Nov 30, 2010

Vidéo họp mặt các TV63-70 2010 tại VN

Hoan hô P Hà và Thảo UL , đã cho các bạn xem ngày họp chợ ở VN,

nhìn mọi người vui vẻ quá, mong Hảo Chi , Anh Thư sẽ ghi lại đầy đủ

chi tiết của ngày vui qua mau,

Chúc các bạn luôn yêu đời nhé, nếu được ở gần T T Ngọc , thì chắc chắn

sẽ cười nhiều.


Hải Châu




Vidéo do Phương Hà thực hiện

KThanh + TUL



Các bạn TV 63-70 bên VN và P Hà (Úc) - Thảo UL cùng T T Ngọc-Hảo Chi (Mỹ)
-



KThanh và TUL với Bò lá lốt + Bò cuốn bánh tráng chấm mắm nêm


CHẢ NEM CHIM GÁY



Ấn, Triện bằng vàng , ngọc của Triều NGUYỄN
hiện dược trưng baỳ trong Bảo Tàng Lịch Sử VN.
Một hôm chủ làm cơm đãi khách
Bảo người nhà liệu cách thịt chim
Thưa rằng xin chủ định xem
Một đôi chim gáy chả nem con nào ?
Một con thì tiếng cao giọng tốt
Một con thì kêu hót không hay
Chủ rằng còn hỏi chi bay ?
Con không biết gáy cho mày vặt lông
Chim bị giết vì không biết gáy
Người không tài lấy đấy làm gương !


Người không tài ! ? Ai là người tài ?... Thiên tài là cả một cố gắng lâu dài . Biết bao nhiêu những danh ngôn ở đời khuyên loài người phải bền chí, cố gắng trau dồi học vấn, luyện tập cái gì thì cũng phải bỏ công phu. Ai cũng có sở trường sở đoản, và nhiều khi từ bước chưa thành công sang đến bước hiển đạt, nó chỉ có một bước lạnh lùng. Tôi không biết mình có tài hay không?, Nhưng thấy những chuyện ở đời, nhiều đứa chẳng tài cáng gì, lại có quyền có chức, và giàu có ...Ngẫm khi xưa, lão Cao Cầu ( trong truyện Thủy Hử) chỉ tài giỏi có mỗi chuyện đá cầu mà sau này làm lên chức Thừa Tướng ! Mở đầu câu chuyện Thuỷ Hử, là cái lão quan ngu xuẩn , nhất định đòi mở nắp cái hồ lô chứa 108 hung thần ở trỏng. Ác khí cuồn cuộn bay lên trời- thành Thiên La Địa Võng... chuyện thật là ly kỳ và hấp dẫn vô cùng. Tại sao thời nào cũng có những ác tinh xuất hiện , để cho những đứa như Cao Cầu " Lũng Đoạn Thị Trường Chính Trị Kinh Tế " ? Nói về những kẻ bất tài mà sao không đem ra làm thịt làm chả nem đi cho rồi ! ( ai mà dám ăn ? ) thì nó chán vạn ! Nhưng mà nó bất tài nó lại chẳng chịu " Thôi thì về đi cày " nó cứ đòi đi xứ cơ chứ ! Đôi khi Ông Tạo muốn chơi khăm là thế !




Trời làm một cuộc lăng nhăng
Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông.

Trong Kinh Thánh , sách Châm Ngôn còn chép rằng: Điều làm cho đất rúng động và chẳng chịu nổi được là : Kẻ tôi tớ khi được tước vị Vua !
Có lúc tôi tự hỏi cái bài học thuộc lòng lớp Bốn của tôi ngày xưa, cô giáo tôi đã phải giảng ra sao cho việc "Phải là ngườiTài ? "
Con chim kia không có tài hót- chẳng lẽ nó không còn có tài gì khác ? Nó có thể bay cao ? Màu lông của nó đẹp ? Đôi mắt của nó trong ? ...Hay là nó giữ nhiệm vụ truyền giống ? Sao laị lựa một bài học thuộc lòng mà bắt trẻ con phải suy nghĩ mông lung ? Hay là thịt của nó ngon đến độ làm " Chả nem chim Gáy " thì hết xảy ? ?
Người có tài,được biệt đãi.Dĩ nhiên... còn những kẻ vô tài bất tướng , gặp cơ hội lên như diều . Điều đó thật là khốn nạn cho nhân loại !
Năm đó tôi còn bị đi dạy học . Đồng chí Thủ Trưởng của tôi , tức là lão hiệu trưởng , văn dốt vũ dát , không biết học hành đến đâu mà viết một tờ " giấy giới thiệu " không xong ! Tôi được cử đi " Công Ty Rượu Bia " mua nước ngọt cho giáo viên trong trường ( mua cho thày cô bồi dưỡng ! ) Lão hiệu trưởng viết ba lần mà vẫn là " Rựu Bia " ! Rồi lão quê quá bảo tôi :" thôi cô viết hộ anh đi, rồi anh Ký "
Hiệu trưởng một trường Trung Học cũng chỉ tốt nghiệp lớp ba trường Làng ! hỏi sao mà Đất Không Rúng Động ?? Ở những nước dân chủ thực sự , kiếm kẻ hiền tài tuấn kiệt nó đâu có hiếm đâu ? Nhiều hơn lá mùa Thu ! Nhưng ít ra người ta cũng còn biết tự trọng , nếu mình bất tài thì " Về mà đuổi gà cho vợ " để đứa khác nó thông minh giỏi giang ra gánh vác sơn hà !

