Nov 29, 2011

Thơ và ảnh mùa thu-Kim Đoan và TUL

WP_000006

Mời thưởng thức ' Tiếc Thu'.pps Quang Dũng trình bày


Tiếc Thu


Thu đã qua, tuyết rơi đầy trắng xóa
Mới hôm nào , lá đỏ thắm trời xanh
Chạnh lòng hỏi,
Đông đến rồi, có cảm thấy buồn không?


Mới hôm nào , lá đỏ thắm trời xanh Chạnh lòng hỏi, Đông đến rồi, có cảm thấy buồn không?
Thơ KIM ĐOAN
Ảnh "nghệ thuật " của TUL

Cầu Khỉ-Ý nghĩ trong ngày 11/29//2011-TUL

DSC02769


CẦU KHỈ
Ý NGHĨ TRONG NGÀY-TUL
NOV 29-2011


DSC05770

img078

Thư Minh Tâm viết cho Liên Hương

VMT


Vấn đề là mình có muốn thử thời vận bằng cách đợi đến sang năm mới " bị gậy đi ăn mày" hay không ? Đó là lý do hôm nọ Tâm nói với Hương là Tâm có thể nhơ` con gái Thoa xin giùm , nhưng chỉ được one for one matching thôi . Khi Thoa còn , lần nào Tâm nói chuyện với Thoa ,Tâm và Thoa cũng bàn về chuyện này . Đáng lẽ Tâm đã cùng Thoa lo xong việc này trong tháng 10 vừa qua , nhưng một phần Tâm bận đi Âu Châu , một phần thâý Thoa lâm bệnh nặng hơn , Tâm không muốn đem chuyện âý ra nói, nhất là con gái Thoa dạo đó cũng tối tăm mặt mày vì vừa phải đi làm, vừa lo cho con bé chưa đầy một tuổi, lại lo mẹ đau nặng sắp chết, cho dù Thoa cứ nhắc đi nhắc lại là" Thoa đã dặn cháu giúp Tâm , mình phải làm ngay tháng 10 náy cho khỏi muộn ... " . Tâm đã ậm ừ và nói mạnh cho Thoa yên chí, nhưng trong lòng Tâm tan nát vi` biết bạn mình đang nói những lời trối trăn ...
Nói tóm lại Tâm phải lo việc này ngay vì mình không còn thì giờ nữa Hương ạ , nhất là kỳ vừa qua khi con Thoa xin matching giùm Tâm và Việt Ly hồi tháng 11, mãi tháng 5 năm nay mới có tiền matching .
Hương xuy nghĩ rồi quyết định giùm Tâm việc này nhé .
Tâm gửi kèm mâý cái hình cầu khỉ .
Hình cuôí chụp ảnh ... " tài tử Hồng Kông bên hông Chợ Lớn " cạnh cầu khỉ hôm đầu tháng giêng năm nay , sau khi làm lễ khởi công , đang " động đât´ " để chuẩn bị xây cầu 'MƠ ƯƠC´ . Ảnh cuôí là cầu `Mơ Ươc´ hôm khánh thành .


Hương sẽ dùng mấy tấm ảnh cầu khỉ Tâm gửi để kiếm xem có bạn nào có thể giúp mình được không ?. Em sẽ bắt tay vào việc ngay không chậm trễ.


Liên Hương



P5310766
TUL
Những chiếc cầu khỉ bắc ngang những dòng sông nhỏ , kênh rạch chằng chịt ở miền nam VN vẫn còn đó như một trò chơi cố tình. Nhìn từ xa và từ trên cao không khác gì một sợi chỉ . Những chiếc cầu vắt vẻo qua dòng nước hình ảnh vô cùng tạm bợ nhưng đã tồn tại hàng trăm năm , từ khi con người bắt đầu về đây sinh sống . Chúng đã dược "xây dựng" vì nhu cầu đi lại , rồi xóm làng mở mang , trẻ con ra đời từng thế hệ , lớn lên đi học ngày hai buổi đến trường . Cầu khỉ giúp người lớn giao thông qua lại thôn xóm , đi làm , họp chợ vv. Hình ảnh đơn sơ của những chiếc cầu khỉ đã là sinh hoạt thường ngày ở miền quê đồng bằng Nam bộ. . Những người dân sinh sống ở đây , phương tiện giao thông chủ yếu là ghe xuồng vì hệ thống kênh rạch chằng chịt ở miền nam VN. Những chiếc cầu khỉ đơn sơ ...chỉ là chuyện nhỏ và không ai quan tâm đến .
Nhớ lại thời vượt biên, TUL đã từng gần như bỏ cuộc khi phải vượt qua một cái cầu khỉ để xuống ghe , may trong đòan có người thấy đã vòng lại dắt TUL từng bước qua cầu , thật gian nan và trơn trợt , chân phải bám vào cây gỗ , bước phải dứt khoát thật nhanh ,lòng bàn chân khum khum , bước tới nhưng...hình nhưđi ngang, tay đánh thế thăng bằng không được ngập ngừng chới với .... ...đó là nghệ thuật của khỉ!!!) người thành phố khó mà vượt qua loại cầu này , có loại cầu khỉ còn không có chỗ vịn, chỉ một cây gỗ bắc ngang , chênh vênh, vậy mà người dân ở đây họ vượt cầu như bay , như lượn . Dòng nước lững lờ soi bóng họ thoăn thoắt nhịp nhàng . Chẳng có vấn đề gì chính vì thế chiếc cầu khỉ vẫn tồn tại và vắt vẻo trong lịch sử VN, không ai buồn dể ý.
Đó cũng là văn hoá và nghệ thuật Nam Bộ!!!!. Trong thời chiến tranh và đô hộ, chiếc cầu khỉ là hình ảnh nối ..những bờ kháng chiến và người cộng sản đâu có lạ gì với những khó khăn này!!! . Giờ đất nước đã về tay những người đã từng gian khổ" đấu tranh cho dân nghèo" , những má ba Củ Chi , Bến Tre Đồng Tháp , những em gái giao liên , những gia đình nuôi giấu cán bộ nằm vùng , những du kích ban đêm không ngủ vượt cầu khỉ ra lộ đặt mìn vv nhưng ngày nay mọi người đã quên những khó khăn đó hay người ta vẫn muốn duy trì hình ảnh của nó trong lịch sử? Có lẽ cũng đúng phần nào khi chính quyền còn lo việc lớn như đường hầm Thủ Thiêm thì mấy cái cầu khỉ cứ dể đó có sao đâu ? có chết người dân nghèo nào đâu? trẻ em cũng thoăn thoắt theo người lớn vượt cầu khỉ nối những ..bờ vui trên quê hương là " chùm khế ngọt". Mùa hè chúng còn nhảy xuống tắm sông , đu trên cầu khỉ trong khi ở Mỹ người ta phải vào water park mới có được những cái thú đó.
Chúng ta TV6370 đứng đầu là Minh Tâm với sự góp sức của các bạn đang nỗ lực xóa đi hình ảnh của những chiếc "cầu khỉ thơ mộng " đó trên quê hương và dường như công việc dã được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ những người dân cũng như chính quyền điạ phương . Chứng tỏ rằng nhu cầu căn bản của người dân nghèo vẫn là được bứớc đi trên những chiếc cầu vững chắc .. ..Chứng tỏ rằng những chiếc cầu khỉ chẳng đặng đừng vẫn là những sợi tóc nhức nhối từ trong ký ức cho tới hiện tại . Nhỏ nhưng không kém phần quan trọng trong đời sống dân nghèo.
Vậy thì sao chẳng ai lên tiếng? phải chăng nỗi đau của người nghèo , nỗi thiếu thốn, sự chịu đựng của họ từ trăm năm đã thành thói quen , nhìn dần thấy đặng. Hình ảnh của họ gắn liền với "những cầu khỉ mái tranh vách lá" là những ắt có và đủ? là đương nhiên cho cuộc đời của họ, nên không cần cũng như không phải là ưu tiên số một của chính phủ của người nghèo?
Vậy thì nữ sinh TV6370 , các bạn đã nhìn xa và nhìn thấu trái tim người dân nghèo hơn ai hết .
Xin chúc mừng những tâm hồn đẹp
Những tình yêu VN .

