĐP. Phong tới, tôi kể Phong nghe vắn tắt nội dung cuộc điện đàm đêm trước của TD. Đức. Phong lắc đầu. Không biết Phong nghĩ gì? Lát sau, Phong hỏi tôi tin tức về tang lễ Bùi Bảo Trúc…
Đó là lúc mưa sáng, bắt đầu. Mỗi lúc hạt nước một mẩy, mọng hơn và, gió cũng buốt hơn – – Như muốn xua đuổi chúng tôi khỏi hàng hiên lặng. Vắng.
Nhớ lại, tôi nghĩ, có dễ không có một giao tình nào mà, người ta có thể vượt qua vạch phấn cấm kỵ! Đó là sự kiện bất cứ lúc nào, ở đâu, trên trang báo, nơi công cộng, một người bạn dù tâm giao, có thể đem văn chương của bạn ra “giễu nhại” một cách thoải mái, thích thú như người bạn họ Bùi đã dành cho tôi, nhiều năm, quá khứ.
Tỷ như đầu năm 1996, tôi cho in tập thơ “Sông núi người thơm nỗi nhớ nhà”; trong đó có bài “Em khoan thai trả áo quần lại tôi”, viết hồi tháng 7- 1994, những ngày tôi có mặt thường xuyên ở Montreal, khi T. mới từ VN sang.
Bài thơ có hai câu:
“Mùi hương? Mùi? Hương nhang? Trầm
Em khoan thai trả áo quần lại tôi.”

“Mùi hương” ở đây, mang tính hoán dụ / metonymy.
Tôi muốn nói, với tôi, tình yêu nào cũng mang lại cho những người yêu nhau, nhiều hương thơm. Kể cả hương thơm có tính tôn giáo, như mùi nhang hay, dân gian, như mùi trầm. Hương thơm tình yêu, theo tôi, làm thành một thứ y phục riêng. Nó có khả năng đưa người được yêu, lên những tầng cao “hư ảo” khác… Tuy nhiên, một khi tình yêu không còn nữa, mọi mùi hương sẽ biến mất. Người được “nâng, niu” trong tình yêu, bị ném trả trở lại mặt đất. Tuy nhiên, tôi không thể nói, kẻ thụ hưởng hương thơm tình yêu kia, trở thành trần truồng, trơ trẽn… vì nó thiếu thi-tính! Nên từ ý niệm một thứ y phục khác, tôi viết “em khoan thai trả áo quần lại ta”.
Ngay khi “chộp” được câu này, bạn tôi với máu tiếu lâm dồi dào, phong khú, đã ra Phở Xe Lửa của ông Toàn-Bò, oang oang nói rằng, tôi mới có hai câu thơ cực kỳ… hậu hiện đại:
“Sức anh chỉ có một lần
Em khoan thai trả áo quần lại tôi!”Thời gian đó, tôi còn “tỵ nạn tình cảm” ở Virginia. Những ai không đọc bài thơ hoặc tập thơ, đều tin rằng đó là thơ của tôi. Người thì cười thích thú. Kẻ lắc đầu… ngao ngán!!!