Đôi lúc tôi ước ao cái nước Nam của tôi có được vị Nguyên Thủ Quốc Gia thông minh một tí, hay là có lòng từ bi độ lượng gì đó cũng được. Giả dụ được như Minh Trị Thiên Hoàng , dám khuyên cả nước thắt lưng buộc bụng , dành tiền mua sách vở giấy mực, khuyến khích cha mẹ chăm sóc cho con cái học hành. Vì chỉ có Học mới tiến bộ . Rồi thì tiểu sử của ông to bà lớn đó sẽ được ( có cái gì ) đề cao cho con cháu noi theo . Ôi nhưng đó cũng " Chỉ Là Mơ Qua " Nói thật , nếu tôi có bị treo hình ai đó trong nhà , mà người trong ảnh không ra cái Thá gì, Lười biếng , Nhậu Nhẹt, Phét Lác, Cẩu Thả ,Gian Dối. Thì " các đấng tôi sinh thành ra " tức là lũ con cái của tôi ! sẽ bảo :
Bé không học, lớn sẽ giống Ông ( Bà ) này !
Vì vậy tôi rất sợ không bao giờ dám treo hình tôi ở trong nhà !
Trời hôm nay xanh trong... nắng vàng rọi bóng lá, tàu lá chuối mềm mại sát cánh bên nhau . Dàn Thiên Lý cũng xanh rờn rợn lá và hoa vàng lấm tấm... Cảnh đồng quê để tôi liên tưởng đến đời sống thôn ổ . Ngày xưa, ông cha ta luôn một lòng hiếu học. Ngườikhông biết chữ, thì mong sao cho con được học , đỗ đạt thành danh. Kẻ được đi học thì mong được học tới nơi tới chốn và làm vinh danh cha mẹ. Người nước Nam luôn coi trọng sự học và nhờ sẵn thông minh nên sự tiến bộ cũng có phần khấm khá ! Tôi cứ nghĩ như vậy để quên cái buồn của một kẻ Vong Quốc Suốt đời làm thân du mục. Tôi hy vọng ngày nào còn sống, được trở lại quê nhà, tôi không thấy tủi vì thanh niên Việt Nam sao còm cõi và xấu xí quá ! Đã chẳng đẹp trai chút nào , đã thế lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc ! khói sặc sụa. Hàm răng không sún thì xỉn ! và mồm miệng có đẹp mấy thì vẫn hôi khói thuốc, bẩn nhất là luôn miệng chửi thề ! không biết ngượng ! Ít ra, đi đến đâu, nếu thấy đám thanh niên nam nữ có nét thanh tú tự trọng, thì mình Vinh Dự là người Việt Nam biết mấy! ?


Tác giả

Ở các nước tân tiến, dĩ nhiên là họ dư tiền cho công dân của họ đủ diều kiện đến trường. Trẻ được học miễn phí đến hết bậc trung học ( và còn giáo dục cưỡng bách ) lớn học đai học, nếu lợi tức thấp, họ được chính phủ tài trợ . Một là cho vay ( không lãi xuất) hai là cho học bổng rất chu đáo để tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp đại học.
Tôi chợt nghĩ, xưa kia ông cha ta bị thực dân bắt làm nô lệ , lớp thanh niên ngày đó có theo Tây học thật, nhưng tinh thần bài Tây và chống lại kẻ thống trị hà khắc lúc nào cũng dâng cao ! và họ cũng luôn luôn chứng tỏ tinh thần hiếu học, cùng sự thông minh sáng dạ của người Việt Nam. Lớp người trước so với bây giờ có gì khác không ? Tự hỏi và cũng đã tự trả lời. Muốn nước Việt mau hùng tiến bằng các nước bạn láng giềng ( Thái Lan, Nam Hàn , Nhật Bản ... ) tôi thiết tưởng chẳng gì hơn là khuyến khích con em cháu chắt , nuôi dưỡng sự Học. Làm sao giúp được cho trẻ đủ điều kiện đến trường, đủ ăn , đủ mặc, và đủ sách đèn.. Ai chẳng muốn Vươn Lên ? Và hãy tự làm " Lương Sư " để thấy được " Hưng Quốc "

Nov 28, 2010

CHIỀU LÊN ĐỈNH NÚI.

Tranh hoạ sỹ Nguyên Khai


Những ngày ở Đà Lạt trôi qua như một giấc mộng. Buổi sáng, tôi đi học sớm, sương mờ Đàlạt không thấy người đi trước cả thước. Quãng phim đời cứ lần lượt trôi... Em Tường Vân , cô bạn láng giềng, chờ tôi ở ngõ, hai cô bé thắt bím đuôi sam , hẹn nhau cùng mặc một màu áo len đỏ hay tím , để làm một cặp bài trùng, hai đứa lũn cũn thả bộ đến trường.
Ngày đó bình an, trẻ con đi học cứ thơ thẩn đi tốp hai tốp ba, chẳng sợ mẹ Mìn , mẹ Mốc bắt cóc là cái gì cả ! Đà Lạt trong tôi, những ngày lạnh, quấn tay vào vạt áo dài, tay kia ôm vài quyển vở, đến trường trong sương sớm.
Tôi gởi vào Đà Lạt tuổi thơ trong sáng, thơ ngây đến độ chỉ thích trò chuyện với những khóm hoa trồng trước cửa . Hoa Bươm Bướm trắng và tím, Chào nhé, tôi đến trường, vẫy tay với Violét Đoá Hoa Đồng Thảo, và cánh hoa Thược Dược sắc sảo mặn mà . .. Lớp Ba, học trò trường tiểu học , ngồi trong nhà nhìn ra cái cây Khuynh Diệp là đà cao, buông xoã tóc dài. Tiếng guốc ai quèn quẹt buổi trưa, những buổi trưa bị nằm ngủ,mà ngủ không được, hé mắt nhìn những hình người ngựa qua đường in lên vách nhà, hoạt động như đang xem Cinema ! Rồi bất chợt thiếp đi, và được đánh thức dậy, mẹ mua cho cây cà rem dưà trắng sữa !
Kho tàng mơ mộng của tôi chứa đầy những mùi thơm hắc của các loài hoa tôi đã gặp trong vườn . Tôi yêu khóm Tường Vi hay còn gọi là nụ Tầm Xuân có hoa đỏ và trắng xen kẽ , nụ cười mong manh nhưng đượm vẻ kiêu kỳ . Hoa Phong Lữ Thảo, nhiều màu , mà đặc biệt là màu đỏ, dễ nổi bật bên khung cửa sổ màu nâu. Nó như Cổ Tích không thể thiếu lời kể : Ngày xửa ngày xưa... có hoa Phong Lữ Thảo...Ơi, hoa Phong Lữ Thảo rụng nhiều hay ít ??
Xa Đà Lạt năm lên chín tuổi để về tiễn bố ra khỏi cuộc đời ! bố đến và đi như cổ tích.. . Rồi tôi lại có duyên thầm với Đà Lạt khi trở lại làm khách trọ lữ quán Sinh Viên... 1967 tôi lên thăm chị đang học thi cuối khóa, còn tôi thì nghỉ hè ! Năm tôi mười lăm tuổi . Tuổi chưa lớn mà cũng chưa phải thực sự trưởng thành để mà xuân thì đến độ ! Tôi đến để thấy Đà Lạt một thời huy hoàng thịnh đạt như một Paris thứ hai. Paris trong tâm tưởng những sinh viên trẻ rèn luyện tâm tư tình cảm nơi một chốn thiên nhiên ưu đãi : non thanh nước biếc, với những trường đại học nổi tiếng : Viện Đại Học Đà Lạt với khoa Chính Trị Kinh Doanh ! Trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị . Trường Võ bị Quốc Gia. Tụ kết toàn những trang tuấn kiệt nam thanh nữ tú.
Vì vẫn còn lao đao chinh chiến nên Đà Lạt lúc đó rất giới hạn cho khách viễn du được ngắm hết cảnh Đà Lạt. Tôi được di thăm Thác Đartang La.Thác Gougha Thác Pont Gour.Píc níc ở Suối Tiá Suối Vàng !
Những chiều ở Đà Lạt đồi thông xanh rì rào như tiếng thở dịu dàng trầm ấm của người yêu. Tôi có mơ mộng lắm không khi cứ nghĩ về Đà Lạt thì chỉ thấy " Xanh xanh dãy liễu ngàn thông ..." Mơ về Đà Lạt phải nói đến Người Mơ! Gởi đến ai đó giấc mơ của tôi:

Màu xanh ơi , tôi là biển cả
Trắng là mây
Hồng là niềm nhớ
Đỏ thắm trái tim này
Cam đoá hồng ai đã tặng .
Vàng tươi nắng lụa
Và xanh ngọt tình nồng trong mắt trong
Hãy ngân lên...tiếng nhạc
Phím tơ đồng , với sắc màu đã điểm...
Đính đoong ...ngân dài ... ngân khẽ...
Bản đàn của màu sắc lẫn thinh không ...

Ở một nơi ai cũng đẹp ( vì luạ ) và dễ quen nhau. Đà Lạt tha hồ ăn mặc. Ra đường phải Pardessus, Manteau, mũ Beret, khăn quàng cổ... Chân giày chân dép , chứ không được guốc lẹp kẹp như ở nơi khí hậu nóng như Sai Gòn .
ĐàLạt đẹp về cảnh, về hoa, về thông xanh, hồ biếc. Món ăn cũng đặc biệt Đà Lạt.Phải lên Đàlạt để ăn một tô mì Quảng ! Trước tiên phải là không khí hơi se lạnh của Đà Lạt.Rau phải tươi , nhiều rau húng và ớt phải cay. Đậu phọng giã dập. Mùi Mì Quảng đặc biệt chẳng nơi nào có được, cái sợi mì vàng nằm thong thả kiêu kỳ trong cái tô " Chiết Yêu "
Nước dùng ngọt và vừa ăn. Mệ bán mì ung dung tự tại, rất ít lời và không thèm nói- Nếu có đứa trót dại mà xin thêm chút nước lèo !
- Mì Quảng ăn ( ở Cây số bốn ) ít nước mới ngon ( Răng kỳ rứa ? )
Tôi thích xơi bánh bèo chén . Mấy O gánh bánh vừa thoăn thoắt chân, vừa rao ngân nga...Ăn một lại muốn ăn hai... Đa số những món ngon ở Đà Lạt đều đưa vào từ Huế .
Ngày đó xưa quá, nhỏ dại quá để mà nhớ viết về hàng quà.
Vì tôi rời xa Đà Lạt lúc còn bé, nên không thưởng thức được mùi vị Cà phê Tùng, Cà phê Thủy Tạ. Tôi chỉ có một mối tình si đã gởi vào Đà Lạt với muôn ngàn thương nhớ. Ơi suối biếc ngàn thông, một chiều lên đỉnh núi để tặng núi bài thơ Tháng Chạp :
NK
Tháng Chạp trời hanh nắng muộn ngày
Những ngày ôm mộng nhớ đầy tay....
Chiều xuân hờ hững xuôi tình suối
Hoa tím ngày xuân buồn không hay...

Đà Lạt lắm thác nhiều ghềnh. Đường vô ngõ thác quanh quanh.. . Ngày đó nhà tôi ở trên đường Hoàng Diệu. Khu Lò Gạch, và đi tới hết con đường thì vào các ngõ bản Làng, chênh vênh vài căn nhà sàn của người Thượng. Đi một đỗi nữa là đến Thác Cam Ly. Tôi lên tám, mà dám theo chị cũng chỉ mười hai tuổi. Dẫn ba đứa em đi chơi Thác. ( mẹ tôi gan thật, dám để trẻ con vào rừng chơi không có người lớn đi cùng ) Tôi nhớ mình đi Thác giống như đi ra chơi sau vườn . Thác chỉ đẹp khi mùa mưa, nước đổ ào ào, nhưng Cam Ly thì dịu dàng hơn. Ngày đó, cảnh còn hoang dã , tiếng rừng âm u, cành lá đan nhau. Tôi không nghe chim kêu vượn hú, nhưng có tiếng ve ra rả...và tiếng Thác hòa như một bản hùng ca. Năm đó mùa hạt dẻ trúng lớn, những cây dẻ cao tít tắp, ngước mắt nhìn mãi không thấy ngọn. Chị tôi và bạn tên chị Mai Hiên, đã mang theo những bao vải ( chắc là áo gối ) để đựng hạt dẻ. Tha hồ mà hốt, như chui vào vựa. Hạt dẻ đem về rang hay luộc rất ngon ngọt. Tôi ngồi nghe Thác đổ, rừng thở dài, tựa lưng vào gốc cây mà ngắm mây trời .
Chị Mai Hiên thấy bên gốc cây tôi ngồi là một cây Ngọc Lan cổ thụ rất nhiều hoa. Chị nhảy lên cái ghế đá công viên ở đó mà trèo lên cây hái cho được nhiều Ngọc Lan.
Bỗng tôi nghe chị rớt cái Bịch! nằm sóng xoài. Trán đập vào thành ghể đá, máu chảy lênh láng và chị bất tỉnh !!
- Chị đã trèo đúng vào cái cành cây bị mục nên bị gãy rơi xuống
Tôi nhớ mãi đôi măt lo âu sợ sệt của bà chị tôi khi thấy bạn mình gặp nạn. May nhờ có mấy bà " Lên Đồng " ở trong cái miếu cạnh cây Ngọc lan, mấy bà ra lấy khăn lau trán, dịt thuốc và gọi xe chở chị Mai Hiên vào bệnh viện. Chị em tôi cũng líu ríu ra về. Bà chị cả của tôi còn phải làm một màn thông báo đến nhà bạn Mai Hiên của chị, ( cũng ở trên đường Hoàng Diệu ) . Tôi nghe các bà Đồng bảo nhau
- Leo trèo phá phách, bị " Cô " quở đấy !
Có đúng không hở các cụ bạn ?