Nov 25, 2011

THANKSGIVING- Bích Quy



                                             THANKSGIVING


                                                                               Bích Quy


                          


                  Ta  mang ơn tổ tiên đã khai phá đất rừng , mở mang bờ cõi để ta có chỗ dựng nhà
                  Ta  mang ơn tất cả những anh hùng đã giữ nước để nhà ta được yên.
                  Ta mang ơn tất cả những phát minh đã đem đến mọi tiện nghi trong đời sống
                  Ta mang ơn cha mẹ đã yêu thương  cho ta có mặt trên đời
                  Ta mang ơn  gia đình đã cho ta   yêu thương gắn bó
                  Ta mang ơn bạn bè đã cho ta nhiều niềm vui thắm thiết


                  Ta xin  ngàn lần cảm ơn tất cả .
                  Hết cuộc  đời này cũng chẳng trả hết ơn sâu.
                  Tận đáy lòng mình ta yêu cuộc sống bể  dâu
                  Và yêu quý tất cả mọi sinh linh thế giới.


            



                               

Nov 23, 2011

Mãi Mãi Nhớ Thương Chị Phạm thị Thoa- Phạm thị Ngọc Anh

   




Mãi Mãi Nhớ Thương Chị Phạm thị Thoa 
Monday, November 21, 2011 5:00:16 PM 

Bookmark and Share
Nắng thật đẹp và hiền lành ở California buổi sáng hôm nay, những vòng hoa rực rỡ bao quanh chị và nét mặt chị chúng tôi thật thanh thản ngủ yên. Chúng tôi, những người em của chị đã về đây đưa tiễn chị về chốn bình an vĩnh hằng. Trong tiếng gió rầm rì bên tai, trong không gian thật tĩnh mịch của buổi sáng sớm tiễn đưa chị, chúng tôi muốn thời gian ngừng lại để chúng tôi thu lại được hết hình ảnh của chị trước lúc thân thể chị hòa nhập vào cát bụi. 
Chúng tôi hay cười nói với chị, sức lực chị đâu mà nhiều đến vậy! Chị đã tham gia những phong trào hổ trợ mổ mắt cho bà con nghèo ở Việt Nam, chị đã góp một bàn tay xây dựng Chùa, chị tham gia chương trình cấp học bổng cho những sinh viên nghèo và ưu tú ở Đại Học Y Khoa Sàigon.Chị đã phát động việc cấp học bổng cho các chú tiểu, tăng ni để theo đuổi Phật học. Chị có thể giúp đỡ những người kém may mắn dù rằng chị vô tình nghe đến một lần. Chúng tôi nhận được băng DVD Hội Người Phong ở Cali cũng do từ chị gởi qua và truyền bá. 
Trong xã hội chị miệt mài đóng góp, trong gia đình chị quan tâm đến con cháu, chị em và bà con xa gần, cuộc đời chị như một bánh xe quay không biết mệt. 
Chị rất trân trọng cái đẹp của những cuộc đời giản dị, nhưng chị lại rất nghiêm khắc với chính cuộc đời mình và đã phấn đấu không ngừng. Đi học lại trên đất Mỹ với văn bằng thạc sĩ, làm việc trong những vị trí quan trọng, con cái thành đạt trên đường công danh sự nghiệp, chị được đánh giá là một người thành công trên đất Mỹ. 
Chị tôi thích ca hát, thích những lời hát da diết ân tình của quan họ Bắc Ninh. Chị ở trong Ban Ca Nhạc Ngàn Khơi và Hội Đoàn Nữ Sinh Trưng Vương, chị được bạn bè rất yêu thích và thân mật. Chị tôi không phân biệt tôn giáo, chị quan hệ với các Cha và các Thầy để bàn bạc, đóng góp cho những tổ chức từ thiện bên công giáo và cả bên Phật giáo. Hơn một năm chữa trị bệnh, đến cuối tháng 7 năm 2011 khi thấy tình hình có vẻ tuyệt vọng, chị vẫn rất bình tĩnh và nói rằng chị muốn xin pháp danh Quảng Từ Tâm vì chị nói đó là điều chị luôn muốn hướng tới. Chúng tôi đã khóc như những đứa trẻ khi nghe chị chân tình nói rằng chị không có điều gì hối tiếc là chị chưa làm được, có phải câu nói đó đã báo trước một sự chia tay rất gần kề của ngày hôm nay. 
Chị tôi nói rằng mình rất khó để là người hoàn toàn!  Vâng, thưa chị, chị nói đúng, tất cả chúng ta đều là những người không toàn vẹn. Chúng tôi đang tìm kiếm những từ ngữ đúng để diễn tả về chị - Một chặng đường rất dài chị đã cống hiến vượt bực cho gia đình, cho xã hội, là cái đẹp của chị - cái đẹp của một con người sống mạnh mẽ, đầy nghị lực và thẳng thắn, dám sống và dám làm theo suy nghĩ thật của chính mình. 
Chúng tôi chia tay chị, người chị thật mến yêu, tâm hồn chị đôi lúc phiêu lãng như một người nghệ sĩ, lại có những lúc rất thánh thiện như người tu hành trong tôn giáo, lại có lúc rất nghiêm khắc và phép tắc như người học trò của đạo Khổng, chị là điển hình của người đàn bà Việt Nam luôn cố gắng vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống nơi xứ người. 
Xa xa, bóng các chị Trưng Vương, nhóm bạn chị đang đứng đó để tiễn đưa chị. Chúng tôi hình dung được chị tôi trong đó. Các chị thật là những người Việt đặc biệt trên đất Mỹ. Các chị đã làm rạng rỡ danh tiếng của con cháu Hai Bà Trưng. Đó là hình ảnh đẹp của các chị với tấm lòng nhân hậu, đáng quý biết bao trong cuộc đời này. Những vòng tay nhỏ như muốn ôm cả một gánh trĩu nặng của lòng thương người, lòng nhân đạo và hy sinh cho người khác.
Chúng tôi nói với chị, sở dĩ chị làm được nhiều điều tốt vì chị đã nói và quyết định mọi điều rất nhanh chóng từ những cảm xúc đang dâng trào trong trái tim của chị. Thật là một bài học vỡ lòng về triết lý nhân bản trong cuộc đời  – nghe sao đơn giản quá mà cũng thật khó để làm. Chị tôi là người như thế đó. Chị không một chút e dè, hay suy nghĩđắn đo là hãy tặng cho mình một chút trước khi tặng cho người khác một món quà, một kỷ niệm.  
Chúng tôi rất khâm phục chị, và chúng tôi đã cúi đầu khi chia tay với chị. Xin chia tay với chị trong sự ngậm ngùi và nhớ thương da diết. Có lẽ ở trên cao, chị đang rất vui và mãn nguyện vì chị đã làm được nhiều điều tốt khi còn ở thế gian, vì nay khi ra đi thì chị được quá nhiều người thương nhớ. Nắng Cali đẹp quá, tất cả chúng tôi đang đi cùng với chị một đoạn đường ngắn lần cuối cùng ở đây để rồi mãi mãi cách xa.
California, Oct 31th, 2011
Phạm Thị Ngọc Anh

Nov 22, 2011

Tạ Ơn- Kim Đoan


Tạ Ơn


Vào cuối thu, trời Canada hay ảm đạm, một màu xám buồn của cây khô, cành trụi lá. Gió thu tuy thật nhẹ nhưng sao lạnh buốt như cắt vào da, báo hiệu mùa đông sắp đến. Bằng chứng cụ thể là vào buổi sớm mai, nhìn lên mái nhà một lớp tuyết mỏng trắng xóa được kết tinh từ những giọt sương và chiếu lóng lánh dưới ánh mặt trời tuyệt đẹp.