Được hưởng ứng mạnh mẽ, bạn tôi thêm hào hứng mang 2 câu thơ đã sửa của tôi, đi “rao giảng” khắp nơi.
Một người bạn thân chung của chúng tôi, mà bạn tôi nhắc đến trong thư ngắn ở trên là “Cậu Toàn” có lần hỏi tôi:
“Sao tao không thấy mày đính chính?”
Tôi nói, đâu cần. Miễn bạn mình vui là được. Thêm nữa, đó chỉ là một trong hàng chục “nỗ lực xuyên tạc thơ tôi” một cách thương yêu của bạn, dành cho tôi…
Bẵng đi một thời gian rất dài, dù “định mệnh đời riêng” hay, “biến cố đời thường” trong tình trường quá nhiều “sôi động” của bạn, liên quan tới tôi, qua đi rất nhanh…, chúng tôi vẫn không thể “khâu lại” cái vạt áo tình thân riêng mà bạn tôi đã xuống tay cắt đứt… Mãi tới cuối tháng 5 – 2016, trong đêm nhạc “Thầy tôi” của nhạc sĩ Hoàng Công Luận, khi bạn tôi được mời phát biểu, bạn tôi đã bất ngờ đọc lại 2 câu thơ “tự chế” kể trên, cho mọi người nghe.
Tiếc thay, khi ấy, tôi đã ra ngoài hút thuốc. Tôi không biết phản ứng của khán giả… Nhưng sau đó, T. và Orchid không che dấu niềm vui. Họ cho rằng, đó là dấu hiệu “tan băng” của tình bạn hiếm hoi giữa chúng tôi. Sau này, T. kể, trước khi ra về, T. và Orchid đã chận bạn tôi lại, nói lời “cảm ơn anh Trúc”. Tôi không nghĩ bạn tôi bị bất ngờ trước lời cảm ơn, không chờ đợi này.
Cũng như tôi không chờ đợi điện thoại từ bạn tôi… Khi đầu năm 2015, xót bạn bị “ném đá” tơi tả trên không gian…ảo, tôi đã viết một bài khá dài về bạn tôi: Bùi Bảo Trúc, nhà văn. Viết xong, tôi đưa T. đọc. T. post ngay lên trang nhà (tháng 2-2015).Hôm nay, ráp nối hai diễn biến không báo trước, tôi chợt nhớ một trong những nhận định của đạo Phật mà tôi cho là cực kỳ uyên áo. Đó là quan niệm “Ngọn lửa tắt: Không mất”. “Thanh âm tan: không mất.” Huống chi tình bạn, tấm lòng tử tế với nhau…
.
ĐP.Phong chở tôi về nơi ở mới của chúng tôi, đường Catherine, Garden Grove, lúc 12:30PM. Dù P. thả tôi xuống ngay bậc thềm, nhưng gió và mưa lớn bẻ gập tôi xuống. Vào nhà, cảm giác đầu tiên của tôi là nghe mình muốn trở lại cơn sốt mới tạm lui chân vài ngày trước. Thả mình xuống giường, dù khó thở, tôi co rúm trong giấc ngủ li bì. Lạnh.

Trong giấc ngủ phập phều, tôi trôi qua nhiều giấc mơ ngắn. Một trong những giấc mơ gập ghềnh ấy, tôi thấy bạn tôi ngồi cạnh tôi (như ngày nào). Vẫn phong cách, thói quen có từ nhiều chục năm trước, bạn tôi cho tôi một loạt câu hỏi, trong tình thân, cũ:
“Cậu Lê hồi này ra sao? Có còn ra thăm anh Cảnh?”

“Con Orchid dạy học nhiều giờ như vậy, thì ai lo cho hai đứa con của nó?”
“Cậu có còn thường đi Virgina, khu Falls Church? Có gặp lại mấy con đ…chó của cậu?”
(…)

Tôi nhớ, tôi định nói với bạn tôi rằng, tôi mới đọc lại bài thơ “Trở về căn nhà cũ ở Saigon”… Nhưng bạn tôi đã khoát tay, bảo:
“Thôi! Tớ có việc, tớ phải đi đây. Hẹn gặp lại cậu dịp khác.”

Rồi, bạn tôi quay lưng đi ngay!
.

Tôi tỉnh dậy giữa căn phòng vắng. lặng. Trời tối xầm. Như đã rất khuya. Gió vẫn mang tiếng sóng biển ì uồm đuổi nhau trên mái. Mưa lớn?
Tôi nhoài người tìm chiếc cell phone. Đồng hồ chỉ 4:15. Màn hình hiện ra hai tin nhắn. Một của Ngụy Vũ ở Virginia. Một của Vũ Thành An ởPortland, Oregon. An trả lời thư Trần Duy Đức, báo cho An và tôi biết về cái chết của chị Tuyết Mai. Tôi tựa vách tường, viết lại cho An mấy chữ. Nhân tiện nhắc Bùi Bảo Trúc. Tôi tin An không ngạc nhiên.
Nhiều chục năm trước, khi chập chững bước chân vào sân trường CVA, Saigon, cả ba chúng tôi được sắp chung vào Đệ thất B1. Năm, sau, ba chúng tôi lại cùng được chuyển qua Đệ lục B4. Đúng như tôi nghĩ, ít giờ sau, An viết lại cho tôi, nói, An đã cầu nguyện không chỉ cho chị Mai mà, cho cả Bùi Bảo Trúc nữa.
Bốn rưỡi, tôi ngồi vào bàn computer. Mở trang nhà. Đọc lại bài thơ “Trở về căn nhà cũ ở Saigon” của bạn; đúng lúc Nguyễn Vũ Nhã ở San Jose gọi. Tôi đoán Nhã muốn nói với tôi về sự không còn nữa chị Tuyết Mai hay Bùi Bảo Trúc. Hoặc cả hai? Tôi những muốn đọc cho Nhã nghe vài đoạn của bài thơ duy nhất (?) bạn tôi đề “gửi các con”. Nhưng khi Nhã thấy tôi thở khó khăn vì những cơn nấc liên tục… Nhã nói:
“Thôi anh nghỉ đi. Lúc khác, em gọi lại…”
Dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, cả bạn tôi và Nguyễn Vũ Nhã đều không muốn nghe tôi đọc thơ bạn; tôi vẫn đọc thầm, bài thơ “gửi các con” của bạn:
“Hỡi căn nhà của ta thời tuổi trẻ
Của những chiều mưa buồn gõ xuống mái tôn
Những buổi sáng nắng lùa qua khe cửa
Vẫn theo ta những đêm tuyết mịt mùng
“Hãy ngỏ cửa, đêm nay ta trở lại
Cánh cửa ơi có còn nhớ nhau không?
Chiếc chìa khóa năm xưa ta làm gẫy
Mấy chục năm trời trên cổ vẫn tòn ten”
 Đọc lại thơ bạn, với mưa đem theo tiếng sóng biển ì uồm trên mái, tôi không chỉ thấy thương bạn, thương mình mà, thương cả những người còn sống hay đã chết!!! Người nào thì “trên cổ (cũng) vẫn tòn ten chiếc chìa khóa (một thời đã) gẫy!” Như “mặc niệm” một tình bạn. “Mặc niệm” chính mình!
.
Cậu Trúc,
Tôi thực sự không muốn mình sa đà thêm trong bài viết này. Trước ra khỏi, tôi muốn mượn chính lời nói của cậu, dành cho tôi, cách đây hơn hai mươi năm rằng:

“Dù bây giờ cậu đã ở cõi khác. Nhưng tớ vẫn muốn nhắc cậu đừng tiếp tục hoang đoàng nữa… Vì hoang đoàng như cậu “thì chỉ có chó nó mới lo được cho cậu” mà thôi!!!
Cách gì, cậu Trúc, Thứ Sáu tới đây, cả bà T., Orchid, và tớ cũng sẽ đi… “thăm” cậu; trước khi tớ sẽ gặp lại cậu, như ngày nào hẹn nhau ở Canada… cậu còn nhớ chứ?
Du Tử Lê
(Garden Grove, Dec. 21-2016


Bạn Ta,
December 24, 2016

thụyviCách đây mấy tuần, nghe T. nói ông đang đau, thì cũng tưởng không có gì, mặc dù Thư Gửi Bạn Ta thưa dần….Cho đến khi lại được tin ông… đi rồi!
Đúng là nghe xong, ngẩn ngơ, cố không tin, nhưng rồi buồn ngất ngư…
Bây giờ, có lẽ, ông về lại khu ngã sáu rồi, không còn phải mắc công tưởng tượng như bài thơ ông viết như rút ruột vì nổi nhớ nhà…
“ Tưởng tượng mai về khu Ngã Sáu
Chiều ra đầu ngõ đứng trông xe
Có người quen hỏi : “Lâu không gặp?”
Đáp khẽ: “Đi xa mới trở về.”
Cũng hệt như Hồi Hương Ngẫu Thư (*)
Tóc xanh giờ đã bạc như tơ
Tiếng quê nghe vẫn đầy âm cũ
Mà cũng lạ tai câu trẻ thơ
Ô hay, tiền bối Hạ Tri Chương
Tiền bối xa quê thuở Thịnh Đường
Sao thơ hệt chuyện bây giờ nhỉ
Thuở ấy mà sao cũng não lòng
Tôi cũng như ông, đời biệt xứ
Trẻ ra đi, già vẫn tha hương
Mấy chục năm buồn trên xứ lạ
Tôi đọc thơ ông nát cả hồn.”
(BBT)
Sáng nay, nhận được “ Thông báo Lễ viếng “ do những người bạn hiểu tính cách của ông viết ra, đang buồn, tôi, bỗng mĩm cười..
Hãy như cuộc rong chơi, khỉ mốc gì mà Cáo Phó rồi kèm theo một dọc tên lại một dọc nghề nghiệp của thân bằng quyến thuộc cho đời biết mặt ông nhỉ!
Rồi, chúng ta sẽ gặp lại nhau thôi.
Michigan 20 tháng 12 năm 2016

Bác Trúc mất rồi con ơi!