PHÓNG SỰ HÌNH ẢNH CHUYẾN ĐI VIỆT NAM CỦA TUL OCT 2010

You are invited to view 114968641311403859417's photo album: New Folder
New Folder
Apr 14, 2010
by 114968641311403859417
To share your photos or receive notification when your friends share photos, get your own free Picasa Web Albums account.

TRẢ LẠI CHO EM

Ngô Thụy Miên

Quỳnh Lan trình bày

Nov 27, 2010

Thương má


Tình Mẫu Tử Tranh Anh Vũ


Thương má


Con đã qua thời thiếu nữ

Bước vào tuổi bốn mươi

Cái tuổi bắt đầu chín chắn

Để nhìn lại những chặng đường qua

Nghĩ thương má đã vội đi xa

Khi con vừa tròn mười tám

Con chưa hề biết sẻ chia với má

Chưa hiểu cái vạc, thân cò

Biển đời nông, sâu chìm nổi

Rồi con vượt cạn lần đầu

Má đâu còn để ấp ủ

Bệnh viện đông người

Lời mẹ con trìu mến, thân thương

Con nuốt nước mắt, tủi phận mình

Sao má không ôm con để chia điều hạnh phíc

Con cũng được làm mẹ, ôi, thiêng liêng, kỳ diệu

Cháu là trai, con nhớ lời má dặn:

Phải « công thành danh toại »

Và nối bước cha anh

Cháu lớn lên trong những ngày thiếu thốn

Biết lẫy, biết bò, chập chững biết đi

Con bắt đầu lo toan, vất vả

Như một bà mẹ trẻ, như má ngày xưa

Cháu thứ hai lại tiếp tục chào đời

Cháu là gái, con thấm thía lời má bảo :

« Con gái xấu, người ta cười chê

Con gái đẹp, đời lắm nỗi truân chuyên.. »

Các cháu lớn một năm, con già thêm một tuổi

Vẫn nghĩ thương má, một đời khó nhọc

Khi con biết : « gừng cay, muối mặn »

Tình chồng vợ, nghĩa thủy chung

Vui mái ấm gia đình, bên tiếng cười con trẻ

Con mới hiểu ba, những ngày không có má!


Bùi Trân Thúy


Tình mẹ

Trình bày MỹTâm


Nov 26, 2010

NHỮNG NGƯỜI HAY HÁT


Nhà tôi ( tức là gia đình tôi ) ai cũng thích hát ( nghêu ngao cho đỡ cơn buồn ). Các ca sỹ, thì đáng cho về vườn từ khuya, mà lại cứ rên rỉ. Cô em kế tôi, tưởng mình có giọng chuông vàng, lúc nào cô cũng í ẳng, nghe lạnh lùng. Mà hát có ra bài bản gì thì cũng phúc! Hát mãi có một câu . Đôi khi quên lời thật, và nhớ bậy hát bạ , thật là vô phúc cho cái đưá nghe. Ví dụ cô hát : Bàn Tay Đâu ?? Sờ Không Thấy Nữa !!
Hát thế thì ai hiểu được là Tay Ải Tay Ai ?? Và Sờ cái gì ?? Vậy mà hát suốt ngày được !
Còn chị Nhớn, vốn dĩ đã ám sát âm nhạc, mà chị chỉ có ca ngợi Chúa, nên Chúa cũng xính xái những nốt lên bổng xuống trầm vô lý của chị.Chị hát thì hơn Văn Công Bắc Bộ khoan lỗ nhĩ, nhưng chị tuyên bố là " Chị hát với lòng Thành, " Chúa rất cảm động tấm lòng tôn vinh Chúa của chị, nhưng cái ban hát thì nó mời chị ra chỗ khác làm thính giả ! vì những ca sỹ đứng bên cạnh chi, hát lạc giọng hết ráo trọi. Vậy mà cũng có lần chị được ái mộ hết sức., Chị ở trong đội hợp ca của lớp ( bữa đó tôi và chị cùng đi cắm trại với trường ) Các chị hát bài Ngựa Phi Đường Xa, .. Lúc hát : Kìm từ từ...thì chị tôi solo giả tiếng ngựa hí..Hí lên một hồi giống dễ sợ, ai nấy phục lăn !
Tôi không dám nói là mình hát hay, bằng cớ là khi tôi nghêu ngao một mình trong bếp, có lần tôi bị cậu em đưa cho tôi một con dao phay, tôi còn đương ngạc nhiên hỏi để làm gì ? thì cậu bảo :
-Dao đây, xin bà giết tôi đi rồi bà tha hồ hát !
Tôi lườm cho cậu một phát, rồi nói :
- Lấy bông gòn mà bịt tai vào, đây thực hiện quyền tự do ngôn luận. Nghe thủng chửa ? ?.
Ngay cả đến mẹ tôi , cụ cũng thích hát nữa, rõ ràng là mỗi lần cụ hát thì tôi cứ rởn gai ốc.
Giọng cụ cao hơn nữ danh ca Thái Thanh ,mà nó lại chua ( hơn cái gì thì bạn biết rồi ) Tôi dúi đầu vào hai cái gối mà thái dương vẫn cứ tưng tưng. Không ai dám cấm cản bà hát cả ! Nhưng có một lần ( thật cảm tạ Thánh A LA ) sau đó bà chừa không thèm hát nữa. !
Hôm đó bà ru cháu ngoại ...Í À ...Í ƠI...Rủ nhau lên núi hái chè
Hái dăm ba mớ, xuống xe ta ngồi...
Uả, đi lên núi bằng" Xe Đò Hoàng " hay sao mà lại mới có dăm ba mớ đã bị gọi xuống xe ? (Xe đò Hoàng chở người Việt lên xuống Nam Bắc Cali ).
Thì ra cụ nhớ sai:
Rủ nhau lên núi hái chè
Hái dăm ba mớ xuống khe ta ngồi
Xuống khe tìm chỗ bạn ngồi
Tìm nơi bạn tựa, tìm lời thở than...