Chỉ còn vài hôm nữa lại đến lễ tạ ơn Thanksgiving, mỗi năm vào dịp này tôi luôn cảm thấy buồn như chấu cắn, tôi hay nhớ nhiều về những kỷ niệm với mẹ tôi trong bệnh viện, cũng vào thời điểm này năm 2005, mẹ tôi đau nặng, lên Calgary tôi vào thẳng nhà thương, trên giường bệnh khi gặp lại tôi, nét mặt mệt mỏi hao gầy của mẹ thoáng hiện lên nét vui, giòng lệ tuôn trào nơi khóe mắt mẹ làm tim tôi thắt lại, tôi ôm quàng sau vai mẹ rồi nắm chặt đôi tay, bàn tay gầy guộc chỉ còn da bọc xương, tôi rờ vào người mẹ thấy nóng hổi vì bị sốt, bóp vào đôi chân khẳng khiu, nhìn kỹ thấy bị bầm vì một số tia máu đã vỡ ra, nhìn chung quanh giường, đủ loại dây nhợ, lòng tôi đau quặn có linh cảm rằng giây phút cuối chắc không xa. Cũng may, ngày hôm sau mẹ tôi khỏe ra và tỉnh táo hơn, cụ còn vui chơi và nói đùa với các con, cháu chắt vào thăm, thấy vậy tôi cũng đỡ lo hơn vì cụ còn có thể cầm điện thoại để nghe các cô, thím phone sang thăm hỏi về tình trạng sức khỏe.

Mẹ tôi thấy vui hẳn lên khi nghe tin cậu tôi ở bên San Jose hứa sẽ sang thăm vào cuối tuần còn các thím và cô thì vào đầu tuần tới, những tin vui làm cụ tăng thêm sức sống; các bạn bè trong hội thánh đến thăm, mẹ tôi đều tiếp chuyện được và rất minh mẫn. Những cơn sốt càng cao vào những ngày sau đó không còn chế ngự được bằng thuốc trụ sinh làm cho mẹ tôi kiệt sức, yếu dần.

Mỗi lần nhìn ánh mắt lo sợ của mẹ khi thấy cô y tá bước vào tìm 'veine' để lấy máu thử nghiệm, cho biết chắc các mũi kim này làm cho cụ đau và khó chịu lắm, tôi thấy thương mẹ quá; đau đớn nhất là hôm bác sĩ họ tìm cách đút một ống thật dài vào mũi, quá đau mẹ tôi phải lên tiếng rồi chảy nước mắt ràn rụa, tim tôi cũng muốn nhói theo, tôi nhắm mắt cầu nguyện xin cho mẹ tôi đừng bị đau đớn và tâm luôn được bình an trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sau đó bác sĩ báo cho anh chị em tôi biết là mẹ tôi yếu lắm, cần phải đưa xuống phòng cấp cứu.

Các con cháu tề tựu đông đủ ở phòng chờ đợi, sát phòng cấp cứu, cứ mỗi 2 tiếng thì họ cho biết về tình trạng sức khỏe và chỉ cho phép mỗi lần hai người trong gia đình được vào thăm. Chiều hôm ấy cậu tôi từ Cali sang đến nơi, vào thăm nhưng mẹ tôi không còn nói được, chỉ biết bóp vào tay khi nghe tiếng cậu tôi mà thôi và đến 4 giờ sáng ngày chủ nhật mẹ tôi đã về miền vĩnh cửu với sự hiện diện đông đủ của các người thân vào những giây phút cuối. Tuy rất thương mẹ, nhưng khi biết cụ không còn phải chịu những sự đau đớn, lo âu để về bình an nơi cõi vĩnh hằng, tôi liền dâng lời cảm tạ ơn trên đã ban cho mẹ tôi nhiều điều phước hạnh vào giây phút cuối đời.

Mẹ tôi có cuộc sống rất giản dị, cả cuộc đời chăm sóc, hy sinh cho chồng, các con cháu, luôn quan tâm đến gia đình và họ hàng hai bên, nhất là vào những năm khó khăn sau 75. Suốt đời thấy buồn nhiều hơn vui, sống cho tha nhân vì thế được sự quý mến của mọi người, ngay cả em chồng và các chị em dâu. Các cô, các thím luôn có tình cảm đặc biệt, xem mẹ tôi như chị ruột, khi nghe tin mẹ tôi đau, cô Vy từ Úc đã sang thăm mẹ tôi, và ngày tang lễ thì có cô Chi, cô Thuận và các thím cũng từ phương xa đến Calgary đưa tiễn. Hôm thăm viếng ở nhà quàn, những người thân và một số các bác, anh chị em trong hội thánh cũng lên bày tỏ sự quý mến và thương tiếc mẹ làm cho tôi thật vui và hãnh diện vì cách cư xử của mẹ đối với mọi người.

Tôi cảm ơn trên đã ban cho tôi nhiều hồng ân, nhất là có được mẹ hiền luôn đặt hạnh phúc của các con lên trên hạnh phúc của chính mình, nhờ thế tôi mới có ngày hôm nay, lễ tạ ơn nhắc nhớ tôi ngày mẹ quá vãng và cũng là dịp để ghi ơn những gì mình đã nhận. Sáu năm trôi qua nhưng hình ảnh người mẹ hiền luôn sống mãi trong tôi nhất là vào mùa lễ thanksgiving này.

KIM ĐOAN (11-2011)

Lời Mẹ Ru
Khánh Ly trình bày

Nov 19, 2011

Nhạc đủ loại và nhiều thứ tiếng



Một trang nhạc có hàng triệu bản nhạc Mỹ, Pháp, Tây-Ban-Nha, Việt, Tàu, Nhật, Hàn....... chỉ cần đánh

1/ Tên Ca-sĩ
2/ Tên Nhạc-Sĩ
3/ Tên bài ca (tiếng Việt phải đánh dấu cho dễ tìm)

Web này được thành lập bởi một cậu bé chỉ mới 15 tuổi tên là David Nelson.
Xin hãy bấm vào

Nhạc thế giới

Nov 17, 2011

Mùa hè Phượng tím.





MÙA HÈ PHƯỢNG TÍM

Buổi sáng lái xe trên những con đường, tôi đã thấy hai bên lề đường những hàng cây Jacaranda nở đầy hoa tím. Jacaranda thường nở hoa vào mùa hè , có tàn lá tỏa rộng , những tàn lá kép, thưa khi chưa nở hoa trông giồng như cây phượng vĩ nên jacaranda thường được gọi là phượng tím. Tuy được gọi là phượng tím, nhưng hoa jacaranda không hề giống hoa phượng vĩ. Hoa Jacaranda nở từng chùm màu tím, có hình chuông dài, cánh mỏng manh xinh xắn. Hoa nở rộ trên cây độ vài ngày thì tàn, rơi phủ đầy mặt đất hay những thảm cỏ trong công viên tạo nên một thảm hoa màu tím, một nét đẹp tuyệt vời của thiên nhiên. Nơi tôi ở, có những con đường 2 bên lề đường trồng 2 hàng cây Jacaranda cao ngất, chụm lại với nhau tạo thành những hình vòng cung đầy hoa tím thật thơ mộng. Tôi thích lái xe qua đó hay thỉnh thoảng đậu xe bên lề đường, rồi tản bộ một lúc để được ngắm nhìn một khoảng trời với màu hoa tím đẹp dịu dàng.




Ngoài đặc điểm có những cây Jacaranda nở hoa tím thật đẹp vào mùa hè, đặc biệt Hè 2011 tại Úc còn có một đêm sinh hoạt văn nghệ rất tuyệt vời đó là " Đêm nhạc thính phòng Từ Công Phụng 50 năm tình ca, một lần nhìn lại ". Thế là đám Vịt rủ nhau đi nghe. Mỹ Điệp ở trong ban tổ chức nên phe ta được ngồi ngay một bàn tốt nhất, nhìn ngay lên sân khấu.
Nhạc sĩ họ Từ vẫn giữ được dáng dấp như xưa và đặc biệt là giọng hát của người nhạc sĩ kiêm ca sĩ này vẫn trầm ấm và truyền cảm. Trong chương trình có nhiều sáng tác mới của nhạc sĩ TCP tự trình bày , xin gửi kèm theo đây mời các bạn cùng thưởng thức.