Sáng Thứ Bảy, tôi nhờ Bà Ngoại giữ 2 đứa nhỏ, lái xe ra pharmacy. Tôi chỉ vội khoác lên người áo ấm, không sửa soạn vì nghĩ mình về ngay. Bỗng chuông điện thoại reng, Bà ngoại 2 đứa nhỏ gọi. Tôi hơi hoang mang, vì nếu chuyện không quan trọng, bà ngoại sẽ không gọi vì biết tôi chỉ ra đường cao lắm là 10 phút. Tiếng Bà Ngoại trầm đục:
“Con ơi, hình như Bác Trúc mất”.
Tôi tắt phone, không nói gì cả. Tiếng gió của những ngày cuối năm, như cắt da thịt. Tai tôi lùng bùng. Tôi ngừng xe, nghe hơi thở mình đứt đoạn. Tôi text chị HB, chị Ysa, anh HN để mong rằng chữ “hình như” trong câu nói của Mẹ tôi đúng nghĩa của nó, “hình như”.
Tôi không về nhà, lái xe ngang ngôi nhà cũ. Nơi Bác vẫn thường ghé mỗi lần từ DC về Cali. Ngôi nhà xưa, có con chuồn chuồn đỏ mà Bác yêu thích. Bác nói: nhờ đến đây Bác mới thấy lại con chuồn chuồn đỏ. Nơi tràn ngập tiếng cười của Bố mỗi lần bị Bác trêu ghẹo. Nơi Bác cho Xùxù ăn mắm nêm đến nỗi Xù té xuống hồ cá vì khát nước. Nơi Bác cứ càu nhàu với Mẹ. “Bà làm gì làm hoài vậy!”
Ở căn xưa, Bác luôn cho tôi tiền thời trung học. Bác nói: “Bác gởi tiền để mua bánh đậu xanh cho Bác.” Nhưng khi nào Bác cũng cho con Orchid ăn lời.
Tôi về lại căn nhà xưa, biết đâu tôi sẽ thấy Bác đi vào, rút ra trong túi $100, dúi vào tay tôi và nói như cách Bác vẫn thường: “Đứa nào dám nói Ông chết?”
Căn nhà xưa đã có chủ mới. Con chuồn chuồn lâu lắm không trở lại. Em Xùxù cũng đã đi xa thật xa…
Tôi về nhà. Mẹ nói: “đúng là Bác mất rồi con ơi” nói xong, Mẹ tôi đi ngay. Hai Mẹ con không nói với nhau lời nào, vì cả hai, đều chưa chuẩn bị cho tin Bác mất. Những ngày sau đó, không ai nói với nhau, nhưng tôi hiểu cả Bố Mẹ và tôi, đặt từng vị trí trong quá khứ, mỗi người đã sống lại những ngày, thật đầm ấm, với Bác.Tôi nhớ lại, từ khi tôi là 1 con bé cho đến ngày trưởng thành, mọi biến cố trong đời sống đều có Bác. Vậy mà hôm nay, một biến cố kinh hoàng đã xảy ra, lại không còn Bác nữa.
Orchid Lâm Quỳnh