Mình đang lẩm nhẩm mấy câu ca dao hữu tình , thì thấy thằng cháu nhỏ (mười tuổi ) níu chân bà ngoại khẩn khoản :
- Ngoại ơi, thôi ngoại đừng hát nữa, có được không ngoại ?
- Sao thế hở con ? Ngoại đang ru em mà , con không thích bài này hở ?
- Không , nhưng mà Học sợ nghe ngoại hát lắm !
Giời ơi, hát mà đến trẻ con nó phải sợ, thì ngoại đành giải nghệ cho rồi !
Lũ " Hậu Sinh Khả Ố " của nhà tôi hỏi rằng :
- Sao người Việt Nam làm nhạc làm thơ gì đâu mà buồn não nùng ? Lúc nào Thơ cũng phải có Mùa Đông , Hoa Tím. Mưa gào,Gió to..Nhớ người yêu cũ... và bắt buộc phải có chữ Buồn ! Nếu mà không đúng như thế con xin mất tiền cho mẹ đấy !
-Có bản " Anh cho em muà Xuân " đấy thôi ? Nhạc và lời hay thế, buồn hồi nào ?
- Vẫn có Chiều Đông nào nhung nhớ...
Ừ, sao thi ca, âm nhạc nó cứ lâm ly ai oán thế nhỉ ?
Tôi tự hỏi và mãi mơi có câu tự trả lời : Sao lại có ông nhạc sỹ viết "Tủi Nhục Ca "
Tủi Nhục mà còn Ca được ? ? Cụ Chế Lan Viên thấy " Muôn ma Hời sờ soạng dẫn nhau đi " . Ma Việt Nam lại còn Ca nữa ?
Nhạc,cũng như ca hát, là nghệ thuật ghi lại những gì đã xảy ra... diễn biến tâm tư tình cảm . Tủi nhục nhưng vẫn viết, hát lên làm thổn thức những con tim tan nát, hay cả những trái tim sắt đá. Đừng quên những tủi nhục đó - hãy biến thành những vinh hạnh sau này.
Đoạn đường núi Sọ. Thế Chiến Quốc Xuân Thu
Tủi nhục vẫn nuốt lệ, chờ một tương lai tươi đẹp , thoát khỏi đường hầm u tối..
.... Có được niềm tin, thì mình có thể vá được trời đất..."
Tủi Nhục Ca, Thơ Hà Thúc Sinh
Phạm Duy phổ nhạc Khánh ly hát.

"ĐÙA DAI" ĐÁNG TỘI TRẢM CỦA QUEENMAB

Lần đó trú mưa ở ngoài cổng một trường trung học, Tôi tần ngần đọc cái bảng niêm yết. À có danh sách học sinh được trúng tuyển hay lên lớp gì thì tôi quên rồi, chỉ nhớ tôi đã lấy cây viết chêm thêm vào đằng sau cái tên Nguyễn Ướt một chữ " Mem ".
Nguyễn Ướt Mem