Nhóm Vịt Úc Châu.













Nov 15, 2011

Trượt Chân

Kim Đoan

ngã dưới chân dốc


Trượt Chân

Mới vừa bớt cảm, không còn bị ho và khan cổ, trong người nhẹ nhõm hơn, nhìn ra ngoài trời, nắng sáng thật đẹp nhưng khá lạnh, tôi lại cảm thấy muốn ra ngoài đi bộ để hít thở một ít không khí trong lành và có vận động một tí thì máu huyết mới luân chuyển đều hòa.

Giờ nghỉ vừa đến, tôi khoác vội chiếc áo choàng và khăn quàng, bước nhanh khỏi office, ra đến ngoài sân, tôi hít mạnh một hơi, tinh thần thật sảng khoái với bầu không khí trong lành, mát lạnh. Cũng hơn một tuần nay , tôi không còn đi bộ vào giờ nghỉ (coffee break) vì bị cảm, hôm nay được khỏe hơn nên rất hồ hởi, những bước đầu còn đi chầm chậm , tôi tăng dần nhịp chân sau đó, để tim được hoạt động nhanh hơn một tí thì rất có lợi cho sức khỏe; con đường quá thân quen tưởng chừng nhắm mắt cũng còn hình dung được các lối đi, nào đi ngang bồn nước trong khuôn viên đại học, trước cửa nhà nguyện nơi chúng tôi đã đứng chụp hình đám cưới cách đây 36 năm, khung cảnh bên ngoài cũng không thay đổi mấy ngoại trừ nhà nguyện đã được dời sang địa điểm khác. Qua Agora sang đến vườn hoa có giòng suối nhân tạo, đã được đại học cho xây cất cách đây 2 năm để các sinh viên có chỗ nghỉ ngơi, phơi nắng thư giãn vào giờ ăn trưa, khung cảnh rất dễ thương yên bình, đi bộ mà lại còn được nghe tiếng nước suối chảy róc rách thì cũng thú vị lắm chứ; từ trước cửa cafeteria đến phân khoa xã hội học, con đường đi bộ hơi bị dốc thoai thoải, vừa bước nhanh, vừa xuống dốc và khi tôi quẹo sang hướng tay phải để trở về phân khoa khoa học thì bất thình lình bị trượt chân và ngã quỵ xuống đất, đau điếng. Ngồi định thần cho bớt đau, phải sau hai phút tôi mới lồm cồm đứng dậy, bàn chân trái sưng lên, bị đau nên cũng toát mồ hôi, sau 10 phút nắn bóp tôi mới đi khập khễnh trở về office; vào phòng xem xét chân kỹ lưỡng hơn mới thấy bị bầm tím và sưng to quá, mặt tôi nóng bừng có cảm tưởng hơi bị sốt.

Trong lòng đang nơm nớp lo âu, không biết chỉ bị sưng và bong gân thôi hay lại gẫy xương thì khổ lắm. Nhắm mắt cầu xin sự bình an, việc đầu tiên là phải làm sao cho chân bớt sưng và đau; tôi bình tĩnh lái xe về nhà lấy nước đá đắp vào chỗ sưng tím và uống thuốc giảm đau, bó chân lại để khi đi, đỡ động vào chỗ bị thương và nằm nghỉ ngơi chờ ngày hôm sau sẽ đi rọi quang tuyến (X ray).

Sáng sớm hôm sau, ông xã chở tôi đến clinic gần nhà, đợi chờ cũng khoảng năm tiếng đồng hồ mới được vào gặp bác sĩ, sau khi hỏi về tình trạng cái chân đau của tôi, ông còn hỏi tôi làm nghề gì và làm ở đâu ?

Tôi đang lưỡng lự trước khi trả lời ông vì chuyện bị ngã, đau chân với nghề nghiệp của tôi đâu có gì liên hệ với nhau mà ông bác sĩ lại muốn biết, tuy thế vì lịch sự tôi cũng ôn tồn trả lời ông là tôi làm việc về ngành hóa, chuyên về quang phổ và làm cho đại học.

Ông ta vui hẳn lên và nói cho tôi biết là trước khi ông đi học về ngành bác sĩ, ông có học về sinh hóa 2 năm, ông có nhắc đến tên một vài vị giáo sư đã dạy ông, tôi đều biết các vị này và bây giờ đã về hưu cả rồi. Sở dĩ ông hỏi về nghề nghiệp và chỗ làm vì khi gặp tôi ông nhận ra ngay, vào những năm ông ấy học sinh hóa ở đại học, ông đã gặp tôi trong thời kỳ còn đang soạn luận án và hay làm việc trong phòng tối, quả đúng thật là như vậy, còn tôi thì đâu nhận ra ông là ai vì ở đại học thì gặp quá nhiều sinh viên.

Sau khi cho giấy đi rọi kiếng, ông bảo tôi phải trở lại gặp ông, cũng may là tôi không bị gẫy xương chỉ bị bong gân, tuy thế ông vẫn ký giấy cho tôi nghỉ vài hôm và ông còn nói ông rất vui là đã nhận ra tôi.

Tôi hân hoan ra về vì biết bàn chân vẫn còn nguyên vẹn, không bị gẫy xương, thêm vào đó đã gặp được ông bác sĩ còn để chút thì giờ ân cần hỏi han bệnh nhân chứ không xem họ như một con số; tuy trong lòng vui nhưng cũng thấm mệt vì đã 14h mà chưa được dùng bữa và chân thì vẫn còn đi khập khễnh, hơi đau. Cũng may ông xã khi đến đón có đem cho tôi một món nhấm nháp energy bar để khỏi bị quá đói, tôi cảm thấy mình hạnh phúc quá vì được quan tâm đến.

Nghĩ lại các cụ xưa thường nói, năm tuổi là năm hạn, hay bị thị phi, hao tán tiền bạc, trục trặc về sức khỏe. Tôi tuy cũng ít tin bói toán, tử vi nhưng khi đem ra tổng kết những thăng trầm của năm Tân Mão này thì mới thấy các cụ nói cũng không sai lắm, dù rằng tôi được sanh vào ngày ông Táo về trời, chỉ còn có 7 ngày là hết năm mà tôi vẫn mang tuổi Mẹo. Hy vọng sang năm Thìn cuộc sống sẽ được bình thản hơn.

Kim Đoan

Nov 14, 2011

Có Cha Bên Đời




C Ó C H A B Ê N Đ Ờ I

Bích Quy

Từ lâu, tôi đã muốn viết về cha, người cha kính yêu của tôi. Ngày bé tôi đã từng ao ước sau này lớn lên tôi sẽ lấy người chồng ... giống y hệt như cha tôi. Sau này khi có gia đình rồi tôi mới thấy mẹ tôi là người đàn bà hạnh phúc nhất trên đời.

Cha tôi chỉ là một công chức mẫn cán, chăm chỉ hết lòng với công việc và thương yêu vợ con hết mực. Ngày bé tôi đã rất sung sướng đi giữa cha và mẹ dạo chơi trong công viên hay đi sở thú vào mỗi sáng chủ nhật . Khi các em tôi lần lượt ra đời, cha lại càng vất vả hơn, thức khuya hơn. Bữa cơm cha luôn muốn có mặt đông đủ cả nhà. Cha hay vui vẻ điểm danh : "Một, hai , ba, bốn, năm..đủ rồi. Mẹ nó mau ra ăn đi" Chả là mẹ tôi hay hý hoáy trong bếp cố thu dọn cho gọn gàng trước khi ra ăn.