Bài viết của Bùi Mỹ Trang: Anh Trúc đã ra đi

 Tôi không biết phải bắt đầu ra sao khi ngồi viết những dòng này dù đã trễ ! Tôi biết anh sắp khởi hành một chuyến rất xa nhưng vẫn còn hy vọng gặp anh .
Kỷ niệm sâu lắng về anh thì không nhiều lắm vì anh cách xa tuổi tôi và bao giờ mình cũng bị coi như con nít ăn chưa no lo chưa tới .Mà hình như anh chỉ chọc ghẹo tôi bằng những cái bẹo má , véo tai .
Tôi nhớ ngày anh còn học bên NZ có gửi cho tôi một cái bút màu xám kim loại rất đẹp . Tôi đã nâng niu ngắm nghía , mang đến lớp lấy le với bạn bè để rồi bị bạn nào cầm nhầm mất ngay hôm ấy ! Tôi đã buồn rất nhiều nhưng lại không dám viết thư kể lể than thở sợ bị bố mẹ mắng thêm vì  tội không cẩn thận ..Anh đã cho tôi biết về ban nhạc The Beatles qua những poster và đĩa nhạc từ phương xa gửi về ! Bản Yesterday hôm nào vẫn như in trong trí nhớ dù đã hơn 50 năm và có lẽ sẽ còn mãi trong tôi .Anh cũng hay nghêu ngao bài Tiễn Em và Em đến thăm anh một chiều mưa làm tôi thuộc làu cả lời bài hát .
Hồi đó mấy rạp xi nê hay phát những tờ quảng cáo phim nên các anh chị tôi hay mang về đóng thành tập  và những đứa con nít cỡ tôi chỉ mong sao mau  lớn để được đi theo .Nào là Audrey Hepburn ,Greory Peck, Pat Boone,Doris Day  ,Marilyn Monroe sao mà đẹp sang trọng quý phái đến thế ..
Khi tôi bắt đầu lớn một chút thì anh lập gđ . Tiệc cưới của anh được tổ chức ở tửu lầu Đồng Khánh cho gia đình và ở Hội Kỵ Mã cho bạn bè . Chỉ nhớ đó là lần đầu được  gặp tất cả bạn của anh mà nhiều năm sau mới được biết họ trở thành văn nhân thi nhạc sĩ như các anh Đinh N Mô , Ng NgọcThạch , Du T Lê , Từ Công Phụng, Từ Dung ...
Tuy nhiên cuộc hôn nhân của anh không hạnh phúc vì anh chỉ thích bay nhảy tự do không muốn ràng buộc . Anh đi dạy ở hội Việt Mỹ nên được nhiều học trò nữ ái mộ . Họ viết thư nhét vào cửa xe con cóc của anh ...Và bố mẹ tôi cũng rất khổ với những ghen tuông giận hờn của gđ anh .Với mẹ tôi, bao giờ anh cũng là nhất ! Mà anh biết cách chiều Cụ , thể hiện tình cảm mà tôi rất muốn bắt chước . Anh ôm vai Mẹ , bóp chân và luôn miệng khen Mẹ luôn đẹp như xưa  ! Mà người già chỉ cần thế thôi ..
Anh có một trí nhớ rất tốt . Hồi giỗ đầu Ba tôi, các anh chị em họp về Toronto , anh đã nói một bài tường trình của tất cả gđ các chị em trong một năm ba tôi vắng mặt mà không thiếu một chi tiết nào .Cuộc sống của anh càng ngày càng giống các văn nghệ sĩ . Chuyện đời, chuyện thiên hạ cứ rối tung lên trên báo chí ..
Những năm anh chuyển về sống ở Little Saigon thì chúng tôi mới được nhiều dịp gặp nhau . Anh hay gọi cho tôi hỏi thăm chuyện các cháu , an ủi tôi về thằng con lớn ngang bướng và khích lệ tôi với thằng bé sau. Ngày lễ của Mẹ anh cũng gọi cho tôi sớm hơn các con chả phải vì tôi là người giống Mẹ nhất hay chăng ?Tình cảm anh em thân thiết hơn vì gần như năm nào tôi cũng ghé L.A..
Mấy anh chị em lại gặp nhau ở quán ăn hay nơi trình diễn ca nhạc . Hỏi thăm nhau sức khỏe rồi lại hẹn nhau lần sau .Nghe anh dặn  chỉ nên già thêm thôi nhé ! Lần cuối tôi gặp anh sau chuyến đi Úc-NZ vào tháng 1-2016 . Tôi đã đến Wellington và nhớ đến anh đã từng sống ở đấy  , kể cho anh nghe về nơi chốn với núi đồi trùng trùng điệp điệp và đàn cừu thì nhiều vô kể . Nơi đó làm sao giữ chân anh ? Bước chân giang hồ lãng tử tạm dừng ở Little Saigon là thích hợp nhất thôi .Anh đau nặng và không còn sinh hoạt như cũ là điều làm anh đau khổ . Ở mỗi người đàn ông niềm kiêu hãnh rất quan trọng  và tôi biết anh đã chán sống qua lần anh điện thoại cho tôi cách đây hai tuần . Tuy nhiên tôi hẹn sang thăm anh vào dịp Tết Nguyên đán sắp đến với hy vọng thật mong manh .
Anh T ơi ,thế là anh là người đầu tiên bỏ cuộc vui trong mấy anh  em ! Cuộc đời anh nhiều trải nghiệm vui buồn hơn cả nên bây giờ anh được thanh thản rồi .Em mong anh sẽ được trở về những nơi chốn cũ mà anh vẫn mơ . Nơi anh đã sống có lúc rất vui vẻ hạnh phúc , nơi mà thời tuổi trẻ với bao mộng ước đầu đời . Nơi mà khi là thằng bé mới 6 tuổi đã phải đi tìm bà mụ đỡ đẻ cho mẹ  , nơi mà anh đã được cha dẫn theo lúc làm việc ở mạn ngược ,nơi mà anh đã từng phải tắt máy chiếc xe Lambretta mỗi tối về nhà khuya khoắt để khỏi bị la rầy...Quán La Pagode đã chẳng còn vết tích, quán Givral đã nhiều đổi thay . Em rất tiếc đã chẳng thể đi cùng anh để vui chơi nhưng anh biết em sẽ nhớ đến anh mỗi khi sang Cali để rồi nhìn vào con đường có quán bò 7 món T.A. mà nhớ đến người đã từng hiện diện nơi đây .Cám ơn anh đã cho em được nhiều người biết đến vì là em gái của người nổi tiếng !
MT