Chắc bữa đó giời mưa to quá, tôi cũng bị ướt mem. Tôi kể sơ cho bạn thấy ít ra cũng có mười chữ để viết vào sau chữ ƯỚT. ƯỚT Mèm, Sũng, Đầm , Nhẹp, Võng, Lướt Thướt, Dầm Dề, Ướt tiêu điều, Ướt ráo trọi, và Ướt át nữa...
Mà cơ khổ, sau đó vài ngày đi qua trường này, cái bảng tên vẫn còn đó, mà rất nhiều tên khác đã được kèm thêm những tên ở sau đuôi, nhịn cười không nổi. Thật cái trò đầu têu của tôi vô cùng tai hại.
Tôi xin nhắc lại, tiếng Việt vô cùng phong phú, hơn bất ký thứ tiếng nào trong thế giới loài người ( xin lỗi, tôi chỉ biết rành tiếng Việt và lõm bõm vài chữ tiếng Anh bồi, Cứ tưởng mình đang là đồ Bác Vật )
Tôi ví dụ cái tên Béo nó phải tùy trường hợp mà gọi, mập thường thường thì đâu có goị là Heo ! vừa mập vừa ăn tham, goị là Lợn Lòi. Mập , ăn tham, dâm đãng gọi là Bác Trư. Mập mà gọi thanh tao thì là Phán Cảnh ( Cánh phản )
Có lần tôi đã bị gọi là Chi Ù- Vì xơi nhiều quá, tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu thì không ăn nhiều làm sao bẻ được ? " Ăn là ăn chúng mình ăn nhiều " Sáng tôi điểm tâm Bánh mì bagett nóng dòn, sơ sơcó một ổ rưỡi. Khoảng mười giờ tôi đi chợ. ( tôi muôn đời được phong chức chị nuôi ) . Thấy hàng bún riêu cua thì không đành lòng đi qua. Bún riêu cua bể ở Long Hải, ôi thôi nó ngon đặc biệt , nồng nàn mùi cua ,và ngọt chắc như ghẹ đêm trăng rằm ! Tôi cũng chỉ xơi có một tô thôi, nhưng mà nuốt tơí đâu, nó thấm thiá cái ngon đến đó, bỏ sừ, cứ ăn uống kiểu này thì có bơi nưả ngày cũng chưa tan hết mỡ đóng ở bụng! Sau đó nấu cơm trưa là nghề của nàng, tôi xào tôm ,mực với cần tầu hẹ ta và mì trứng. Trông thấy chảo mì, mấy đứa em tôi thèm nhỏ rãi. Trưa ngủ dậy, thì " ai xui hàng bắp gọi vào Hè ? " để cho cô dậy mua có hai cái ngô luộc, trét "Bưa " vào béo ngậy. Ăn như tằm ăn rỗi ! Sau đó chơi thơ thẩn để đợi hàng Chả Cá . Ở biển mà không ăn chả cá, là ngu xuẩn đến mức phải trừng phạt. .Ơ mà cái chả quỷ ấy gói bằng có một ngón tay út thế kia ? Sơi mấy cái cho vừa ? Tôi chỉ dám xin mẹ tiền mua tám cái nhấm nháp. Tôi xơi nhiều quá, mà không biết rằng trọng lượng của tôi cứ thế mà tỷ lệ thuận vơi chiều cao. Tôi có một mét năm mươi hai, nặng năm chục kg . Áo dài tha thướt yểu điệu của tôi , nong vào không vừa nữa rồi, mặc áo lụa Hà Đông mà như bị bó giò, thì thật là "Ám sát áo luạ " Nắng Sài Gòn anh đi mà Chột Mắt, Bởi vì em bó giò trong áo luạ Hà Đông " (Thơ Nguyên Sa ai chẳng biết ! ) Năm đó học đệ Tam, tôi bị gọi là Chi Ù. Mãi đến năm đệ Nhị, học thi trối chết, tôi mới giảm được trọng lượng béo !
Tôi xin nói lại, cái tiêng Việt phong phú ( kẻo đi xa đề ) Tôi béo thì bị chúng gọi là Chi Ù, những em khác cũng ù ú téc thì lớp tôi có Hạnh Mập, Duyên Lu, Liên Xã Xệ, Oanh (thon thon dáng) Chum. Lý Tròn, Phượng Nung Núc. Không ai giống tên ai cả mà vẫn biết là các Bà Ba Béo. Nhưng gầy thì cũng bị chúng đặt tên, Khanh Ròm, Cẩm Teo, Toàn Ốm, Thu Cò Hương vân vân và vân vân...
Cái màn đặt tên nỏ rất nguy hiểm, Xem mặt đặt tên, Ngoài cái tên cha mẹ đặt như " Đặt tình yêu nước vào nôi " thì tên là Quốc Ơi, Đi học bị chúng bạn đặt tên thì đó là tên cúng cơm, Sống thì bị chúng gọi, chết mới được đem theo. Dạo đó lớp tôi có em Hoàng hơi bị đen một chút, bị tụi nó đặt cho là Hoàng Hynos. Chúng nó đã đặt thì nó cứ gọi, không nhận cũng không được. Em Hoàng Hynos còn bị chúng cắt hình anh Bảy Chà da đen dán vào bản đồ lớp, dưới để tên Mỹ Hoàng . Ngoài Hynos, còn có em Huyền đen, chúng đặt tên là Huyền Luther King, Vì Martin Luther King gốc Phi Châu, Em Huyền cao lớn, chúng nhất định đặt tên em cho giống nhân vật lịch sử Huyền Luther King ! Tội nghiệp nhất là em Đỗ thị Cầm, bị gọi là Cầm Nhầm, mà em thực thà như đếm, chưa bao giờ cầm nhầm của ai cái gì cả ! Thế có oan ôi ông địa không cơ chứ ?
Tôi có hai ông chú cùng tên Minh, một ông chú ruột , một ông chú con nuôi của bà nội. Để phân biệt hai ông Minh, lũ cháu gọi ông chú ruột là ông Minh Cụi, vì cái tật của ông lớn lắm : "Ông cứ hẹn nhưng ông đừng đến nhé " Vài lần chờ ông hẹn không đến, lũ cháu bèn gọi ông là ông Minh Cuội. Nhưng mụ vợ của ông người Bình Định nên méng mỏ ( mắng mỏ ) tụi tôi sao lại gọi chú là ông Cụi ? Thôi thì ông hết Cuội, trở thành Cụi cũng đáng đời ! Ông Minh thứ hai, vì có hai con mắt to hơn hai con ốc nhồi, lúc nào cũng trố ra mà nhìn đời, ông bị gọi là ông Minh Trố ! Minh Cụi, Minh Trố, cũng thua ông Viêm,Tuy ông rất giỏi toán và là Thày dạy kèm chúng tôi từ đưá bé đến đứa lớn,nhưng mà dân giỏi toán thường ăn nói kém. Hễ đến nhà chơi,ông chỉ biết làm " trung tâm Nghe Nhìn " hoặc Nhai.Chúng bèn gọi ông là Ông Viêm Thộn,với hai câu thơ :
Ông Viêm Thộn ở nơi Thôn Việm
Các cháu khờ ở chốn Khờ Chau

Hồi đó ( lại hồi đó ) tôi đâu có nghĩ ra những sự đùa nhả của tụi tôi, làm phật ý nhiều người! Sau này nhớ lại, quả thật là đáng tội " Trảm " !