Mẹ tôi kể hồi còn trẻ cha đẹp trai lắm, da trắng, môi đỏ thắm như con gái, cao dong dỏng nhưng lại rất đàn ông và rất hiền. Ở nhà cha không nề hà việc gì giúp đỡ vợ con. Từ sửa chữa thay thế bóng điện không cháy,cây quạt không chạy cho đến cầu tắc, cống nghẹt hay nhà dột đều tự tay ông leo trèo, sửa chữa. Có lần cây điệp bông vàng toả cành dầy đặc trước cửa sổ phòng chúng tôi. Cha đã leo lên chặt bớt cành và trượt chân rơi thẳng xuống, hai chân cắm vào cái sọt rác đầy lá mà bác hàng xóm vừa quét gom vào đấy rồi lặng lẽ tự đứng dậy, phủi quần áo vào nhà như không có việc gì xảy ra. Chỉ đến khi một bác hàng xóm khác đang tập thể dục chứng kiến và thì thầm kể cho mẹ tôi nghe thì cả nhà mới biết chuyện ngã cây một cách "diệu kỳ" như vậy. Cha như cái cây tỏa bóng mát che chở cho mẹ con tôi.


Cha hay đưa tôi đến trường và lúc về thì tôi đi bộ lại sở cha để chờ cha làm xong việc thì chở tôi về. Tôi hay ngồi xem cha làm việc giữa bộn bề giấy tờ, cũng có khi tôi nghịch ngợm thử gõ lóc cóc vào cái máy chữ cũ kỹ bên cạnh ....Khi còn học tiểu học thì cha để mẹ kèm cặp tôi. Khi lên cấp hai, còn lạ lẫm với bao điều mới mẻ thì cha lại là người hướng dẫn cho tôi học. Tôi chẳng phải là đứa trẻ thông minh, đã học chậm lại hay mơ mộng , lãng đãng nên cha cũng vất vả với tôi nhiều. Còn nhớ hết năm đệ thất là lớp sáu bây giờ thấy điểm toán của tôi kém quá, thế là ngày nào cha cũng giảng giải và ra bài tập cho tôi trước khi đi làm. Chiều về cha kiểm tra và tôi đã từng bị phết ba roi quắn đít vì cái tội ham chơi quên làm bài. Khỏi phải nói , sau mùa hè ấy , vào lớp tôi đã tiến bộ hẳn. Bạn bè phải ngạc nhiên là đầu óc tôi chắc đã "vỡ ra" nên mới giơ tay nhiều thế. Bao nhiêu năm rồi mà cha vẫn nhớ các công thức và tìm cách giảng giải cho cái đầu óc u tối của tôi sáng ra thì thôi. Được cái các em tôi thông minh hơn, chúng học nhanh hơn và không làm cha tôi phải mất công nhiều như tôi.

Ngày hè , cha thường đưa vợ con lên Đà lạt để nghỉ ngơi thăm ông bà ngoại hàng tháng trời. Cha chỉ nghỉ chừng ba ngày là lại về đi làm. Ngày ấy còn nhỏ quá nên tôi chẳng hình dung ra được những ngày chúng tôi vui vẻ thì cha tôi đã phải cặm cụi vừa đi làm vừa nấu cơm ăn một mình sẽ buồn như thế nào. Lúc nào cha cũng muốn dành những điều vui sướng nhất cho vợ con. Cha hay giúp đỡ mọi người. Đã có lần tôi thấy người ta mang đến một giỏ trái cây mà cha nhất định bắt mang về. Cha nói :" Làm ơn không phải chỉ để chờ trả ơn " Tôi cứ nhớ mãi điều này vì khi ấy tôi cứ thấy tội nghiệp cho người ta cứ phải nằn nì. Tôi còn nhớ lúc nhỏ nhà tôi ở sát bên cạnh nhà cô Tư. Cô trẻ hơn cha tôi vài tuổi, cũng làm công chức. Thỉnh thoảng có việc gấp cô cũng hay nhờ cha tôi chở đi. Rồi cô nấu chè mang sang cho chúng tôi ăn. Chúng tôi cũng thích sang nhà cô chơi và lấy giầy dép cao gót của cô đi gõ lọc cọc khắp xóm. Tôi còn nghe bác hàng xóm bảo với mẹ tôi :"Bà coi chừng ông đi kiếm quý tử đó nghe". Tôi thấy mẹ chỉ cười. Mẹ bảo thật ra trong lòng cũng lo nhưng không sợ vì mẹ biết tính cha tôi. Cha hay giúp đỡ mọi người chứ chẳng riêng gì cô Tư. Cha hay pha trò dí dỏm nhưng lại rất nghiêm với con cái và yêu quý chúng tôi vô cùng.

Cha yêu thương chăm sóc cả năm đứa con lít nhít " trứng gà trứng vịt" theo cách của cha.Tôi còn nhớ mỗi khi cha đi làm về, ông hay bảo tôi ngồi sau xe và chở tôi ra chợ mua ...chuối. Cha vào tận chỗ người ta bán sỉ để mua nguyên một quầy có sáu bảy nải rồi đem về treo ở góc nhà. Lũ con cứ việc chín đến đâu vặt ăn đến đó. Cũng có khi ông chở tôi ra chợ NT là nơi hay bán thực phẩm nước ngoài do những người lính Mỹ mua được trong PX không dùng rồi đem ra bán lại. Ngày ấy tôi đã được ăn những thỏi chocolat ngon tuyệt hay những quả cam Sunkit ngọt lịm có vỏ màu vàng tươi hoặc những hộp sữa tươi thật béo.


Ngày thường chúng tôi đi học bằng xe trường, còn đứa nào học gần nhà thì đi bộ....Chúng tôi muốn đi đâu cha đều chịu khó đưa đến nơi rồi đón về. Còn nhớ có lần đi ăn sinh nhật bạn, tôi nói sẽ nhờ bạn đưa về nhưng cha không cho. Có hôm bị ốm phải nghỉ mấy ngày, cha đưa đến tận nơi cho tôi mượn tập vở rồi chở về nhà. Có lần em Bốn đi họp lớp , quá giờ cho phép mà chưa về làm cha cứ đứng ngồi không yên...Cha bảo em " Lần sau con đừng như thế nữa làm cả nhà lo..." Thật ra , cha là người lo hơn cả, thời buổi chiến tranh, nhiễu nhương biết thế nào... Lúc nào cha cũng muốn dang cánh "đại bàng" che chắn cho lũ con đang tuổi ăn tuổi lớn , vô tư và ngây thơ trước cuộc đời...

Chiến sự xảy ra khắp nơi và đôi khi có những cuộc "cách mạng" tranh giành quyền lực xảy ra cũng không ảnh hưởng gì lắm đến cuộc sống của gia đình chúng tôi ở Saigon . Những cuộc tranh chấp ấy rồi cũng qua đi, cha vẫn đi làm bình thường, cha vẫn là một công chức với chuyên môn riêng của mình, cần mẫn và chăm chỉ...Chỉ có mẹ tôi hay kêu ca vì mỗi lần xảy ra chuyện gì thì giá cả cứ thế mà tăng vọt khiến cho đồng lương của cha tôi bị "teo tóp" đi. Tuy thế mẹ tôi cũng rất vén khéo để cả nhà có cuộc sống bình yên.

Rồi dần dần chúng tôi lớn lên lần lượt vào trung học thì biến cố lớn với đất nước xảy ra. Trước đó mấy ngày, Chú Út tôi có điều kiện đã đem xe hơi đến rước cả nhà tôi để đi bằng máy bay ra nước ngoài nhưng cha tôi nhất định không đi. Ông nhìn lũ con gái đang tuổi lớn và bảo chú tôi: " Hãy cứ đi trước đi . Chú cứ lo cho gia đình chú an toàn là được rồi". Hai anh em ôm nhau và tôi thấy mắt cha rớm lệ, còn chú tôi mắt cũng đỏ hoe vì nghĩ không bao giờ còn thấy nhau nữa. Cha thấy tôi cũng đã trưởng thành nên cũng có hỏi tôi có muốn theo chú không? Tôi nhìn cha vừa khóc vừa lắc đầu quầy quậy . Thật ra tôi chẳng muốn xa cha mẹ, em nhỏ và cũng không biết nếu đi thì sẽ ra sao? Tôi quen được sống có đông đủ mọi người rồi. Tôi hiểu rằng đây mới thực sự là một biến cố lớn làm đảo lộn cuộc sống , làm đảo lộn mọi ước mơ toan tính tương lai của gia đình tôi.