NGỒI MỘT MÌNH


Tranh Nguyên Khai

Không phải ngồi nghe hơi mưa, lệ tràn thiên thu, nhưng ngồi đây chẳng làm gì cả, ngắm cảnh thật mà sao nó cứ như ở trong phim trường . Vì cảnh nhà quê, mà " Bố Trí " thiết kế, xây dựng vào chốn đô thành rộn ràng.. Hoa Súng Hoa Sen, " Tù giam lỏng " trong nhừng chậu đất chậu sành, hàng Trúc nhón gót đứng rụt rè bên bờ tường thấp. Khóm dừa xanh u hoài nơi cuối khu vườn nhỏ.Trơ trẽn nhất là cái nhà vệ sinh mà còn có tên tây là cái Toalét. Nhìn nó có cảm tưởng như lão Tôn (Ngộ Không ) biến hình trốn thầy, hay trốn yêu quái, mà hóa thành cái nhà cầu ngói đỏ, còn cái đuôi ngo ngoe ở đằng sau, biến thành cái cột nhà . Tội nghiệp nhất là khóm chuối, Ông Lâm Ngữ Đường bảo rằng : trồng hoa để mời bướm, chất đá để mời mây, trồng tùng để mời gió, trồng chuối để mời mưa, .. Mưa rơi trên tàu lá chuối nó bồm bổp, bình bịch, nghe như có đứa nó thụi mình, thì trồng chuối làm gì cho nó " Bửn ".

Rồi đến cây Sung, dĩ nhiên là cái cây đó nó vô duyên thậm vô duyên, những quả cùng lá ! Không thấy hoa mà trái thì chỉ để làm miếng ngon cho bầy dơi mõm chuột. Giữa vườn là một cây hoa Đại- còn gọi là Bông Sứ Cùi ! Sao mà độc ác. Hoa thơm, đẹp, nhã nhặn như vậy mà nỡ gọi cùi này cùi nọ.Hoa Sứ " Nhà nàng" còn đem ướp trà. thơm muốn chết. Hoa trắng rơi trên thảm cỏ xanh. Đời thanh bình chi mấy ? Hàng ngày, tôi dậy từ tờ mờ sáng, hưởng cái yên tĩnh cúa một nơi " Thiên hạ có khi đang ngủ cả " để mà nhảy xuống hồ bơi, thả những vòng nhàn nhã. Tôi là con ếch cốm, bơi sấp bơi ngửa, nhìn trời hiu quạnh..Tôi với trời bơ vơ...Những cụm mây trắng như đàn cừu dật dờ, Sao cưù nó lại hiền thế nhỉ ? hiền như mây.. Cừu lùa qua lề trái lề phải gì cũng được. Kể cả lùa vào hớt lông làm áo, cắt tiết làm thịt. ..Cừu ơi là cừu.

Tôi lại ngồi một mình nhẹ nhõm, vì không bị ràng buộc. ... Ít nhất cũng một vài phút giây,
Tôi nhớ ngày đó, tôi mười hai mười ba tuổi, tôi đi xem phim " Ràng Buộc " mà Khánh Ngọc đóng vai chính.Chuyện kể hai người tình cũ gặp lại nhau trong oan trái, ngỡ ngàng, Nàng là vợ của chú ruột mình, mà ông chú này rất giàu có, đã nuôi chàng ăn học ( du học bên tây ). Khi thành đạt trở về, hai người xưa gặp nhau, và thật là :" Người ngoài cười hế hế. Người trong khóc thầm ! " Thế rồi tình cũ không rủ cũng đến, mà nay lại còn đưa đẩy đến. Sao thoát khỏi tay của thần tình ái ?? Họ hẹn hò nhăng nhít với nhau,và không qua được mắt ông chú giàu xụ. Lão rình rập bắt quả tang, và để trừng phạt, lão cho ước nguyện cúa đôi tình nhân muốn ràng buộc nhau suốt đời, lão chú dùng còng khóa tay đôi bạn vào, đi đâu, làm gì, lúc nào cũng được ràng buộc . Lão chú bị bệnh thần kinh nặng, vì mất cả chì lẫn chài. Vợ đẹp,cháu ngoan đều thành kẻ thù hết. Lão ngồi một mình đăm đăm nhìn vào khoảng không gian mênh mông vô tận. Rồi một trận hỏa họan, lão không thấy gì ngoài ngọn lửa đẹp bập bùng soi bóng dáng hai người thân yêu ràng buộc, chết cùng với lão trong căn biệt thự kinh hoàng. ! Thế là lại có chuyện Ông Táo Bà Táo tân thời nữa đấy. Ngày đó tôi có em Bê là bạn thân. Em chửa chồng mãi đến tận tuổi ngũ tuần !Lão chồng dớ dẩn của tôi, tự dưng đem em đi làm mai cho em một đấng dớ dẩn khác ! Đẹp Lão, con nhà rầu, học rỏi , Tôi tức lắm, Mình đang có bạn để rong chơi cuối đời quên lãng, thì đùng một cái, nó đòi lên xe bông !
Tôi hoạnh họe lão chồng :

- Lý do gì ông dám đem bạn tôi mà đi làm mai ? ? Ai mượn ông ?
-Ông bảo lão Lương đó hay ho tài cáng, sao ông không làm mai cho tôi đi, để làm chuyện ông Táo bà Táo luôn thể ?!
- Ông làm ơn ngưng ngay cái job làm mai của ông đi nhé ! Tôi còn nhiều bạn độc thân lắm đấy ..

Thì ra lòng ghen tỵ nó bộc phát. :
" Tôi muốn riêng bạn là bạn của riêng tôi ! "
Bạn lên xe bông là đã chia sẻ hết thì giờ và tình cảm cho người khác hết rồi. Hèn gì người ta cư ấm ức, khó chịu nhau như mẹ chồng nàng dâu là vậy ! Có bữa ấm ức quá, tôi bèn hỏi em Bê:

-Lý do gì mày lại Ưng lấy chồng vào cái thời điểm Lão làng thế này ?
-Tao thấy " đời em cô đơn nên em hãi cô đơn "
- Cô đơn cái con khỉ ! Mày đi ta bà thế giới, năm châu bốn bể, chỗ nào cũng có anh em giai gái cả đống, cô đơn hồi nào ?
- Nhưng lúc tao đau ốm không có người săn sóc !
-Phải, rồi mày xem, khi lão ( thợ săn ) đã săn được mày rồi, thì lão sẽ sóc mày lên !
Đang sung sướng không muốn, lại còn muốn sướng rên lên cơ ! Rõ chán cái nhà em Bê.