Sau đó là cả một chuỗi ngày vất vả không thể nào quên. Cha tôi mất việc, ông ngơ ngác vì thấy bạn bè , họ hàng cứ chia tay dần dần, Người thì đi "cải tạo", người thì ra nước ngoài .Rồi cha theo bạn bè xuống các tỉnh làm kế toán cho người ta. Kiên Giang, Cà Mau, Cần thơ, Sóc Trăng...chỗ nào có việc là cha cũng đi, chẳng quản xa xôi. Ngày ấy phương tiện đi lại khó khăn và đường xá xấu hơn bây giờ nhiều. Chỗ gần thì một tuần, chỗ xa thì cả tháng cha mới về thăm nhà. Trông ông phong trần, đen sạm và rắn rỏi... Rồi công việc cũng hết và cha lại nghĩ cách làm ở nhà cùng với mẹ và tôi để cho bốn em tôi không phải bỏ học. Những bữa cơm bo bo độn khoai sắn càng khiến các em tôi cố sức học để vươn lên . Tôi học được ở cha tính kiên trì, nhẫn nại, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn. Cha đã từng đạp xe hàng chục cây số đi lấy sữa tươi ở trại bò để chúng tôi làm yaourt cho mẹ tôi mang đi bỏ mối . Các em tôi cũng vừa đi học vừa dạy kèm để đỡ đần chi phí cho cha mẹ. Cũng may khó khăn nào rồi cũng qua, các em tôi đều tốt nghiệp và ra đi làm. Tôi cũng kiếm được việc làm ổn định hơn. Cha mẹ tôi có thể an tâm hơn về những đứa con của mình.

Rồi tôi lập gia đình, ngày tôi sinh con trai, ai cũng vui mừng nhưng người vui nhất lại là ..ông ngoại bé. Cha tôi không có con trai , tuy ông rất yêu thương các con gái của mình nhưng trong sâu thẳm tôi biết ông vẫn thèm có con trai biết bao. Khỏi phải nói thằng cu nhà tôi đã được ông yêu quý biết nhường nào, phần vì cu cậu là cháu đầu tiên của ông, là niềm mơ ước thầm kín bấy lâu ông chẳng nói ra vì sợ bà buồn.

Tôi xin cha đặt tên cho cháu, cha nói ngay là ông sẽ lấy họ của ông làm tên cho cháu bên cạnh họ của bố nó. Như vậy sẽ ghép hai họ lại với nhau và tôi biết cha cũng muốn kéo dài ra cái họ của mình mà ông đã " lỡ" làm cho ngắn đi vì sinh con một bề. Ngày nào cha cũng đến thăm cháu và bế nó nựng nịu. Hết hai tháng nghỉ hộ sản, ông bảo đem thằng bé sang nhà để ông bà trông cho mà đi làm. Ôi , tấm lòng của ông thật bao la, lúc nào cũng muốn ôm hết con cháu vào lòng. Lúc này cha mẹ tôi cũng không phải làm gì nên có cháu cũng vui. Thằng bé bụ bẫm đã biết theo ông, gọi ông và đòi ông bế. .

Cha tôi ngày càng già yếu đi. Ông hay ngồi một mình, trầm tư và hút thuốc lá. Tóc đã bạc nhiều . Bạn bè của cha cũng chẳng còn bao nhiêu, thỉnh thoảng họ lại thăm cha, ngồi với nhau hàng giờ rồi lại chia tay, có khi chẳng gặp lại...Cũng có khi cha lại thăm họ nhưng khi về thấy buồn hơn, cha nói với mẹ là:"Bác ấy lại sắp "đi" rồi, con bảo lãnh". Thế nhưng khi chú tôi muốn bảo lãnh thì ông cũng nhất định không "đi". Tôi hiểu ông không muốn bất kỳ sự sáo trộn nào trong cái gia đình bé nhỏ của mình và cũng lượng sức mình không thể sống nổi khi ra xứ người, nơi mà lúc còn đi làm ông đã có dịp viếng thăm. Chỉ đến khi em Bốn đi làm việc và em Út của tôi theo chồng, ra nước ngoài sinh sống thì ông mới thật hụt hẫng mặc dù vẫn mong cho các con được sung sướng. Tôi thấy cha buồn lắm vì biết các con đã lớn và không thể ôm mãi chúng được, đủ lông đủ cánh thì phải để cho chúng bay đi...Bù vào đấy, cha lại có thêm những đứa cháu ngoại quấn quít, líu lo nên ông cũng vui. Cha hay đi siêu thị gần nhà mua quà cho chúng hay mua một vài thực phẩm cần thiết cho cả nhà.


Những người bạn hay họ hàng của cha lần lượt trở về thăm nhà. Người thì trách ngày ấy cha không chịu đi để có cuộc sống tốt hơn, người thì khen cha tôi có lý khi ở lại . Với ai cha cũng chỉ cười và bảo rằng :"Ấy , cái số tôi nó thế vì sống ở đâu quen ở đó rồi. Cuối cùng thì con cái, đứa nào cũng có dịp ra nước ngoài đấy thôi" Họ cũng được thấy cha mẹ tôi cũng sống thảnh thơi chẳng thiếu thứ gì, muốn đi chơi đâu thì gọi là có xe đón tận nhà. Chẳng như ở nước ngoài, chú tôi phải đợi đến ngày nghỉ mới nhờ được con cháu, mà có khi bận quá chúng cũng chẳng đưa đi được hay như bạn cha tôi đau yếu, bại liệt con cái phải đưa vào viện dưỡng lão vì còn bận đi làm , chẳng có ai săn sóc.

Thấm thoát thế mà cha đã chín mươi rồi. Nhờ trời, cha vẫn đi lại và ăn uống bình thường mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào của con cháu. Chỉ đến khi cha bị ngã rách cùi tay phải đi khâu mấy mũi thì cha mới cần đến sự trợ giúp của con cái. May mà không gãy xương. Ngoài những bữa ăn hàng ngày, tôi còn phải tắm rửa cho cha vì tay chân ông yếu không thể tự mặc ́ áo quần được nữa.Tôi thấy cha gìà hẳn đi. Mắt trũng sâu, cánh mũi khum khum trên cái miệng lúc nào cũng như tủm tỉm cười. Ở ông vẫn toát ra cái vẻ hiền từ dễ mến. Cả ngày ông có thể ngồi yên trên cái ghế nệm ở phòng khách nhìn mọi việc diễn ra trước mắt nhưng lại như chẳng thấy gì vì ông không để ý đến bất cứ điều gì nữa. Ông ngồi đấy nhưng có hỏi : Ai vừa vào nhà ? thì ông cũng chẳng biết. Có chuông điện thoại thì ông nhấc máy nhưng họ nói gì thì ông cũng chẳng nghe và cũng chẳng buồn trả lời. Ông ăn ít đi và ăn làm nhiều bữa. Tắm cho cha , tôi mới thấy ông gầy quá, chỉ còn da bọc xương mà da thì cũng mỏng như tờ giấy, thấy được cả gân máu bên trong. Vậy nhưng ông luôn cố gắng không muốn cho ai thấy mình già yếu đi. Tôi đưa can cho ông chống để chia bớt sức nặng cơ thể ra, để cho bước đi vững hơn nhưng ông nhất định không dùng. Tôi đau lòng khi thấy ông đi liêu siêu, tay bám lấy thành ghế hay bờ tường nhưng nói thế nào ông cũng không dùng can.

Lúc này bạn bè ông cũng chẳng còn ai, có còn thì cũng chẳng có hơi sức để đi thăm nhau. Trông ông lại càng cô đơn. Mẹ tôi cũng già yếu đi nhiều. Chỉ đến bữa ăn tôi thấy ông vẫn sẻ nửa bát cơm cho bà, mặc dù tôi đã sới ít đi để ông đỡ phải sẻ...Rồi ông lại gắp thức ăn cho bà và bảo :"Bà ăn đi..." Tôi hiểu ra là ông luôn muốn quan tâm đến bà và cũng chỉ còn làm được như vậy để săn sóc bà. Mẹ tôi hay lẫn và quên nhiều thứ, con cái đôi lúc bực mình kể với ông thì ông lại bảo :"Bà già rồi nên mới thế, đừng trách bà" . Lúc nào ông cũng yêu quý mẹ tôi, tôi chưa thấy ông to tiếng với mẹ bao giờ. Đôi lúc mẹ tôi có cằn nhằn vì ông làm điều gì đấy không vừa ý bà nhưng rồi mẹ tôi luôn phục tùng ông. Có lẽ điều này làm nên hạnh phúc của cha mẹ tôi chăng? Tôi chỉ còn biết cầu xin trời phật ban tặng cho cha mẹ tôi thêm nhiều sức khỏe để tôi luôn có được cha mẹ bên đời.

Nov 13, 2011

Yêu Nhau Như Ngày Đầu- Phương Hà


NOV 12-2011
Ý nghĩ trong ngày
Thought of the day

Yêu nhau như ngày đầu.
Phương Hà

Buổi tối tôi ngồi ăn cơm với ông xã, nhà chỉ còn 2 vợ chồng không còn trẻ và cũng chưa quá già. Con cái lớn hết rồi nên như chim đủ lông đủ cánh chúng bay đi tập sống cuộc đời tự lập, tự lo không làm phiền đến bố mẹ nữa. Chỉ còn cậu út là còn ở nhà với bố mẹ, nhưng hôm nay là ngày thứ sáu nên sau giờ tan sở, cậu gọi điện thoại về nhà nhắn tin cậu không về nhà và sẽ đi ăn ngoài với bạn.
Tôi với tay mở TV, người giới thiệu chương trình Today Tonight ( một chương trình nói về những chuyện hay những vấn đề đủ mọi đề tài đang xảy ra trong nước Úc ) đang giới thiệu về những cặp già nhất mà vẫn còn ở bên nhau tại nước Úc. TV chiếu hình 2 cặp cụ ông cụ bà đã gần đến tuổi bách tuế (87 tuổi) đang vui vẻ quây quần bên con cháu để mừng ngày các cụ đã song hành sánh bước bên nhau trong cuộc đời này được 70 năm.
70 năm bên nhau trong đời sống vợ chồng thật là 1 thời gian dài mà không phải ai cũng có được cái may mắn như vậy. Nhìn trong đời sống thực tế không phân biệt Tây phương hay Đông phương ngày nay, đã có không biết bao nhiêu là rạn nứt , đổ vỡ trong hôn nhân vì đủ mọi nguyên nhân. Hình như quyết định ly dị đã không còn là một vấn đề khó khăn và đau lòng khi hai vợ chồng đưa nhau ra tòa như ngày xưa nữa, nhất là đặc biệt đối với những cuộc hôn nhân của giới ca sĩ, tài tử điện ảnh. Họ yêu nhau đó, tổ chức đám cưới thật linh đình rồi thì một thời gian ngắn lại đem nhau ra tòa ly dị.
Tôi còn nhớ trong một cuốn video của gia đình gửi qua cho tôi nhân dịp đám cưới của cô cháu gái con bà chị cả, một ông bác trong gia đình khi có đôi lời khuyên bảo, dặn dò cháu trước khi đưa dâu, ông đã khuyên bảo cháu rằng khi hai con đeo chiếc nhẫn cho nhau thì nhẫn này có ý nghĩa là nhẫn nhục, nhẫn nại, nhường nhịn lẫn nhau để duy trì được tình yêu và hạnh phúc lâu dài. Tôi thấy điều này thật chí lý và có lẽ chính chữ nhẫn này theo quan niệm luân lý Việt, mà thế hệ cha mẹ và đến thế hệ của chúng ta đã duy trì được hôn nhân bền bỉ, lâu dài.
Nhìn hình ảnh hai cụ ông cụ bà trông vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn tay trong tay nhảy những bước điệu du dương và kết thúc show là nụ hôn của 2 cụ già với lời dẫn giải của người giới thiệu là tuy đã 70 năm bên nhau, hai cụ vẫn thấy tình yêu của họ như là puppy love.
Tôi thấy cảm động khi xem đoạn cuối của chương trình và tự nghĩ a`, mình sẽ cố nhẫn nhịn hơn 1 chút nữa với cái tính hơi chướng của ông xã bây giờ, phải nhẹ nhàng, dịu dàng hơn 1 chút (để giống như hồi xưa ) , bớt cằn nhằn chàng 1 chút thì tình già sẽ lại như tình thơ yêu nhau như ngày đầu phải không các bạn.



Nov 8, 2011

Diaporama Photos Nude Viet Nam- Duơng QuốcĐịnh


Dịu dàng cỏ hoa - Body Painting Dương Quốc Định


Dương Quốc Định là một trong những nhiếp ảnh gia chụp nude hiếm hoi mà tôi cảm thấy yêu thích. Bởi những góc máy chụp rất có duyên, bởi ý nghĩa cùng với cái thần mà những bức ảnh nude của anh mang lại. Mấy năm gần đây dân chuyên nghiệp chụp ảnh chắc không ai xa lạ với Dương Quốc Định, bởi anh đã đạt rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật ở trong và ngoài nước. Mới đây anh vừa vinh dự được nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi ảnh quốc tế Giuliano Carrara lần thứ  VII  trong một buổi lễ long trọng tổ chức tại Hội trường lớn Tòa thị chính thành phố (Italia) ngày 11/05 vừa qua với sự có mặt của ông Riccardo Busi Tổng thư ký Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP), ông Fulvio Maerlak Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Italia (PIAP) cùng nhiều quan chức và đại diện giới nhiếp ảnh của Italia và thế giới.
Hôm nay tôi muốn mang đến cho các bạn những bức ảnh trong bộ sưu tập Body Painting của nhà nhiếp ảnh gia tài năng Dương Quốc Định. Cảm nhận của tôi khi nhìn những bức ảnh trong bộ sưu tập này là sự hòa quyện thanh thoát nhẹ nhàng giữa những đường cong cơ thể của người mẫu cùng với những đường nét hoa thanh thoát được vẻ chi tiết và cầu kì lên cơ thể của những người đẹp.  Ngọt ngào dịu nhẹ những nhánh hoa người giữa đất trời và thiên nhiên, tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng mà tạo hóa ưu ái dành tặng của nhân loại. Mời các bạn cùng ngắm nhìn và cảm nhận vẻ đẹp tinh tế của bộ ảnh này.





















                                                                Ảnh: Nghệ sĩ Dương Quốc Định

Nov 7, 2011

Suối Vàng- Thơ Bích Quy




S U Ố I      V À N G
                                              Bích  Quy

                 Thác Bạc từ trời
                 Qua nơi tiên cảnh
                 Đổ xuống bồng lai
                 Tạo thành con suối
                 Có tên Suối Vàng

                 Tạm biệt trần gian
                 Hồn ai trong sạch
                 Bay về nơi đây
                 Cùng nhau ca múa
                 Cùng nhau vui vầy

                  Suối Vàng...Suối Vàng
                  Hãy sống đàng hoàng
                  Đầy lòng nhân ái
                  Để trở về đây
                  Gặp  nhau chốn này.
                  
  


66 lời khuyên cho cuộc sống


66 lời khuyên cho cuộc sống

1. Sở dĩ người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm.

2. Nếu anh không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho anh. Vì chính tâm anh không buông xuống nỗi.

3. Anh hãy luôn cảm ơn những ai đem đến nghịch cảnh cho mình.

4. Anh phải luôn mở lòng khoan dung lượng thứ cho chúng sanh, cho dù họ xấu bao nhiêu, thậm chí họ đã làm tổn thương anh, anh phải buông bỏ, mới có được niềm vui đích thực.


5. Khi anh vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi anh đau khổ, anh hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn.