VỀ MIỀN ĐÔNG ĂN "KHỈ"

Hôm đó tôi đi chơi miền Đông với các bạn học cùng khóa. Cưỡi ngựa sắt mà lại có máy lạnh. Các cụ bạn ngồi chễm chệ đề huề sung sướng. Mỗi cụ có một bọc hành lý ôm khư khư. Tuy là đã ngồi xe nhà mà vẫn " phản xạ sợ bị ăn trộm ".
Thỉnh thoảng tôi cũng lơ mơ liếc ra cửa sổ ngắm nhìn phong cảnh hai bên đường, và thưởng thức những câu chuyện nổ ra như bắp rang. tôi chỉ sợ lão tài xế mải nghe chuyện mà ủi vào lề đường thì toi , vì các câu chuyện nó lâm ly lắm lắm . Có một cụ kể rằng ( xin lỗi, các cụ toàn mày tao, vì không còn thứ bậc nào cao quí hơn mà xưng hô )

- Bữa đó tao đi chung với vợ chồng em Nhạn, tụi mày biết lão chồng của em người Mỹ mà nói tiếng Việt rành lắm. Lão Mỹ đố tao và em Nhạn :
- Các bà có biết vì sao mà Hai Bà Trưng lại thua Tô Định không ?
Tao dư biết là lão sắp kể chuyện bậy ( lũ Hán tặc dám tô hô ra chọc quê hai bà ) .Nên tao vội vàng trả lời :
- Biết, là vì Hai Bà Không Thèm Thắng, chứ Hai Bà thua hồi nào ?
-Lão Mỹ nói được tiếng Việt đó im luôn không dám hó hé. Câu trả lời đúng 100/ 100.Đáng được ghi vào sử sách từ năm 41 trước công nguyên !
Lại nghe cụ Tiến thỏ thẻ :
- Tao bây giờ cô độc lắm, các con thì ở xa, chồng thì không có nữa...
-Ủa, chồng mày lên nóc tủ rồi à ? Đứa nào lên trước đứa đó thắng !
- Không phải , lão chưa lên, nhưng mà nhìn mãi một lão mấy mươi năm, chán quá, tao trả lão về nguyên quán rồi !
- Phúc đức cho nhà lão, Ở Liều Gặp Lành !
- Mảy nói sao ?
- Thì là lão ta Liều lấy mày ,xong nhờ phúc Lành được mày thả ra ! Cả hai ông bà:

Ở Liều Gặp Lành hay Ở Lành Gặp Liều , thì cũng na ná !
Bữa đó nói là đi ăn sinh nhật, mà lại được ăn đám giỗ cụ bà thân sinh ra chủ nhà, gọi là đám giỗ má tui. Cho nên ăn uống linh đình sau những màn cụng ly cụng liếc leng keng lách cách, là màn hát Happy Birth Day xong rồi xúm vào chụp hình cắt bánh . Có ai đó đã gởi tặng chủ nhân một bó hoa Lan trông thật mỹ miều. Em cầm huê chụp hình rất ư ngoạn mục. Một cụ thấy hoa đẹp quá bèn hỏi:

- Ủa sao có hoa Lan màu vàng cam đẹp thế này nhỉ ? Hay là người ta nhuộm ?
- Mày còn phải nhuộm kia nữa là hoa ?

Ăn chơi thỏa thuê, lại còn được chở vảo rừng cao su xem " Rừng Lá Thấp " Đi rừng buồn muốn chết, các cụ giải buồn chẳng biết cái " rét run..m " nó ở đâu ? Tôi sợ rừng cao su đó chắc cây sẽ chết queo hết quá ..Chủ rừng nuôi nhiều gia cầm gia súc, nào là gà Ri, gà cồ, gà qụa gàTre..Còn có gả H' Mông , mà lúc đãi tiệc đã được giới thiệu :

-Xôi gà, Gỏi gà, thịt gà... đều đặc biệt là Gà Hở Mông.

Gà làm gì có mông ? Gà có mỗi cái Phao câu mà còn Hở nữa, thì nó trần trụi đến cỡ nào ?
Kế đó là nuôi Heo Mọi. Thứ heo bé bé xinh xinh mà quay vàng lên, thái mỏng mỏng, lại cũng bỏ vào những cái mồm móm mém xinh xinh, thật là tuyệt vời, ăn ngon hết biết cái món thịt nướng chấm chao
Khi các cụ dung dăng dung dẻ dang tay ra về, trời có hơi chớp bể mưa nguồn báo động từ xa, mây đen ùn ùn kéo tới. ....
Vậy chứ ra về, mỗi cụ được chủ nhà, chủ vườn cho quảy về một bịch trái cây: mỗi bịch hai thứ quả : Thanh Long , Bưởi hay đu đủ. ..
Lúc ra về, ngồi trên xe, lại chuyện của các cụ nổ như bắp rang:

- Người Nam gọi là cúng quảy, vì ăn cúng giỗ xong được quảy về !
-Người Bắc gọi là cúng giỗ ! Tôi phải ráng tìm hiểu xem tại sao lại là giỗ ?
-Ăn giỗ đi trước, lội nước đi sau ( tục ngữ )

Tôi thì chỉ giỗ mỗi ông thần khẩu !

-Người Trung gọi là đi ăn Kỵ. Thế là làm sao ? Tôi chịu chết !

Có lần tụi tôi được anh Giai người Huế mời đi ăn Kỵ. Nghe tiếng Trung tưởng đi ăn Khỉ. Tôi đã hơi ngần ngại, ( Sợ mấy ông bắt chước Từ Hy Thái Hậu, mời bọn Tây Phương xơi tái thịt khỉ, với món Óc tươi !.. )Tôi cũng làm gan đi theo . Đến nhà anh Giai, người ta bầy cỗ bàn la liệt nghi ngút ... Bèn trợn mắt hỏi :
-Ủa Khỉ đâu anh Giai ? ?
Xém nưã bị chủ nhà đuổ về vì tưởng mình nhạo báng ! hoá ra là vì hiểu lầm .
- Mi đi ăn giỗ cụ kỵ, ! chứ răng có ăn khỉ hồi mô ??