6. Sự chấp trước của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai.

7. Anh có thể có tình yêu nhưng đừng nên dính mắc, vì chia ly là lẽ tất nhiên.

8. Đừng lãng phí sinh mạng của mình trong những chốn mà nhất định anh sẽ ân hận.

9. Khi nào anh thật sự buông xuống thì lúc ấy anh sẽ hết phiền não.

10. Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành.

11.Người cuồng vọng còn cứu được, người tự ti thì vô phương, chỉ khi nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi mình, mới có thể thay đổi người khác.

12. Anh đừng có thái độ bất mãn người ta hoài, anh phải quay về kiểm điểm chính mình mới đúng. Bất mãn người khác là chuốc khổ cho chính anh.

13. Một người nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho kẻ khác, thì lòng họ sẽ không bao giờ được thanh thản.

14. Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác.

15. Hủy diệt người chỉ cần một câu, xây dựng người lại mất ngàn lời, xin anh “ đa khẩu hạ lưu tình”.

16.Vốn dĩ không cần quay đầu lại xem người nguyền rủa anh là ai? Giả sử anh bị chó điên cắn anh một phát, chẳng lẽ anh cũng phải chạy đến cắn lại một phát?

17. Đừng bao giờ lãng phí một giây phút nào để nghĩ nhớ đến người anh không hề yêu thích.

18. Mong anh đem lòng từ bi và thái độ ôn hòa để bày tỏ những nỗi oan ức và bất mãn của mình, có như vậy người khác mới khả dĩ tiếp nhận.

19. Cùng là một chiếc bình như vậy, tại sao anh lại chứa độc dược? Cùng một mảnh tâm tại sao anh phải chứa đầy những não phiền như vậy?

20. Những thứ không đạt được, chúng ta sẽ luôn cho rằng nó đẹp đẽ, chính vì anh hiểu nó quá ít, anh không có thời gian ở chung với nó. Nhưng rồi một ngày nào đó khi anh hiểu sâu sắc, anh sẽ phát hiện nó vốn không đẹp như trong tưởng tượng của anh.

21. Sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, nên phải trân quý. Khi tôi khóc, tôi không có dép để mang thì tôi lại phát hiện có người không có chân.

22.Tốn thêm một chút tâm lực để chú ý người khác chi bằng bớt một chút tâm lực phản tỉnh chính mình, anh hiểu chứ?

23. Hận thù người khác là một mất mát lớn nhất đối với mình.

24. Mỗi người ai cũng có mạng sống, nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó, thậm chí trân quý mạng sống của mình hơn. Người không hiểu được mạng sống thì mạng sống đối với họ mà nói chính là một sự trừng phạt.

25. Tình chấp là nguyên nhân của khổ não, buông tình chấp anh mới được tự tại.

26. Đừng khẳng định về cách nghĩ của mình quá, như vậy
sẽ đỡ phải hối hận hơn.

27. Khi anh thành thật với chính mình, thế giới sẽ không ai lừa dối anh.

28. Người che đậy khuyết điểm của mình bằng thủ đoạn tổn thương người khác là kẻ đê tiện.

29. Người âm thầm quan tâm chúc phúc người khác, đó là một sự bố thí vô hình.

30. Đừng gắng sức suy đoán cách nghĩ của người khác, nếu anh không phán đoán chính xác bằng trí huệ và kinh nghiệm thì mắc phải nhầm lẫn là lẽ thường tình.

31. Muốn hiểu một người, chỉ cần xem mục đích đến và xuất phát điểm của họ có giống nhau không, thì có thể biết được họ có thật lòng không.

32. Chân lý của nhân sinh chỉ là giấu trong cái bình thường đơn điệu.

33. Người không tắm sửa thì càng xức nước hoa càng thấy thối. Danh tiếng và tôn quý đến từ sự chân tài thực học.Có đức tự nhiên thơm.

34. Thời gian sẽ trôi qua, để thời gian xóa sạch phiền não của anh đi.

35. Anh cứ xem những chuyện đơn thuần thành nghiêm trọng,như thế anh sẽ rất đau khổ.

36. Người luôn e dè với thiện ý của người khác thì hết thuốc cứu chữa.

37. Nói một lời dối gian thì phải bịa thêm mười câu không thật nữa để đắp vào, cần gì khổ như vậy?

38. Sống một ngày vô ích, không làm được chuyện gì, thì chẳng khác gì kẻ phạm tội ăn trộm.

39. Quảng kết chúng duyên, chính là không làm tổn thương bất cứ người nào.

40. Im lặng là một câu trả lời hay nhất của sự phỉ báng.

41. Cung kính đối với người là sự trang nghiêm cho chính mình.

42. Có lòng thương yêu vô tư thì sẽ có tất cả.

43. Đến là ngẫu nhiên, đi là tất nhiên. Cho nên anh cần phải “ tùy duyên mà hằng bất biến, bất biến mà hằng tùy duyên”.

44. Từ bi là vũ khí tốt nhất của chính anh.

45. Chỉ cần đối diện với hiện thực, anh mới vượt qua hiện thực.

46. Lương tâm là tòa án công bằng nhất của mỗi người, anh dối người khác được nhưng không bao giờ dối nổi lương tâm mình.

47. Người không biết yêu mình thì không thể yêu được người khác.

48. Có lúc chúng ta muốn thầm hỏi mình, chúng ta đang đeo đuổi cái gì? Chúng ta sống vì cái gì?

49. Đừng vì một chút tranh chấp mà xa lìa tình bạn chí thân của anh, cũng đừng vì một chút oán giận mà quên đi thâm ân của người khác.

50. Cảm ơn thượng đế với những gì tôi đã có, cảm ơn thượng đế những gì tôi không có.

51. Nếu có thể đứng ở góc độ của người khác để nghĩ cho họ thì đó mới là từ bi.

52. Nói năng đừng có tánh châm chọc, đừng gây thương tổn, đừng khoe tài cán của mình, đừng phô điều xấu của người, tự nhiên sẽ hóa địch thành bạn.

53. Thành thật đối diện với mâu thuẩn và khuyết điểm trong tâm mình, đừng lừa dối chính mình.

54. Nhân quả không nợ chúng ta thứ gì, cho nên xin đừng oán trách nó.

55. Đa số người cả đời chỉ làm được ba việc: Dối mình, dối người, và bị người dối.

56. Tâm là tên lừa đảo lớn nhất, người khác có thể dốianh nhất thời, nhưng nó lại gạt anh suốt đời.

57. Chỉ cần tự giác tâm an, thì đông tây nam bắc đều tốt. Nếu còn một người chưa độ thì đừng nên thoát một mình.

58. Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ này, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.

59. Nếu anh có thể sống qua những ngày bình an, thì đó chính là một phúc phần rồi. Biết bao nhiêu người hôm nay đã không thấy được vầng thái dương của ngày mai, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành tàn phế, biết bao nhiêu người hôm nay đã đánh mất tự do, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành nước mất nhà tan.

60. Anh có nhân sinh quan của anh, tôi có nhân sinh quan của tôi, tôi không dính dáng gì tới anh. Chỉ cần tôi có thể, tôi sẽ cảm hóa được anh. Nếu không thể thì tôi đành cam chịu.

61. Anh hi vọng nắm được sự vĩnh hằng thì anh cần phải khống chế hiện tại.

62. Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh.

63. Người khác có thể làm trái nhân quả, người khác có thể tổn hại chúng ta, đánh chúng ta, hủy báng chúng ta. Nhưng chúng ta đừng vì thế mà oán hận họ, vì sao? Vì chúng ta nhất định phải giữ một bản tánh hoàn chỉnh và một tâm hồn thanh tịnh.

64. Nếu một người chưa từng cảm nhận sự đau khổ khó khăn thì rất khó cảm thông cho người khác. Anh muốn học tinh thần cứu khổ cứu nạn, thì trước hết phải chịu đựng được khổ nạn.

65. Thế giới vốn không thuộc về anh, vì thế anh không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là những tánh cố chấp. Vạn vật đều cung ứng cho ta, nhưng không thuộc về ta.

66. Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và tâm trí huệ.

Internet